Chia sẻ trên mạng xã hội Facebook mới đây, chủ nhà hàng sinh thái Hồng cổ quán (Thạch Thất, Hà Nội) cho biết lần đầu tiên trong vòng một năm, điểm đến nổi tiếng này phải chứng kiến cảnh không có bất cứ khách nào ghé đến trong ngày.
"Hôm qua, lần đầu tiên trong lịch sử 1 năm hoạt động trở lại của Hồng cổ quán, có một ngày "hễu". Nghĩa là không có mâm khách nào đặt ăn trong ngày. Đó được coi là ngày lịch sử", chủ quán viết.
Chị lo lắng chuỗi ngày ảm đạm nguy cơ còn kéo dài, khi mà từ tháng trước, doanh số của nhà hàng đã sụt giảm.
“Có những đoàn khách được đưa đến từ homestay khác, mình phải cắt 10% trên mỗi hóa đơn cho bên đưa khách....nhưng ngặt nỗi, việc làm đó khiến quán như đang phục vụ không công”, chị dẫn lời người quản lý trực tiếp của nhà hàng.
Nhưng chị biết rằng bên homestay có lẽ cũng đang lâm vào tình cảnh khó khăn lắm nên mới ra điều kiện này để..."giật gấu vá vai".
“Nỗi lo không của riêng ai, mình đỡ hơn họ ở chỗ chi phí đầu tư không quá lớn. Nhân viên của mình, nếu không làm nhà hàng sẽ được chuyển sang làm vườn, trồng cây cối. Thi thoảng mình cũng "kiếm" được công việc làm vườn cho khách, nên tạm có nguồn thu trang trải khi khó khăn. Là chủ, mỗi ngày mở mắt ra là phải trả lời được câu hỏi, làm thế nào để "nuôi" hàng chục con người đang ở đây, hàng tháng có tiền chuyển khoản về nhà cho gia đình họ? Áp lực đó nặng nề vô cùng, nó có thể khiến cho mình đêm đêm không chợp mắt nổi vì lo lắng”, chị chia sẻ.
Do rơi vào trạng thái stress nên chị tìm người tâm sự, là một người anh chủ khu resort cao cấp cùng xã nhưng hóa ra anh này cũng cùng cảnh ngộ, lâm cảnh bết bát không kém.
"Khách của bên anh đã bị giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Thế vẫn chưa thê thảm bằng những "ông em" kinh doanh nhà hàng ở nội đô, tụi nó tâm sự với anh, bị giảm 70% doanh thu. Nhiều tháng rồi phải cố gắng cắt giảm mọi thứ để cầm cự thôi, chứ không dám đóng cửa. Những nhà hàng ở nội thành, chi phí thuê mặt bằng, chi phí đầu tư...ít ra cũng phải hàng chục tỷ, khó khăn đến độ phải đóng cửa, có nghĩa chủ nhà hàng xác định mất trắng nhiều tỷ đồng...", chị kể lại.
Tương tự tình cảnh này, anh Mạnh Hùng, chủ một quán chim kết hợp phim trường ở Hà Đông (Hà Nội) cho biết, trước kia, nơi đây rất được lòng khách đến check-in, chụp ảnh rồi nghỉ ngơi, ăn uống, liên hoan, có những ngày còn hết chỗ nếu khách không đặt trước. Nhưng từ sau COVID-19, khách vắng hẳn, dù anh Hùng tìm mọi cách, đổ hết nguồn vốn nhằm khôi phục lại hiện trạng như xưa, sau một thời gian bỏ quán vì đại dịch. Đến bây giờ, đại dịch đã qua nhưng khách lại ngày càng ít ỏi.
Hiện lượng khách đến quán của anh Hùng chỉ còn lại trung bình khoảng 1 bàn mỗi ngày, thi thoảng có ngày 2-3 bàn. Anh Hùng xót xa trước cảnh tài sản mình đã đầu tư không thể sinh lời, trong khi cũng không thể bán để thu hồi vốn. Hiện anh vẫn đang cố cầm cự, chờ thị trường hồi phục như xưa.
Theo ông chủ này, không chỉ anh mà các nhà hàng, quán ăn chuyên đồ đặc sản hoặc nhà hàng sinh thái khác cũng đang phải đối mặt với nguy cơ kép. Thứ nhất, lượng khách du lịch ít hơn và khách cũng thắt chặt chi tiêu hơn; thứ hai, cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra nồng độ cồn đã làm giảm tới 80% các cuộc nhậu nhẹt.
“Các nhà hàng sinh thái thường ở ngoại thành thì mới có không gian để xây dựng các tiểu cảnh nhằm tạo sự bắt mắt, giúp du khách vãn cảnh, xả stress. Khách hàng vì thế muốn đến đây thì đa số di chuyển bằng xe cá nhân. Việc gọi taxi để đi về sau mỗi cuộc nhậu là khá tốn kém, nên họ dần trở nên ngại và tiết kiệm cho phí bằng cách chọn quán gần hơn ở trong nội thành. Chúng tôi thực sự khó khăn trong việc lôi kéo khách trở lại. Cầm cự được hết năm nay là cả một sự kỳ diệu. Nếu không phải trả tiền thuê mặt bằng thì còn cơ hội nhiều hơn chút. Riêng tôi chưa biết làm sao để cắt lỗ, chứ đừng nói là thu hồi vốn. Tiền không thu được, trong khi vẫn phải chi hàng ngày rất nhiều khoản”, anh Hùng sốt ruột nói.
Hoàng Lan Nhi, quản lý một hồ câu ở Thạch Thất (Ba Vì, Hà Nội) cũng chung tâm sự,. Như cho biết ngay từ đầu năm nay đã đánh giá được kinh tế khó khăn, khiến người tiêu dùng ngày càng thắt chặt chi tiêu, giảm bớt nhu cầu không thiết yếu.
“Với đà này, 6 tháng cuối năm còn khó khăn nữa, đặc biệt là các ngành dịch vụ giải trí. Những người quản lý sẽ phải đau đầu mất ngủ nghĩ cách làm sao có đủ tiền chi phí cho mỗi ngày, khi mở mắt ra là phải kiếm được bằng này tiền thì mới đủ trang trải, dôi dư ra mới là lương của mình, mệt mỏi nhưng vẫn phải cố gắng. Chúc mọi người vững tay chèo lái qua đợt khó khăn này”, Nhi nói.
Bình luận