• Zalo

Hà Nội đề nghị số hóa dữ liệu, siết chặt quản lý tài sản công

Tin nóngThứ Tư, 23/11/2022 12:11:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Các đại biểu đề nghị số hóa toàn bộ, xây dựng cơ sở dữ liệu, phần mềm để quản lý tài sản công, nhằm khai thác và sử dụng hiệu quả.

Ngày 23/11, tại Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu giải trình thêm một số nội dung các đại biểu thảo luận, cho ý kiến về vấn đề đầu tư công.

Ông Trần Sỹ Thanh cho biết, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, từ giờ đến cuối năm nay, UBND TP đến các sở, ngành, quận, huyện phải tập trung công tác trực tiếp rà soát từng dự án để phân tích tiến độ, khối lượng hoàn thành, phiếu giá, thanh toán...

Chủ tịch Hà Nội cũng mong muốn các thành viên trong Ban Thường vụ Thành ủy phụ trách địa bàn quan tâm vấn đề này, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Liên quan triển khai giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, nguồn vốn thực hiện di chuyển mộ, lãnh đạo TP nhất quán sử dụng nguồn vốn từ dự án Vành đai 4.

Đề nghị các sở, ngành liên quan thống nhất trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn địa phương. Nếu chưa có vốn thì tạm thời ứng vốn địa phương. Ông Trần Sỹ Thanh cũng nhấn mạnh, việc này đang nóng, nếu vừa làm vừa cầm chừng sẽ không thể xong đúng tiến độ.

Hà Nội đề nghị số hóa dữ liệu, siết chặt quản lý tài sản công - 1

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị.

Về đề án quản lý tài sản công, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, các ý kiến đều thống nhất và đánh giá cao tầm quan trọng của đề án, đồng thời đề nghị bổ sung nội dung và đề ra một số giải pháp.

Trong đó, việc quản lý quỹ nhà chuyên dùng còn thiếu các chính sách pháp luật để quản lý hiệu quả. Các ý kiến đều thống nhất yêu cầu bổ sung báo cáo với Chính phủ để tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách, đồng thời nghiên cứu mô hình quản lý hiệu quả và kịp thời xử lý các vi phạm.

Các đại biểu đề nghị số hoá toàn bộ, xây dựng cơ sở dữ liệu, phần mềm để quản lý toàn bộ tài sản công gắn với phân loại để quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả.

Đồng thời, đề nghị rà soát, nghiên cứu bổ sung một số hạng mục là các tài sản công khác như hợp tác xã, chợ, bến, bãi đỗ xe và kể cả tài sản công phi vật thể. Các ý kiến đều thống nhất các nhóm tài sản công, tập trung phân tích, đánh giá kỹ về đất đai, quỹ nhà, đảm bảo quản lý công khai minh bạch và khai thác hiệu quả.

Hà Nội đề nghị số hóa dữ liệu, siết chặt quản lý tài sản công - 2

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu tại hội nghị.

Các đại biểu có ý kiến cần tiếp tục nghiên cứu đẩy mạnh phân cấp cho quận huyện trong việc quản lý tài sản công; nghiên cứu thí điểm phân cấp ủy quyền cho quận huyện phê duyệt đề án khai thác tài sản công. 

Theo quy định, có 7 nhóm tài sản công thuộc sở hữu Nhà nước, nhưng đề án xác định phạm vi tập trung vào 4 nhóm tài sản công, đó là: Nhà; đất đai; tài sản kết cấu hạ tầng; tài sản khác. Trong đó, trọng tâm là phân tích, đánh giá đối với 2 nhóm chủ yếu là quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước của thành phố và đất đai.

Thay mặt Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng chỉ đạo 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các Thành ủy viên, thủ trưởng cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2023.

Trong đó, Bí thư Đinh Tiến Dũng yêu cầu bám sát Chương trình hành động của Đảng bộ thành phố thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, 10 chương trình công tác, các đề án, kế hoạch, chương trình của Thành ủy, rà soát lại từng nhiệm vụ, chỉ tiêu để từng đơn vị chủ động có kế hoạch, đề xuất giải pháp cụ thể, khả thi; tập trung những nhiệm vụ, chỉ tiêu có khả năng không đạt để có giải pháp quyết liệt tháo gỡ những khâu yếu, việc khó.

Bí thư Thành ủy yêu cầu, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là các lĩnh vực: Quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng; thực hiện tốt chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo; phấn đấu thực hiện tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,0% trở lên. Tốc độ tăng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn 10,5-11%, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu 7,5-8%.

“Hoàn thành, trình Thủ tướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó, cần lưu ý quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội theo hướng văn hiến, văn minh, hiện đại, giữ được văn hóa nông thôn Bắc Bộ gắn với làng nghề, di tích văn hóa, lịch sử...”, Bí thư Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Cũng theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, các cấp, ngành phải tăng cường chỉnh trang đô thị, quản lý trật tự lòng đường, vỉa hè, quản lý phương tiện giao thông, giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, các công trình trọng điểm, nhất là hoàn thành đưa vào vận hành thương mại đoạn trên cao tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội; hoàn thành thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng và khởi công dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; xây dựng, ban hành quy định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ; tiếp tục rà soát, xử lý hơn 400 dự án có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn theo Nghị quyết của HĐND thành phố.

Bí thư Hà Nội còn lưu ý nội dung quan trọng cần tập trung thực hiện nhằm bảo đảm các mục tiêu, nhiệm vụ về tài chính - ngân sách, đầu tư công vừa phát huy kết quả đạt được, vừa khắc phục những hạn chế; tạo bước chuyển biến mới trong năm 2023.

Đối với Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030, Ban Cán sự Đảng UBND thành phố có trách nhiệm tiếp thu tối đa ý kiến xác đáng để hoàn thiện Đề án và trình HĐND thành phố xem xét, thông qua theo quy định.

Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố giao Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo rà soát, tiếp thu, hoàn thiện Chương trình công tác năm 2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy và ký ban hành theo Quy chế làm việc của Thành ủy.

Về kế hoạch kiểm tra, giám sát của Thành ủy năm 2023 với 3 nội dung lớn, trên cơ sở thống nhất tại hội nghị, Thành ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng trực thuộc, các sở, ngành thành phố nghiêm túc thực hiện kế hoạch; đồng thời, chú trọng công tác tự kiểm tra, giám sát thường xuyên.

Khẳng định Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVII thành công tốt đẹp, ông Đinh Tiến Dũng lưu ý, thời gian còn lại của năm 2022 không còn nhiều, khối lượng công việc còn rất lớn, các Thành ủy viên, người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung cao độ, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022, tạo tiền đề cho năm 2023.

“Với truyền thống đoàn kết, thống nhất, trách nhiệm, bản lĩnh và sáng tạo của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, tôi tin tưởng rằng, trên cơ sở những nội dung đã được thông qua tại hội nghị hôm nay, các cấp, ngành theo chức năng, nhiệm vụ sẽ chủ động bắt tay ngay vào xây dựng các chương trình, kế hoạch để sớm tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết và kết luận của hội nghị; tập trung cao độ, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị năm 2023, góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của cả nhiệm kỳ được xác định tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố”, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Sông Trà
Bình luận
vtcnews.vn