Mới đây, UBND TP Hà Nội ban hành Văn bản số 1349 tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11 của Thành ủy Hà Nội về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn TP Hà Nội.
Theo đó, UBND TP Hà Nội yêu cầu cán bộ, công chức tổ chức cưới cho con hoặc bản thân không mời quá 300 người dự tiệc, không tổ chức tiệc cưới nhiều lần, không mời khách trong giờ làm việc, không tổ chức cưới ở những nơi chi phí quá tốn kém như khách sạn 5 sao, khu du lịch cao cấp...
Trong văn bản nêu rõ: Tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 11 ngày 3/10/2012 của Thành ủy Hà Nội về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố; Kế hoạch số 141 ngày 6/11/2012 của UBND TP về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Quyết định số 07/2012 ngày 27/4/2012 của UBND TP về việc ban hành Quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn thành phố Hà Nội và các văn bản chỉ đạo của Trung ương với các hình thức phù hợp, nội dung ngắn gọn, dễ hiểu.
Tiếp tục triển khai đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn, gắn với việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” nhằm nâng cao nhận thức, ý thức gương mẫu, tự giác của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, gắn với việc bình xét danh hiệu “Gia đình văn hoá, tổ dân phố văn hóa, làng văn hoá”, “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hoá”.
Thành phố giao Sở Văn hoá và Thể thao tiếp tục tham mưu thành phố đưa nội dung thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới gắn với nội dung phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, tổ chức các buổi tọa đàm việc triển khai Chỉ thị 11 nhằm đánh giá kết quả đạt được và đề ra các giải pháp để thực hiện trong những năm tiếp theo một cách thiết thực, hiệu quả.
UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục triển khai, đưa mục tiêu thực hiện cưới “trang trọng - lành mạnh - tiết kiệm” vào việc bình xét danh hiệu “Gia đình văn hoá, làng văn hoá, tổ dân phố văn hoá”, “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hoá”, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; xây dựng quy ước tổ dân phố, thôn, làng; tiếp tục thực hiện kiểm tra, giám sát, xử lý đối với cán bộ, đảng viên vi phạm...
Văn bản cũng quy định, các quận/huyện định kỳ báo cáo kết quả thực hiện 6 tháng, 1 năm (vào ngày 25/6 và 25/12) với UBND TP Hà Nội.
Chỉ thị số 11 của Thành ủy Hà Nội yêu cầu cán bộ, đảng viên thực hiện các thủ tục kết hôn theo đúng quy định pháp luật; thực hiện các nghi thức hôn lễ với tinh thần “vui tươi – lành mạnh – tiết kiệm”; Số lượng khách mời dự tiệc không quá 300 người (nếu nhà trai và nhà gái tổ chức tiệc chung thì khách mời không quá 600 người).
Chỉ thị cũng nêu rõ cán bộ, đảng viên không tổ chức tiệc cưới nhiều lần; không mời khách trong giờ làm việc; Không tổ chức cưới ở những nơi chi phí quá tốn kém, không phù hợp với đời sống, thu nhập chung của cộng đồng dân cư và cán bộ công chức như khách sạn 5 sao, khu du lịch cao cấp; Khuyến khích hình thức báo hỉ sau ngày cưới thay cho việc mời dự tiệc cưới.
Được biết, cách đây 6 năm, từ tháng 9/2012, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cũng đã đưa ra dự thảo Chỉ thị về tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong địa bàn thành phố. Theo đó, quy định mới khách mời dự tiệc đám cưới của cán bộ viên chức sẽ không được quá 300 người, tương đương với 50 mâm cỗ, không tổ chức ở khách sạn 5 sao và các khu du lịch cao cấp.
Ngoài ra, dự thảo còn đề cập tới việc không tổ chức đám cưới trong nhiều ngày, nhiều lần, nếu hai gia đình cùng tổ chức ở một địa điểm thì không quá 600 khách mời.
Thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chính trị trong địa bàn thành phố thực hiện tốt các nhiệm vụ như đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong điều kiện mới, phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội và mặt bằng chung của người dân.
Quy định này áp dụng từ đối tượng cán bộ, đảng viên, viên chức rồi từ đó sẽ triển khai rộng rãi trong cộng đồng.
Tuy nhiên, năm 2012, khi dự thảo Chỉ thị này đưa ra lấy ý kiến đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối. Cụ thể, nhiều người cho rằng quy định này là không khả thi, không có chế tài để thực hiện, không thể lập ban giám sát lễ cưới, ảnh hưởng đến quyền cá nhân...
Bình luận