Các công ty lữ hành Trung Quốc đã chấm dứt hoạt động trên địa bàn thành phố trong khi khách của công ty này chủ yếu là người Trung Quốc.
Thông tin trên được Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Khắc Lợi cho biết trên Dân trí. Cụ thể, theo ông Lợi, 5 tháng đầu năm, ngành du lịch vẫn tăng trưởng 11%.
Đặc biệt, trong tháng 5, khi có diễn biến phức tạp khi Trung Quốc đặt dàn khoan trái phép trong thềm lục địa của Việt Nam, Hà Nội vẫn đón trên 220.000 khách quốc tế.
Tuy nhiên, hiện nay, các công ty lữ hành Trung Quốc đã chấm dứt hoạt động trên địa bàn thành phố trong khi khách nước ngoài chủ yếu là người Trung Quốc.
Do vậy, ông Lợi đã đề xuất, Thành phố cần tăng cường xúc tiến du lịch khu vực Châu Á và khu vực Đông Âu để tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng cho ngành du lịch.Mất khách Trung Quốc, du lịch Việt Nam có thể chuyển hướng sang nhiều thị trường trọng điểm, mức chi tiêu cao như Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản. Ảnh: TPO
Trước đó, thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy, sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép Hải Dương 981 trên vùng biển Việt Nam, lượng khách du lịch Trung Quốc sang Việt Nam giảm mạnh.
Cụ thể, đánh giá thiệt hại trước mắt ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết với mức chi tiêu trung bình khoảng 500 USD/người, tuy thuộc loại thấp nhưng tổng thu sẽ giảm hơn 500 triệu USD.
Về lâu dài, ông Tuấn quan ngại cuộc khủng hoảng của ngành du lịch lần thứ tư là “thách thức chưa từng có”, sau các mốc khủng hoảng năm 1998, năm 2003 do dịch SARS, năm 2008-2009 từ ảnh hưởng của suy thoái kinh tế.
Song cũng theo ông Nguyễn Văn Tuấn, khách du lịch Trung Quốc cũng có nhiều mặt hạn chế như đa số khách chi tiêu ít; khách đi đường bộ chịu sự can thiệp khá sâu của các doanh nghiệp Trung Quốc; cạnh tranh giảm giá làm giảm đi hình ảnh du lịch của Việt Nam.
"Chúng ta chuyển hướng sang các thị trường truyền thống, có quan hệ tốt về mặt chính trị, có khả năng lưu trú dài ngày, chi tiêu cao: Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Âu, Bắc Mỹ, Úc, thậm chí thị trường ASEAN cận kề-có thể chi tiêu thấp hơn một chút, nhưng đi lại thuận tiện”, ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cũng cho biết rằng, về lâu dài phải nâng cao chất lượng sản phẩm đặc thù gắn với tài nguyên, tiềm năng để tạo ra sản phẩm đặc thù, có khả năng cạnh tranh.
"Các hành vi như chèo kéo, chụp giật làm phương hại đến sản phẩm, chất lượng du lịch. Đây là câu chuyện lâu dài, không chỉ nói trong thời điểm trước mắt”, ông Tuấn nói.
Theo Hà Anh/Baodatviet
Bình luận