Chuyển đổi số - chìa khóa thu hút du khách
Ngồi tại văn phòng trên phố Lý Thường Kiệt, Thu Uyên (26 tuổi, nhân viên Công ty Lữ hành Hanoitourist) đang làm các thủ tục nhập cảnh từ xa cho đoàn khách đến từ Pháp xuống sân bay Nội Bài. Đoàn sẽ tham quan du lịch Hà Nội và các tỉnh phía Bắc 8 ngày, trước khi tiếp tục vào TP.HCM.
Các thủ tục nhập cảnh được Thu Uyên làm trên máy tính/điện thoại nối mạng với các App hỗ trợ. Từ các khâu đặt phòng khách sạn, đặt vé các điểm tham quan, đặt bữa ăn cho đoàn khách, thậm chí các lưu ý cho từng thành viên (tình sử bệnh lý, nhóm máu, tôn giáo…) tới các thủ tục thanh toán dịch vụ đều được thực hiện online.
“Nếu thủ tục rườm rà, các điều kiện của du khách không được đáp ứng thì khách Tây sẵn sàng thay đổi điểm đến. Chúng ta đang phải cạnh tranh khốc liệt với Singapore hay Thái Lan, khi sản phẩm du lịch của họ cũng như ta, nhưng chất lượng dịch vụ mới đang có phần nhỉnh hơn.
Do vậy, nhanh - nhanh hơn, tốt - tốt hơn, hài lòng - hài lòng hơn mới là cách lôi kéo du khách, giữ chân họ đến và quay trở lại. Đôi khi khách thích thú với Hà Nội đơn giản chỉ vì nhẽ, ngồi đâu cũng thấy an toàn; hoặc wifi mọi nơi để nếu chụp tấm hình là có thể post ngay lên Instagram mà chẳng cần phải về khách sạn. Chuyển đổi số có khi đơn giản chỉ cần như vậy thôi”, Uyên nói.
Cùng quan điểm này, TS.KTS Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch Liên hiệp khoa học phát triển du lịch bền vững cho rằng, du lịch hiện nay không chỉ là tham quan, mua sắm, thưởng thức ẩm thực địa phương mà còn là khám phá, trải nghiệm, nghỉ dưỡng…
Chính vì vậy, làm phong phú các sản phẩm du lịch là yếu tố tiên quyết, quảng bá du lịch là việc làm thường xuyên và bắt buộc, nhưng chuyển đổi số để tăng sự tiện lợi cho du khách, hút khách du lịch mới là yếu tố sống còn của bất cứ thành phố nào không riêng Hà Nội.
“Việt Nam của chúng ta đang sở hữu kho báu tài nguyên dồi dào… Tôi thấy thương cho dân mình. Ở các nước phát triển, tài nguyên tự nhiên không có nhiều nhưng nhờ trí tuệ họ đã tạo ra nhiều đột phá cho du lịch. Càng đi nhiều, tôi càng thấy lòng tự hào dân tộc của mình bị tổn thương”, bà Hạnh nói.
Cũng theo bà Hạnh, vẻ đẹp của Việt Nam nói chung, tiềm năng du lịch của Hà Nội nói riêng phong phú ra sao chúng ta không cần phải bàn cãi. Nhưng để biến các sản phẩm du lịch ấy trở thành “đặc sản”, ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn lại là việc khác nếu các quy trình không được số hóa và chuyển đổi số chính là chìa khóa thu hút du khách.
Chuyển đổi số như thế nào?
Thực tế khái niệm chuyển đổi số đã rất quen thuộc, nhưng với ngành du lịch thì cần “chuyển đổi” như thế nào và du lịch Hà Nội cần chuyển đổi số ra sao?
Theo bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, hiện nay Hà Nội có đủ các loại hình du lịch (Di sản - Di tích; Làng nghề; Sinh thái - Nghỉ dưỡng; Nông nghiệp; Thể thao - Vui chơi giải trí…).
Ngay từ năm 2019, thực hiện Quyết định số 1685/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn” (gọi tắt là Quyết định số 1685), Hà Nội đã ban hành các nhiệm vụ trọng tâm cho từng đơn vị.
Ví dụ, với các điểm tham quan (Hà Nội có 5.922 di tích lịch sử, văn hóa; 47 nghề/52 nghề truyền thống của cả nước; 1.350 làng nghề và làng có nghề; hàng trăm bảo tàng…), Sở Du lịch tiến hành thống kê và phân loại điểm đến; yêu cầu nâng cấp các tiêu chí điểm tham quan.
Cụ thể, tối thiểu phải có website, fanpage giới thiệu/quảng bá; có wifi miễn phí, có các App hỗ trợ du khách tìm kiếm thông tin/sản phẩm dịch vụ. Sở Du lịch cũng phối hợp cùng Sở TT&TT đổi mới cách thức, nội dung và tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác thông tin, truyền thông về du lịch…
Tính đến tháng 10/2022, Hà Nội đã có 27 đơn vị điểm đến triển khai số hóa dữ liệu và hình ảnh; 100% các website của ngành du lịch Thủ đô đã được hoàn thiện, cung cấp thông tin đầy đủ, cập nhật tới du khách.
Số điểm đến tham quan được chuẩn hóa các nội dung thuyết minh (audio guide - thuyết minh tự động bằng tai nghe) bằng 6 ngôn ngữ (Việt, Anh, Pháp, Trung, Nhật, Hàn Quốc) tăng nhanh; 100% các điểm tham quan có mã QR code để check thông tin y tế, thanh toán dịch vụ/quét vé (không dùng tiền mặt), cho tới tra cứu thông tin về di tích…
Bên cạnh việc giao Đài truyền hình Hà Nội quảng bá du lịch Thủ đô trên CNN; các hoạt động tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch Thủ đô trên các nền tảng truyền thông mới như: Facebook, Youtube, Tiktok hay các nền tảng 3D, trực tuyến… cũng được tiến hành song song với phương châm mỗi người dân là một đại sứ du lịch.
Chính vì vậy, năm 2021, ngành du lịch Thủ đô dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19 nhưng vẫn kịp đón hơn 4 triệu lượt khách quốc tế.
“Định hướng đến năm 2025, du lịch sẽ tiếp tục trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các ngành và lĩnh vực khác.
Hà Nội đang lấy chuyển đổi số là trọng tâm kết hợp tăng cường quảng bá du lịch theo hướng số hóa trên mọi nền tảng. Phấn đấu đến cuối năm 2023 có thể đón lượng khách quốc tế đạt 50% của năm 2019 (lượng khách đến Hà Nội năm 2019 đạt trên 28,9 triệu lượt khách, bằng 28% lượng khách trong cả nước; trong đó có hơn 7 triệu lượt khách quốc tế với tổng thu đạt 103.812 tỷ đồng)”, bà Giang nhấn mạnh.
Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 sẽ đón và phục vụ trên 30 triệu lượt khách, trong đó có trên 7 triệu lượt khách quốc tế.
Bình luận