Hạ nhục người dạy chính con mình
Không phải đến khi đoạn clip cuộc chất vấn giữa phụ huynh học sinh và thầy giáo tại trường THCS Trần Huỳnh, Thành phố Bạc Liêu quanh chuyện chiếc quần đùi để trên bàn giáo viên phát tán rộng rãi, người ta mới thương cho các thầy, các cô, khi thay vì dạy dỗ học trò, phải nhận lại sự giáo dục ngược đời của các bậc làm cha làm mẹ.
Những sự xử lý cương quyết, sự lên án của dư luận đối với phụ huynh đến tận trường Tiểu học Bình Chánh (Long An) gây áp lực bắt giáo viên phải quỳ xin lỗi; phụ huynh đánh cô giáo mầm non ở Nghệ An đến suýt xảy thai, hay người nhà học sinh đến đánh gãy mũi thầy giáo cũng ở Nghệ An… tưởng đã đủ là bài học cảnh tỉnh, cho những ông bố bà mẹ đi ngược lại đạo lý làm người, tư duy “bố đời’’, hành xử như chợ búa, mà dường như không phải.
Vị phụ huynh ở Bạc Liêu kia, liến thoắng, xối xả nói bằng một thứ giọng không giống của một phụ huynh đang đứng trước thầy giáo của con mình, mà như giữa chốn chợ trời so sánh mặc cả: "Tôi nói thiệt, nếu thầy nói cái quần đó là cái đồ gớm, ghê, phải vứt bỏ, chưa chắc gì bộ đồ thầy mặc trên người có giá trị hơn cái quần của con tôi đâu nha...", "Bây giờ tôi không cần biết, từ đây cho tới ngày mai, thầy kiếm cái quần đó trả lại cho con tui. Không thầy phải đền tiền cho con tui...".
Xem đi xem lại đoạn clip đó, ngoài cảm giác phẫn nộ, bức xúc với những lời nói, hành động côn đồ, vô văn hóa của vị phụ huynh, người ta thấy nể phục sự nhẫn nhịn của người thầy. Phải là người điềm tĩnh đến mức nào, mới đủ bình tĩnh để nghe những câu hỏi chát chúa, chạm đến cả nhân cách của người thầy như vậy?
Các giáo viên khác có cư xử như thầy khi nhìn thấy chiếc quần đùi của nữ sinh trên bàn mình không? Có thể có chứ. Lớp học có những quy định, có sự tôn nghiêm riêng. Trong lớp học, thầy luôn có vị trí cao nhất, vì vậy, chỗ ngồi, mặt bàn thầy làm việc cũng là không gian cần phải được tôn trọng.
Chiếc quần đùi nữ trên mặt bàn của thầy giáo trẻ có thể là trò đùa nghịch dại dột, nông nổi của con trẻ, nhưng về hàm ý, hình ảnh ấy là không thể chấp nhận được. Ở vào tình thế đó, thầy giáo sẽ không còn coi đó là thứ tài sản của ai đó nữa.
Đặc biệt, dù không thấy sai, nhưng trước sự gay gắt, muốn "ăn thua đủ" của phụ huynh, thầy đã xuống nước, xin lỗi, đó cũng là một sự nhẫn nhịn rất đáng nể của thầy.
Có điều, đáng buồn ở chỗ, tất cả những sự nhẫn nhịn, cố gắng ấy của thầy đã trở thành vô nghĩa, trước một vị phụ huynh hành xử thiếu văn hóa, đạo lý, bất cần biết đến truyền thống "tôn sư trọng đạo”, hạ nhục chính cái người đang ngày ngày dạy dỗ con mình tri thức và đạo đức. Không lẽ một điều cơ bản mà bất cứ ai cũng hiểu, “một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy” vị phụ huynh này cũng không có?
Mong gì con lớn lên làm người tử tế?
Ngày hôm nay mẹ của học trò kia chửi mắng thầy giáo bằng thứ văn hóa chợ trời, khi lớn lên, học trò đó có trở thành bản sao, văng mạng vào bất cứ người nào có hành động không vừa ý?
Ngày hôm nay mẹ của học trò đến đôi co đối chất, kì kèo đòi tiền chính cái người dạy dỗ con mình, ngày mai bản sao của bà ta có mang cái lối hành xử đó đối đãi với chính bà, chính những người ở bậc làm cha làm mẹ như bà?
Thầy cô cũng giống như cha mẹ, đối đãi với thầy cô như vậy được, thì với cha mẹ có gì mà không được?
Cho đi chao chát, chợ búa, mong gì con lớn lên thành người tử tế, đàng hoàng?
Nhiều người cho rằng, sở dĩ vị phụ huynh kia hành xử như vậy là do gần đây, môi trường giáo dục xảy ra quá nhiều vụ việc tai tiếng, hình ảnh người thầy, người cô không còn "thiêng" như trước nữa.
Nhưng không phải, đó là sự ngụy biện cho những cách ứng xử cộc cằn, ít học. Làm sao mang những thiểu số, hy hữu để đánh đồng cả một nền giáo dục đang ngày ngày ươm mầm nhân cách, đạo đức và tri thức con người?
Video: Toàn cảnh vụ con mất quần lửng, thầy giáo bị xúc phạm ở Bạc Liêu
Có những câu chuyện buồn của ngành giáo dục, nhưng có những câu chuyện bị mạng xã hội đẩy đi quá xa, sai lệch hoàn toàn bản chất sự việc. Nhưng dù là câu chuyện nào, cũng không bất cứ ai cổ súy, dung dưỡng cho những phụ huynh côn đồ nơi môi trường sư phạm.
Không biết vị phụ huynh và con mình có nhận lại được chiếc quần short, hoặc có được thầy đền tiền hay không, nhưng chắc chắn, họ sẽ không bao giờ nhận lại được, đó là sự tôn trọng của những người xung quanh.
Xem xong clip, người viết bỗng thở dài tự hỏi, chẳng lẽ, suy nghĩ của vị phụ huynh ấy cũng chỉ "ngắn" như chiếc quần kia thôi sao?
Bạn có đồng ý với quan điểm của tác giả? Hãy gửi ý kiến của mình TẠI ĐÂY, hoặc có thể bình luận vào cuối bài viết. Trân trọng!
Bình luận