Sáng 23/11, tại Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu giải trình thêm nội dung các đại biểu thảo luận, cho ý kiến về vấn đề đầu tư công.
Ông Trần Sỹ Thanh cho biết, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, từ giờ đến cuối năm, từ UBND TP đến các sở, ngành, quận, huyện phải tập trung công tác trực tiếp rà soát từng dự án để phân tích tiến độ, khối lượng hoàn thành, phiếu giá, thanh toán...
Chủ tịch Hà Nội cũng mong muốn các thành viên trong Ban Thường vụ Thành ủy phụ trách các địa bàn quan tâm đến vấn đề này, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Liên quan triển khai giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, nguồn vốn thực hiện di chuyển mộ, lãnh đạo thành phố nhất quán sử dụng nguồn vốn từ dự án Vành đai 4.
Lãnh đạo thành phố đề nghị các sở ngành liên quan thống nhất trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn địa phương, nếu chưa có vốn thì tạm thời ứng vốn địa phương. Ông Trần Sỹ Thanh cũng nhấn mạnh, việc này đang nóng, nếu vừa làm vừa cầm chừng sẽ không thể xong đúng tiến độ.
Về đề án quản lý tài sản công, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, các ý kiến đều thống nhất và đánh giá cao tầm quan trọng của đề án, đồng thời đề nghị bổ sung một số nội dung và đề ra một số giải pháp.
Trong đó, việc quản lý quỹ nhà chuyên dùng còn thiếu các chính sách pháp luật để quản lý hiệu quả. Các ý kiến đều thống nhất yêu cầu bổ sung báo cáo với Chính phủ để tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách, đồng thời nghiên cứu mô hình quản lý hiệu quả và kịp thời xử lý các vi phạm.
Các đại biểu đề nghị số hoá toàn bộ, xây dựng cơ sở dữ liệu, xây dựng phần mềm để quản lý toàn bộ tài sản công gắn với phân loại để quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả. Đồng thời đề nghị rà soát, nghiên cứu bổ sung một số hạng mục là tài sản công khác như: Hợp tác xã, chợ, bến, bãi đỗ xe và kể cả tài sản công phi vật thể. Các ý kiến đều thống nhất với nhóm tài sản công, tập trung phân tích, đánh giá kỹ về đất đai, quỹ nhà, để đảm bảo quản lý công khai minh bạch và khai thác hiệu quả.
Các đại biểu có ý kiến cần tiếp tục nghiên cứu đẩy mạnh phân cấp cho quận huyện trong việc quản lý tài sản công; nghiên cứu thí điểm phân cấp ủy quyền cho quận huyện phê duyệt đề án khai thác tài sản công.
Trước đó, Ban Cán sự Đảng UBND TP đã trình Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố xem xét, thông qua chủ trương Đề án “Quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030”. Một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu của Đề án là nhằm “số hóa” dữ liệu và siết chặt quản lý tài sản công của thành phố.
Dự thảo Đề án gồm 4 phần. Thứ nhất là sự cần thiết và căn cứ xây dựng. Thứ hai là thực trạng công tác quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công của thành phố. Thứ ba là quan điểm, mục tiêu, giải pháp và kiến nghị nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công của thành phố giai đoạn 2022-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030. Thứ tư là tổ chức thực hiện.
Theo quy định, có 7 nhóm tài sản công thuộc sở hữu Nhà nước, nhưng Đề án xác định phạm vi tập trung vào 4 nhóm tài sản công, đó là: Nhà, đất đai, tài sản kết cấu hạ tầng, tài sản khác. Trong đó, trọng tâm là phân tích, đánh giá đối với 2 nhóm chủ yếu là quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước của thành phố và đất đai.
Trong giai đoạn 2022-2025, mục tiêu cụ thể của Đề án là 100% tài sản công của thành phố hiện đã có phần mềm Cơ sở dữ liệu tập trung được cập nhật đầy đủ và chính xác theo quy định. Thực hiện Đề án, thành phố sẽ xử lý, khắc phục dứt điểm vi phạm trong quản lý, sử dụng quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước của thành phố giao cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp quản lý, khai thác trên cơ sở quy định của Trung ương và thành phố; chấm dứt tình trạng sử dụng tài sản công để cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết không đúng quy định. 100% tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án.
Căn cứ quy định của Chính phủ, các cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng của thành phố phải hoàn thành việc rà soát, phân loại 100% tài sản kết cấu hạ tầng hiện có để thực hiện việc quản lý, sử dụng theo quy định…
Về giải pháp, Đề án xác định 5 nhóm giải pháp chung, 4 nhóm giải pháp cụ thể tương ứng đối với 4 nhóm tài sản công.
Sau khi được BCH Đảng bộ TP thống nhất về chủ trương tại hội nghị lần này, UBND TP sẽ báo cáo HĐND TP tại Kỳ họp thứ 10, dự kiến diễn ra vào đầu tháng 12/2022, xem xét thông qua theo quy định để đưa vào thực hiện.
Bình luận