Cần phải hiểu cho đúng
- Bộ Tài chính vừa có công văn gửi các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương yêu cầu, kể từ ngày 1/1/2018 tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công (đất đai) để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) cho đến khi Nghị định của Chính phủ quy định về nội dung này có hiệu lực thi hành. Ông đánh giá như thế nào về quyết định nói trên? Theo ông, điều này có đồng nghĩa, chúng ta sẽ hạn chế cách thức đầu tư xây dựng - chuyển giao (BT) hay không và vì sao?
BT thực chất là một dạng đặc thù của phương thức PPP (quan hệ đối tác công - tư) được áp dụng khá rộng rãi ở Việt Nam. Về bản chất, đây cũng là phương thức huy động tài chính từ đất để phát triển hạ tầng, nên các chính quyền địa phương mới lấy một số đất giao cho chủ đầu tư. Câu hỏi đặt ra chỉ là: đổi theo giá nào? Nếu giá thành chỉ định, hai bên thỏa thuận với nhau rất dễ không minh bạch, không đúng giá trị, trong quá trình trao đổi họ sẽ kiếm thêm lợi ích để chia nhau, tạo điều kiện cho việc tham nhũng.
Thế nhưng giá dự toán công trình do tư vấn thiết kế tính toán và giá đất do các chuyên gia về giá đề xuất chỉ mới là giá dựa trên cơ chế giá cả, chưa tính đến các yếu tố khác. Trong khi đất đai rất khó định giá thị trường.
Đây là cách huy động nguồn lực từ đất để phát triển hạ tầng của từng địa phương nói riêng, của đất nước nói chung, việc huy động trên là đúng. Tôi chỉ phản đối cách đổi ngang cho nhau mà không dựa theo giá thị trường.
Ở đây, cần phải hiểu quyết định của Bộ Tài chính là dừng lại các dự án sắp triển khai áp dụng hình thức BT mà chưa có Nghị định cụ thể để áp dụng, nhất là khi phương thức triển khai chưa đúng, chứ không phải xóa bỏ hẳn hình thức này.
- Trước yêu cầu trên của Bộ Tài chính, những nhà đầu tư BT làm nghiêm túc, đàng hoàng liệu có lo chịu thiệt hại oan hay không, thưa ông? Về phía nhà đầu tư, theo ông, cần lưu ý những gì để đảm bảo quyền lợi của chính mình? Xin ông chỉ rõ?
Các nhà đầu tư đàng hoàng không có gì thiệt hại ở đây, vì quyết định của Bộ Tài chính hay Chính phủ cũng là mong cho được việc, cho mọi thứ trở nên công bằng hơn, chứ không phải mong cản trở công việc, có điều phải công bằng, hợp cơ chế thị trường.
Cho nên, các nhà đầu tư chân chính để không bị thiệt hại đảm bảo quyền lợi của mình, trước khi đầu tư giá công trình một dự án nào đó, cần xác định giá trị sinh lợi có được từ dự án trên, tham gia đấu thầu công khai, cạnh tranh công bằng sẽ không phát sinh thêm chi phí "đi đêm".
Điều tiên quyết là minh bạch
- Trong điều kiện thiếu vốn mà nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng vẫn đang rất cao như Việt Nam, nếu không chấp nhận hình thức đầu tư BT để thay thế thì có huy động đủ vốn hay không? Theo ông, để dẹp hết những tiêu cực của hình thức đầu tư BT, chúng ta cần làm gì thay vì cấm triển khai áp dụng như hiện nay?
Quyết định nào đưa ra cũng không thể ngăn được các việc đã được triển khai, Hà Nội đã quyết định thì cứ làm, chứ không ngăn được. Hơn nữa, Bộ Tài chính cấm nhưng chưa chỉ ra cần làm thế nào sẽ không thuyết phục được.
Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng
Phải khẳng định chắc chắn một điều ngoài hình thức đầu tư BT thì còn có nhiều hình thức đầu tư khác có thể áp dụng để phát triển cơ sở hạ tầng, nhưng nó là chủ trương đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng và thành công, rất hợp với Việt Nam, tận dụng được lợi thế, giá trị của đất đai.
Thế nhưng, để hết tiêu cực điều tiên quyết là phải minh bạch trong đấu thầu dự án, đấu giá quyền sử dụng đất và phải được thực hiện đồng bộ từ trên xuống dưới, từ khâu nhỏ nhất.
Thứ nhất, dù bất cứ công trình nào đều phải đấu giá công khai, đấu thầu rộng rãi trong nước, hoặc đấu thầu rộng rãi quốc tế để lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đối với các dự án hạ tầng kỹ thuật; hạ tầng giao thông; chỉnh trang, phát triển đô thị theo phương thức xã hội hóa đầu tư, dưới hình thức PPP, trong đó có các dự án BT, BOT, kể cả đất vàng.
Từ đó chọn chủ đầu tư dựa theo giá chủ đầu tư đưa ra, năng lực phù hợp, còn chủ đầu tư chọn đơn vị nào làm nhà thầu đó là việc của họ.
Thứ hai, cần tuân theo các cơ chế vốn có, một là cơ chế giá cả và mọi sự trao đổi thỏa thuận giữa đôi bên theo giá cả đó; hai là cơ chế cung cầu. Cung ít cầu nhiều thì giá sẽ tăng, cung nhiều cầu ít thì giá sẽ hạ; ba là cơ chế cạnh tranh. Nhiều người cùng xúm vào một hoạt động thì giá cả sẽ thay đổi.
Theo tôi bản thân chủ trương BT không sai, nhưng nên dùng từ huy động nguồn lực đất đai để phát triển hạ tầng sẽ hợp lý hơn.
- Trở về với trường hợp cụ thể ở Hà Nội, đã quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 5 dự án về hạ tầng giao thông theo hình thức BT, thanh toán bằng quỹ đất, nếu phải áp dụng yêu cầu trên của Bộ Tài chính từ 1/1/2018 thì có hợp lý hay không?
TS Phạm Sỹ Liêm: - Quyết định nào đưa ra cũng không thể ngăn được các việc đã được triển khai, Hà Nội đã quyết định thì cứ làm, chứ không ngăn được. Hơn nữa, Bộ Tài chính cấm nhưng chưa chỉ ra cần làm thế nào sẽ không thuyết phục được. Thực tế Hà Nội nên căn cứ tình hình thực tế triển khai của 5 dự án, dự án nào triển khai ở mức nhất định không dừng lại được nếu cần thì xin ý kiến Chính phủ cho làm tiếp, còn dự án mới làm thì dừng lại vẫn được, để đợi Nghị định mới.
- Xin cảm ơn TS đã chia sẻ với Đất Việt!
Bình luận