(VTC News) - 4 “ông lớn” là Agribank, Vietinbank, BIDV và Vietcombank (chiếm 55% - 60% thị phần tín dụng) đã đồng loạt công bố giảm lãi suất, nhưng liệu mặt bằng lãi suất có thật sự “hạ nhiệt” hay không và các doanh nghiệp đã thực sự tiếp cận được với nguồn vốn này hay chưa?
Bên cạnh việc giảm lãi suất cho vay, các ngân hàng lớn này còn hé lộ cơ hội về việc giảm lãi suất huy động sớm, gây áp lực lớn cho các ngân hàng khác. Nhiều ngân hàng cổ phần cũng bắt đầu tính tới việc giảm lãi suất cho vay để theo kịp xu thế của thị trường, nhưng có một thực tế rất dễ nhận thấy đó là: hiện tại nguồn vốn cho vay với lãi suất thấp còn rất hạn chế và doanh nghiệp cũng không dễ tiếp cận được với nguồn vốn này.
Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc NH TMCP Đông Á (DongABank) thừa nhận, số khách hàng được hưởng mức lãi suất cho vay thấp 16 - 16,5%/năm chỉ chiếm khoảng 1 - 1,5% tổng dư nợ của DongABank. Không chỉ thế, các khách hàng thuộc diện không khuyến khích như vay vốn để đầu tư bất động sản, chứng khoán...hiện vẫn đang bị “phân biệt đối xử” với mức lãi suất cao.
Giảm lãi suất cho vay: “Ăn” theo phong trào?
Mới đây nhất, vào ngày 27/2 vừa qua, ngân hàng (NH) TMCP Tiên Phong (TienPhong Bank) đã công bố gói hỗ trợ tín dụng ưu đãi trị giá 1.000 tỉ đồng dành cho nhóm khách hàng đầu tư sản xuất máy móc, hàng công nghệ, nghiên cứu công nghệ cao và kinh doanh xuất khẩu. Lãi suất cho vay gói hỗ trợ sẽ dao động từ 15%-18% tùy ngành nghề, dự án cụ thể. Hiện TienPhong Bank vẫn còn dư địa tín dụng dồi dào nên NH chủ trương tài trợ, cho vay trong lĩnh vực công nghệ nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế.
Trước đó, NH TMCP Đại Á (DaiABank) cũng tuyên bố, hiện họ có khoảng 130 tỉ đồng cho vay với LS từ 16 - 16,5%/năm cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các dự án nông thôn. Trong khi DongABank cho biết, trong quý 1 và 2 họ sẽ giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng từ 1 - 1,5%/năm, mức lãi suất cho vay thấp nhất mà NH hiện đang áp dụng đối với doanh nghiệp xuất khẩu là 16 - 16,5%/năm đối với tiền đồng và 4 - 4,5%/năm đối với ngoại tệ.
NH TMCP Á Châu (ACB) cũng vừa triển khai chương trình cho khách hàng vay vốn mua nhà, xây dựng, sửa chữa nhà được giảm lãi suất cho vay từ 0,5 - 1%/năm (mức hiện tại là khoảng 22%/năm) tùy thuộc vào số tiền vay nhiều hay ít. NH ANZ Việt Nam hỗ trợ lãi suất 2%/năm đối với những khách hàng vay mua nhà nộp hồ sơ mới từ nay đến hết 31.5 và giải ngân trước 30.6. Khách hàng vay 500 triệu đồng trở lên sẽ được hỗ trợ mức lãi suất này trong 3 tháng đầu tiên, lãi suất cho vay thấp nhất là 17,5%/năm, riêng đối với khách hàng ưu tiên sẽ được hưởng mức lãi suất đặc biệt là 17%/năm.
Ngày 22/2, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc Tế (VIB) là trường hợp đầu tiên thông báo nhập cuộc sau loạt điều chỉnh nói trên của khối quốc doanh. VIB cho biết đã xây dựng gọi tín dụng quy mô 4.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn bình quân 1,5%/năm so với thông thường, áp riêng cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu.
Bà Dương Thị Mai Hoa, Tổng giám đốc VIB, cho biết kế hoạch giải ngân trên được xây dựng, với ưu đãi về lãi suất, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho các doanh nghiệp tập trung ngay từ thời điểm đầu năm. Việc áp lãi suất cho vay ở gói tín dụng trên thấp hơn bình quân 1,5%/năm là một sự chia sẻ về chi phí vốn với doanh nghiệp, song cũng là một thực tế để tăng cường cạnh tranh thu hút khách hàng.
Từ ngày 22/2, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng đã đồng loạt giảm lãi suất cho vay bằng VND từ 1,0% - 1,5%/năm đối với mọi đối tượng khách hàng vay vốn.
Từ 22/2, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) sẽ đồng loạt giảm lãi suất cho vay bằng VND từ 1,0% - 1,5%/năm đối với mọi đối tượng khách hàng vay vốn (Ảnh: Internet) |
Cụ thể, với lãi suất cho vay ngắn hạn: Chi phí sản xuất nông - lâm - ngư - diêm nghiệp đối với hộ sản xuất, lãi suất cho vay thấp nhất 15,5%/năm; chi phí sản xuất, thu mua, chế biến, xuất khẩu hàng nông sản, thực phẩm và chi phí sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm hàng hóa khác, lãi suất thấp nhất 14,5%/năm; chi phí sản xuất, thu mua, chế biến hàng nông sản thực phẩm tiêu dùng trong nước, chi phí cung ứng vật tư, dịch vụ kỹ thuật cho sản xuất nông - lâm - ngư - diêm nghiệp, lãi suất thấp nhất 16,5%/năm; chi phí sản xuất kinh doanh đối với các ngành nghề khác, lãi suất cho vay thấp nhất là 17%/năm.
