UBND TP Hà Nội vừa ban hành thông báo kết luận của tập thể lãnh đạo thành phố về đề án đầu tư xây dựng sân vận động Hàng Đẫy.
Thành phố quyết định mở rộng diện tích sân vận động sang nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức, khu huấn luyện vận động viên thành tích cao Hà Nội để tạo thành khu liên hợp thể thao đồng bộ, hiện đại.
Diện tích hầm để xe của sân vận động được mở rộng sang khu vực đường Trịnh Hoài Đức. Trụ sở Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ được di dời để bổ sung diện tích giao thông, bãi đỗ xe, kết hợp thương mại, dịch vụ... tạo không gian kiến trúc, cảnh quan cho sân vận động.
Đối tác được thành phố Hà Nội chọn thực hiện đề án là Công ty cổ phần Tập đoàn T&T.
UBND thành phố giao Sở Kế hoạch chủ trì, phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao, đơn vị liên quan thực hiện đề án trên.
Đầu tháng 2, Thành ủy Hà Nội có thông báo đồng ý đề xuất của Ban Cán sự đảng UBND thành phố về chủ trương thí điểm giao Công ty cổ phần Tập đoàn T&T quản lý, sử dụng, vận hành sân vận động Hàng Đẫy.
Tại buổi làm việc giữa lãnh đạo UBND TP Hà Nội với các sở ngành (ngày 6/2), Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu Sở Văn hóa chuyển giao sân vận động Hàng Đẫy cho Câu lạc bộ Bóng đá Hà Nội (do Chủ tịch Tập đoàn T&T Đỗ Quang Hiển sở hữu).
“Chúng ta sẽ thí điểm bàn giao sân vận động cho Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội quản lý. Câu lạc bộ sẽ lập đề án xây dựng bãi đỗ xe ngầm trong sân vận động và cải tạo sân”, ông Chung thông tin.
Video: Nghĩa trang lớn nhất TP.HCM sắp 'hóa kiếp' thành khu đô thị cao cấp
Sân vận động Hàng Đẫy được hình thành từ năm 1934 với tên gọi Bãi bóng đá Hàng Đẫy (nằm giữa làng Bích Câu và phố Hàng Đẫy cũ). Từ năm 1936 đến 1938, bãi bóng đá Hàng Đẫy được Hội Thể dục Bắc Kỳ (SEPTO) xây dựng, có tường bao quanh. Khán đài A bằng gỗ, gồm 400 chỗ ngồi. Trong gần 20 năm, sân còn được biết đến với tên sân SEPTO.
Tháng 8/1958, sân được khánh thành sau khi chính quyền cải tạo xây dựng với quy mô lớn và sân được đặt tên Sân vận động Hàng Đẫy. Sân có diện tích sàn gần 22.000 m2 với 25.000 chỗ ngồi; khán đài A có mái che.
Bình luận