Báo cáo về Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 cho biết, dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn này của toàn Thành phố Hà Nội là hơn 304.799,7 tỷ đồng (giảm 272,9 tỷ đồng từ nguồn ODA cấp phát). Trong đó, đầu tư công trung hạn ngân sách cấp thành phố là hơn 218.962 tỷ đồng; cấp huyện là 85.837 tỷ đồng.
Nguyên tắc bố trí vốn, theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Nghị định hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương; Phù hợp với tình hình, yêu cầu thực tế, khả năng cân đối ngân sách của thành phố; Đảm bảo đầu tư không dàn trải, tập trung vào các dự án quan trọng, cần thiết, sớm phát huy hiệu quả; Cắt giảm những dự án chưa thực sự cần thiết, kém hiệu quả theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đáng chú ý, Thành phố tập trung thực hiện đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo 38 nhiệm vụ trọng tâm của Thành ủy, Nghị quyết phát triển KT-XH 5 năm của HĐND thành phố và 10 Chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội. Cụ thể, Chương trình số 03 của Thành ủy về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị và Chương trình 05 của Thành ủy về đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn, ứng phó với biến đối khí hậu.
Đáng chú ý, thành phố Hà Nội thực hiện mục tiêu phát triển hạ tầng kỹ thuật giao thông; đầu tư, nâng tỷ lệ quỹ đất cho giao thông đô thị khoảng 12-15% diện tích đất đô thị. Cân đối bố trí vốn 5 năm cho lĩnh vực giao thông là hơn 83.337 tỷ đồng để thực hiện 255 dự án. Thành phố dành một khoản kinh phí cho 14 dự án lớn đang đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư và bố trí vốn hàng năm theo tiến độ thực tế dự án. Phương án phân bổ ưu tiên đầu tư theo đúng định hướng đầu tư ngành giao thông và mục tiêu phát triển hạ tầng kinh tế- xã hội như các đường Vành đai 2,5, Vành đai 3, Vành đai 3,5, Vành đai 4…; Các dự án lớn qua sông (Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, cầu Thượng Cát); Các trục hướng tâm, liên kết vùng (quốc lộ 6, nâng cấp quốc lộ 32, quốc lộ 1A cũ, quốc lộ 21B, đường nối từ cao tốc Láng - Hòa Lạc với đường cao tốc Hà Nội - Hòa Bình); Các trục chính đô thị thuộc kết cấu hạ tầng khung và các đường tỉnh lộ, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch.
Lĩnh vực thoát nước, chống úng ngập, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường, ngân sách thành phố cân đối bố trí hơn 13.704 tỷ đồng đầu tư 24 dự án. Thành phố cũng dành một khoản kinh phí cho 9 dự án bố trí vốn hàng năm.
Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội cân đối bố trí vốn 6.200 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi.
Đối với các nhóm chỉ tiêu về kinh tế, Hà Nội chỉ đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng đối với lĩnh vực thương mại (cân đối 160 tỷ đồng để thực hiện 1 dự án) và lĩnh vực công nghiệp, khu công nghiệp và khu kinh tế (cân đối 130 tỷ đồng thực hiện 1 dự án).
Lĩnh vực thủy lợi, đê điều, nông nghiệp để đảm bảo an toàn đê điều và hồ đập, ngân sách bố trí gần 9.572 tỷ đồng để thực hiện 138 dự án và dành kinh phí cho 3 dự án lớn bố trí vốn hàng năm theo tiến độ thực tế dự án.
Nhóm chỉ tiêu về văn hóa xã hội, đối với lĩnh vực giáo dục đào tạo và dạy nghề, phấn đấu hết năm 2025 tất cả các trường công lập đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia. Ngân sách thành phố cân đối 2.286 tỷ đồng để thực hiện 48 dự án thuộc nhiệm vụ chi thành phố; dành mọi khoản kinh phí dự kiến đầu tư 5 trường liên cấp có cơ sở vật chất ngang tầm các nước trong khu vực; thành phố cũng hỗ trợ cấp huyện, thị xã đầu tư xây dựng trường mầm non, tiểu học và THCS thuộc quản lý đầu tư cấp huyện đến năm 2025 hoàn thành 100% chỉ tiêu trường đạt chuẩn quốc gia.
Đầu tư 11 dự án về đào tạo nghề, trong đó phân bổ chi tiết 644,2 tỷ đồng cho 6 dự án và dành một khoản kinh phí dự kiến đầu tư xây dựng Trường Đại học Thủ đô được bố trí vốn hàng năm theo tiến độ thực tế dự án.
Đối với lĩnh vực y tế, cùng với xã hội hóa, ngân sách thành phố Hà Nội cân đối 3.001 tỷ đồng để thực hiện 16 dự án đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu 30-35 giường bệnh/1 vạn dân.
Lĩnh vực văn hóa thông tin và thể dục, thể thao, ngân sách cân đối bố trí hơn 2.650 tỷ đồng để thực hiện 26 dự án về phát triển văn hóa, thể thao trong đó có 11 dự án văn hóa được bố trí vốn 2.199 tỷ đồng. Ngoài ra, thành phố còn dành một khoản kinh phí dự kiến đầu tư 2 dự án trọng tâm là phục dựng Điện Kính Thiên và Cung văn hóa thể thao Thanh Niên Hà Nội, 4 công viên công cộng lớn trên địa bàn thành phố sẽ được bố trí vốn hàng năm theo tiến độ thực tế dự án. Thành phố cũng sẽ hộ trợ các huyện đầu tư bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử, trung tâm văn hóa thể thao, nhà văn hóa thôn còn thiếu.
UBND thành phố Hà Nội cũng đề xuất, dự kiến bố trí nguồn vốn cho các dự án lớn, trọng điểm cần đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư và bố trí vốn hàng năm theo tiến độ thực tế của dự án đối với 34 dự án và các dự án lớn tại các đề án huyện thành lập quận giai đoạn 5 năm là 36.000 tỷ đồng. Để đáp ứng yêu cầu tiến độ của các dự án lớn của thành phố, cho phép điều hành linh hoạt sử dụng nguồn vốn cải cách tiền lương còn dư chưa sử dụng, vay vốn nhàn rỗi kho bạc, nguồn vốn từ quỹ dự trữ tài chính…khi chưa huy động kịp thời từ các nguồn khác.
Bình luận