Sáng 14/8, TAND TP Hà Nội tuyên án 4 bị cáo trong vụ "Tha người trái pháp luật" và "Nhận hối lộ", xảy ra tại Công an quận Tây Hồ, Hà Nội.
Từ diễn biến điều tra, truy tố và xét xử, HĐXX xác định sau khi Nguyễn Hữu Tài (trú tại Hà Nội) ra đầu thú rồi bị tạm giữ khuya 22/9/2016, người thân của Tài đã nhờ Phùng Văn Bảy (chú họ của bị cáo Lê) gặp ông Lê để nhờ giúp đỡ cho nghi phạm này không bị xử lý hình sự.
Khi gặp chú họ, cựu Đại tá Phùng Anh Lê đã đề nghị phải đưa 110 triệu đồng để cho Tài và phía bị hại hòa giải. Sau đó, người thân của Tài chuẩn bị tiền và vay mượn thêm, rồi chuyển cho Bảy để người trung gian này chuyển cho ông Lê. Sau khi ông Bảy gặp và để tiền tại phòng làm việc của ông Lê rồi ra về, bị cáo đã yêu cầu Nguyễn Đức Châu, Vũ Công Ngọc mang hồ sơ vụ việc liên quan Nguyễn Hữu Tài đến để xem.
Lúc đó, Tài đã được đưa vào nhà tạm giữ của Công an quận Tây Hồ. Đêm 22/9/2016, ông Lê chỉ đạo cấp dưới đến nhà tạm giữ đưa Tài ra ngoài, cho viết cam đoan rồi thả về.
Quá trình xét xử, bị cáo Lê cho rằng, không hề có quyết định tạm giữ hình sự nào đối với Nguyễn Hữu Tài. Ông Lê khai chỉ có quyết định số 247 do bị cáo ký nhưng là để tạm giữ bị can tên Lợi (bị bắt theo lệnh truy nã).
“Sự việc Nguyễn Hữu Tài xảy ra đã lâu, ngoài bị cáo không thừa nhận, thì những người liên quan khác đều có lời khai phù hợp diễn biến logic của sự việc”, chủ tọa công bố.
Trên cơ sở đó, HĐXX có đủ căn cứ kết luận đêm 22/9/2016, tại phòng làm việc của mình, ông Phùng Anh Lê đã nhận 110 triệu đồng từ chú họ là ông Bảy. Sau đó, bị cáo chỉ đạo thuộc cấp thả Tài ra về dù biết vụ việc này đã được Công an quận Tây Hồ thụ lý.
Như vậy, cáo trạng của VKS truy tố ông Lê và 3 bị cáo khác là đúng người, đúng tội và không oan. “Chịu trách nhiệm chính trong vụ án này là Phùng Anh Lê”, bản án sơ thẩm nêu.
Theo HĐXX, lẽ ra bị cáo Lê phải nêu cao tinh thần, trách nhiệm và nêu gương với tư cách người đứng đầu Công an quận Tây Hồ. Tuy nhiên, ông Lê vì động cơ, vụ lợi mà phạm tội nhận hối lộ. Khi lượng hình, HĐXX đã xem xét thêm các tình tiết giảm nhẹ về nhân thân, thành tích của ông Lê. Còn các bị cáo Nguyễn Đức Châu, Lê Đình Trung, Vũ Công Ngọc là cấp dưới, biết chỉ đạo của ông Lê sai quy định nhưng vẫn thực hiện.
Tuy nhiên, HĐXX đánh giá 3 bị cáo này đều có thái độ ăn năn, hối cải và khai báo thành khẩn nên nhận thấy đề nghị của VKS là có căn cứ.
Từ những nhận định nêu trên, HĐXX tuyên phạt ông Phùng Anh Lê 7 năm 6 tháng tù về tội "Nhận hối lộ". Bị cáo Nguyễn Đức Châu bị tuyên phạt 10 tháng 28 ngày tù (bằng thời hạn tạm giam), trả tự do cho ông Châu tại tòa. Vũ Công Ngọc lĩnh 6 tháng tù treo. Lê Đình Trung nhận 4 tháng 12 ngày tù (bằng thời hạn tạm giam).
Theo VKS, ngày 22/9/2016, Nguyễn Hữu Tài bị Công an quận Tây Hồ tạm giữ hình sự để điều tra vụ việc có dấu hiệu bắt giữ người trái phép. Người nhà của Tài thông qua các mối quan hệ, đưa 110 triệu đồng cho bị cáo Lê để nhờ giúp đỡ.
Nhận tiền, bị cáo Lê chỉ đạo cấp dưới thả Tài ra khỏi nhà tạm giữ trái pháp luật. Tài được về nhà, vụ việc vi phạm không bị xử lý theo quy định.
Đến năm 2021, Công an TP Hà Nội phát hiện, xử lý hình sự Tài và đồng phạm, đồng thời chuyển hồ sơ đến Cơ quan điều tra VKSND Tối cao để điều tra sai phạm của các cán bộ tại Công an quận Tây Hồ.
Đối đáp lại quan điểm của VKS, bị cáo Phùng Anh Lê tiếp tục cho rằng cáo buộc đối với mình là không có căn cứ. Ông Lê nhiều lần khẳng định không chỉ đạo thả Nguyễn Hữu Tài trái pháp luật, cũng không trao đổi, nhận hối lộ 110 triệu đồng từ ông Phùng Văn Bảy (chú họ của bị cáo).
Cựu trưởng Công an quận Tây Hồ nói nếu tòa tuyên có tội, bị cáo sẽ chống án, kêu oan đến lúc nào không làm được nữa.
Bình luận