Đối với lãi suất cho vay trung hạn: Chi phí sản xuất nông - lâm - ngư - diêm nghiệp đối với hộ sản xuất: lãi suất cho vay thấp nhất 17%/năm; Chi phí sản xuất, thu mua, chế biến, xuất khẩu hàng nông sản, thực phẩm và chi phí sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm hàng hóa khác: lãi suất cho vay thấp nhất 17,5%/năm; Chi phí cung ứng vật tư, dịch vụ kỹ thuật cho sản xuất nông - lâm - ngư - diêm nghiệp: Lãi suất cho vay thấp nhất 18%/năm; Chi phí đối với các ngành nghề khác: Lãi suất cho vay thấp nhất 18,5%/năm.
Đối với lãi suất cho vay dài hạn: Lãi suất cho vay thấp nhất là 19%/năm.
Lãi suất cho vay lĩnh vực phi sản xuất theo Chỉ thị 01/CT/NHNN ngày 01/03/2011 của Thống đốc NHNN về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2012: Lãi suất cho vay thấp nhất là 19%/năm.
Trong buổi họp báo chiều ngày 21/2, ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch hội đồng thành viên Agribank cho biết, việc Quyết định giảm lãi suất là nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2012 của Chính Phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012 và Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 13/02/2012 của Thống đốc NHNN về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả.
"Đồng thời, đây là hành động chia sẻ lợi ích tài chính của Agribank đối với cộng đồng khách hàng mà chủ yếu là các hộ sản xuất, doanh nghiệp ở địa bàn nông nghiệp, nông thôn; tạo điều kiện cho các hộ sản xuất, doanh nghiệp tiếp cận nhiều hơn vốn vay của Agribank để sản xuất kinh doanh các ngành nghề phục vụ sản xuất nông nghiệp nông thôn", ông Bảo cho biết thêm.
Ngoài ra, Chủ tịch hội đồng thành viên Agribank còn tiết lộ, trong năm 2012 Agribank sẽ tập trung nguồn vốn (bao gồm cả việc tăng cường thu hồi nợ từ lĩnh vực cho vay phi sản xuất) để đáp ứng nhu cầu vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Mặt khác, Agribank sẽ triệt để thực hiện tiết giảm một số khoản chi phí để tích cực hỗ trợ cho việc hạ lãi suất cho vay đối với lĩnh vực này.
Cách đó không lâu, Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng đã giảm lãi suất cho vay đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực được khuyến khích. Cụ thể, với cho vay sản xuất kinh doanh, VietinBank áp dụng lãi suất 16,5%/năm với VND, 6%/năm với USD; cho vay tiêu dùng là 17%/năm; cho vay doanh nghiệp xuất khẩu với VND là 15,8%/năm, với USD là 5,2%/năm; cho vay nông nghiệp nông thôn và công nghiệp hỗ trợ là 16%/năm; cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ là 16,5%/năm; cho vay các chương trình tín dụng quốc tế là 15,5%/năm.
Còn từ 16/2, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chính thức hạ lãi suất cho vay xuống thấp nhất còn 14,5%/năm. Các đối tượng khách hàng thuộc lĩnh vực công nghiệp phụ trợ; vốn lưu động cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; sản xuất; xuất khẩu; nông nghiệp nông thôn (bao gồm hộ gia đình), Vietcombank áp dụng mức lãi suất 15%/năm.
Thậm chí, từ cuối tháng 12/2011, BIDV đã đi đầu về cắt giảm lãi suất, trở thành ngân hàng đầu tiên đưa lãi suất về mức thấp nhất 14,5%/năm như hiện nay. Theo đó, cho vay xuất khẩu lãi suất tối đa là 15%/năm với các bạn hàng truyền thống và có bán ngoại tệ cho ngân hàng. Lãi suất cho vay nông thôn không quá 15%/năm và vốn cho giải quyết khó khăn bão lụt là 14,5%/năm.
Hạ mặt bằng lãi suất: Một bài toán khó!
Hiện lãi suất cho vay phổ biến ở các NH đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu ở mức 14,5%-16%/năm, thấp nhất 13,5%/năm. Lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh khác từ 16,5% đến 20%/năm, thấp nhất 15%/năm và lãi suất cho vay lĩnh vực phi sản xuất 22%-25%/năm.
Theo dự đoán của các chuyên gia thuộc ngân hàng Standard Chartered, trong năm nay, lãi suất cả năm (bằng tiền đồng) sẽ ở vào khoảng 14,3% trong khi lãi suất liên ngân hàng (đối với ngân hàng nội địa) sẽ là 12,5% và lỗ chênh lệch tỷ giá sẽ ở mức 3% (đối với các nhà đầu tư trong nước).
“Với tỷ lệ lạm phát đang có chiều hướng giảm và tình trạng lạm phát đình đốn đang được đẩy lùi, chúng ta có thể kỳ vọng vào các chính sách giảm lãi suất trong năm 2012. Chúng tôi kỳ vọng NHNN sẽ điều chỉnh tỷ giá tái cho vay từ 15% xuống 12% vào cuối Quý 2 và 11% vào Quý 3”, đại diện của Standard Chartered cho biết.
Ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam từng khẳng định: “Ngân hàng Trung ương sẽ điều chỉnh các chính sách tỷ giá về mức hợp lý hơn nhằm giúp giảm lãi suất trung bình trên thị trường”. Tuy nhiên, hiện tại, có thể thấy rõ việc hạ lãi suất cho vay vẫn đang là một bài toán khó đối với Ngân hàng Nhà nước.
M.Q
Bình luận