• Zalo

Hà Nội: Dân bắc cầu khỉ “vượt”... dự án

Thời sựThứ Hai, 16/04/2012 11:30:00 +07:00Google News

Hàng chục hộ dân hàng ngày vẫn phải băng qua mương Thanh Nhàn để ra phố trên những chiếc cầu khỉ tạm bợ.

Hàng chục hộ dân phường Quỳnh Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội) hàng ngày vẫn phải băng qua mương Thanh Nhàn để ra phố trên những chiếc cầu khỉ tạm bợ, dù không ít lần họ đã đề xuất được tự bỏ tiền làm cầu bêtông.

Bao giờ mới hết cảnh cầu khỉ?

Chỉ một đoạn mương lở loét, dài khoảng 200m mà đã gần chục cây cầu khỉ vắt ngang qua. 
Đó là câu hỏi mà ông Nguyễn Văn Mão, tổ trưởng khu phố 1 (phường Quỳnh Mai) đã không ít lần lên hỏi UBND phường Quỳnh Mai. Tuy nhiên, câu trả lời của những cán bộ phường là: “Dự án sắp khởi công”, nhưng mấy năm liền, dự án vẫn bất động.


Đi dọc phố Thanh Nhàn, hoặc sâu trong các ngõ của phố Hoàng Mai là chằng chịt hệ thống mương rộng từ 2 – 3m chạy ngoằn ngoèo đổ ra sông Kim Ngưu. Điều này khiến cho các hộ dân phải bắc cầu khỉ (sử dụng những tấm ván, cọc tre để làm cầu) và chịu cảnh hôi thối thường xuyên.

Bà Nguyễn Ngọc Yến, số nhà 117/77 phố Hoàng Mai, cho biết từ năm 2005, tấm bảng thông tin dự án cống hoá mương Thanh Nhàn (thuộc dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 2) được dựng lên trước số nhà 77, làm cho người dân tưởng cảnh hôi thối, bắc cầu khỉ sẽ sớm chấm dứt, nhưng từ đó đến giờ, vẫn như cũ. “Mỗi năm cả ngõ chung nhau góp tiền thuê cửu vạn kè lại con mương nhằm chống sạt lở để lấy lối đi và khơi thông dòng chảy cho đỡ hôi thối”, bà Yến nói.


Trưa ngày 9.4, ngày đầu tiên Hà Nội oi nồng vì nắng đầu mùa, chúng tôi đi dọc đoạn kênh ngõ 77, một mùi tanh nồng xộc thẳng vào mũi khiến muốn ói. Đoạn mương chưa đầy 100m nhưng đã có năm miệng ống đổ nước thải sinh hoạt xuống. Tương tự, đoạn kênh dài hơn 200m chạy dọc phố Thanh Nhàn cũng bốc mùi hôi nồng nặc. Điều oái oăm là, đoạn mương từ số nhà 23 (phố Thanh Nhàn) trở về trước được cống hoá khang trang, nhưng đến số nhà 23 thì dự án cống hoá bị “khựng” lại, để miệng cống mở toác ra với dòng nước đen ngòm.

“Đáng ngại là đoạn mương trần này đối diện với bệnh viện Thanh Nhàn, miệng ống đổ nước thải của bệnh viện hàng ngày vẫn chảy ra đây mà không biết đã qua xử lý chưa”, ông Mão lo lắng. Lật từng trang của tập hồ sơ “dự án Thoát nước cải tạo môi trường Hà Nội giai đoạn 2” có từ 2005, ông Mão nói: “Đoạn từ số nhà 23 đã được làm xong từ trước 2005, đoạn còn lại, mãi đến năm 2009 mới có người xuống đo đạc để lấy đất bàn giao. Các hộ dân đều đồng tình và chấp nhận tiền đền bù, nhưng từ đó tới nay chẳng thấy biến chuyển gì”.


Sợ thi công dự án thoát nước sẽ… gây ngập

Theo ông Mão, do đây là đoạn kênh mặt tiền, chủ yếu là dân buôn bán có tiền, nên nhiều lần các hộ đã kiến nghị lên phường xin phép được tự bỏ tiền xây cầu bêtông để xoá cầu khỉ. “Chúng tôi cam kết khi nào thực hiện dự án xây cống thì sẽ tự phá dỡ mà không nhận tiền đền bù, miễn sao để dân có cầu đi lại cho an toàn, buôn bán được thuận lợi. Ban đầu phường bảo có thể làm được, nhưng sau đó lại thông báo sắp làm nắp cống, nên bảo chúng tôi gắng đợi thêm. Đợi mãi mà tới nay vẫn vậy”, đại diện nhà số 27 đường Thanh Nhàn cho biết.

Bà Tống Thị Kim Lan, chủ tịch UBND phường Quỳnh Mai, thừa nhận nhiều lần phường nhận được kiến nghị làm cầu bêtông của dân, tuy nhiên khi đề xuất lên quận, thì quận nói phải chờ dự án. “Do đã có quy hoạch dự án thoát nước, nên thẩm quyền là của quận và ban quản lý dự án thoát nước Hà Nội”, bà Lan nói.

Tuy vậy, theo ông Phạm Văn Cường, giám đốc ban quản lý dự án thoát nước Hà Nội thì không hề có chuyện dự án bị “treo” từ năm 2005 như phản ánh của người dân. “Dự án mới được phê duyệt, còn tấm biển thông tin dự án trên công trường chỉ là tấm biển công bố quy hoạch”, ông Cường giải thích. Ban quản lý dự án thoát nước Hà Nội, cho biết dự án cống hoá mương Thanh Nhàn (đoạn từ phố Thanh Nhàn ra sông Kim Ngưu có chiều dài 270m, mặt cắt ngang của cống là 3,5 x 2m) vừa được đấu thầu xong và sẽ khởi công từ quý 2/2012, dự kiến hoàn thành sau hai năm. Tuy nhiên, chính ông Cường cũng không biết dự án có thể khởi công đúng theo kế hoạch hay không.

Theo SGTT

Bình luận
vtcnews.vn