Hà Lê: Các rapper Việt bị xử phạt là dấu hiệu tích cực

Sao ViệtThứ Sáu, 15/10/2021 11:27:00 +07:00
(VTC News) -

Theo nghệ sĩ Hà Lê, xét ở góc độ nào đó, việc một số rapper Việt bị cơ quan quản lý xử phạt những ngày gần đây là một dấu hiệu tích cực.

Thời gian gần đây, Rap Việt có sự vươn mình mạnh mẽ, ra khỏi thế giới underground để lên truyền hình và tiếp cận rộng rãi với công chúng. Có những show truyền hình về rap khiến khán giả phát sốt. Tuy nhiên, một số bản nhạc nhận phải ý kiến trái chiều từ phía khán giả. Những bản rap dung tục, lệch chuẩn xuất hiện nhiều khiến công chúng phản ứng mạnh mẽ. Thậm chí gần đây liên tục có rapper, nhóm rap bị cơ quan quản lý xử phạt.

Trước hiện tượng này, nghệ sĩ Hà Lê - người đóng góp nhiều cho việc thúc đẩy phát triển văn hóa Hip-Hop tại Việt Nam, có những chia sẻ với VTC News.

Hà Lê: Các rapper Việt bị xử phạt là dấu hiệu tích cực - 1

Rapper Hà Lê.

- Mới đây, rapper Chị cả và nhóm rap Nhà Làm bị Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xử phạt vì có sáng tác sử dụng ca từ dung tục, phản cảm, thậm chí là xúc phạm tôn giáo, tín ngưỡng. Là một trong những người có tầm ảnh hưởng trong cộng đồng hip - hop, anh nghĩ sao về điều này?

Tôi cảm thấy rất tiếc cho các bạn ấy. Về phần kỹ thuật, tôi đánh giá đó là những bản nhạc rất tốt, chỉ có điều các bạn ấy khai thác đề tài và sử dụng các ngôn từ không phù hợp, đặc biệt là với văn hóa Việt Nam. Tôi nghĩ, đây là một bài học kinh nghiệm, không chỉ với rapper mà với cả giới nghệ sĩ Việt.

Tuy nhiên, xét ở một góc độ nào đó, đây cũng là tín hiệu tích cực, đặc biệt đối với cộng đồng rap Việt. Không phải tự dưng một ngày đẹp trời, khán giả bỗng nghe rap Việt và chỉ ra những hạn chế trong một số bản nhạc đâu. Rap đã có mặt ở Việt Nam khhoảng 20 năm nhưng trong những ngày đầu, chỉ có một bộ phận rất nhỏ chơi. Khán giả phần lớn không quan tâm, Rap còn không có cơ hội xuất hiện trên TV. Thế nhưng bây giờ, rap đã được khán giả chú ý. Họ có quan tâm thì mới sôi nổi chỉ ra những hạn chế để rapper sửa mình.

Rap Việt được khán giả quan tâm như hiện nay là thành quả mà cả cộng đồng rap ở Việt Nam tạo nên trong suốt 20 năm qua. Rất nhiều người trong số đó giờ không còn chơi rap nữa. Họ chỉ hưởng ké niềm vui được khán giả đón nhận mà các rapper trẻ đang có thôi. Vì thế các rapper phải có trách nhiệm bảo vệ và gìn giữ nền tảng mà các đàn anh đã rất vất vả xây dựng.

Được khán giả chú ý, đó là vinh dự, đồng thời là áp lực đối với các rapper Việt. Họ phải trưởng thành hơn, phải có những tác phẩm chỉn chu để phục vụ số đông khán giả. Bây giờ không phải là "hát cho nhau nghe nữa" mà là hát để mọi người nghe. Hãy có những tác phẩm thật tốt để khán giả có cái nhìn tích cực, yêu và đưa rap vào đời sống.

Hà Lê: Các rapper Việt bị xử phạt là dấu hiệu tích cực - 2

Rapper Chị Cả bị Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xử phạt hành chính vì bài hát "Censored" có ca từ phản cảm, dung tục.

- Theo anh, vì sao rap hay có những ca khúc gây tranh cãi?

Trước tiên, tôi muốn nói qua một chút về thể loại âm nhạc này. Nhạc hip hop, trong đó bao gồm cả nhạc rap, là một thể loại âm nhạc và trào lưu văn hóa xuất hiện từ thập niên 1970 tại quận Bronx, New York (Mỹ). Nền văn hóa này xuất thân và phát triển ở những khu ghetto (thường là nơi ở tập trung của người nghèo, người da màu, thường gắn liền với nhiều tệ nạn xã hội và băng đảng).

Nhạc rap ra đời được xem là nơi để những người có vị trí thấp trong xã hội giãi bày tâm tư, tình cảm của riêng mình, giúp họ nói lên tiếng lòng của mình một cách trực diện và thẳng thắn, đôi khi có phần bỗ bã. Trong thế giới đó, các rapper mượn âm nhạc để "trả đũa" nhau cũng là chuyện bình thường.

Các rapper ỏ Mỹ có sự tự do trong ngôn ngữ và cách thể hiện. Vì đó là văn hóa của đất nước họ. Nó phù hợp với bản thân các rapper cũng như người tiếp nhận. Nhưng nó không phù hợp với văn hóa và khán giả Việt Nam. Ngôn ngữ của chúng ta trúc trắc hơn, chúng ta quen nói về vấn đề nào đó một cách tinh tế chứ không phải trực diện. Một số rapper của chúng ta chưa nhận thức được điều đó, khi tiếp thu chưa biết chọn lọc, chưa biến cái của họ thành cái của mình nên dẫn tới việc cho ra đời những tác phẩm gây tranh cãi về đề tài hay ngôn ngữ thể hiện. Còn đơn thuần về mặt âm nhạc, kỹ thuật, tôi nghĩ là các bạn làm rất tốt.

- Có ý kiến cho rằng, đặc trưng của thể loại rap là cái tôi của nghệ sĩ, là sự tự do bày tỏ quan điểm.

Tôi nghĩ rằng, mỗi thể loại âm nhạc đều có nét đặc trưng nhưng người nghệ sĩ phải biết chắt lọc những cái hay của thể loại đó và biến nó trở nên phù hợp với văn hóa của đất nước mình. Không chỉ Việt Nam mà một số nước khác như Trung Quốc, Hàn Quốc cũng có sự kiểm soát nhất định với hoạt động nghệ thuật.

Tôi là một trong những người tiếp xúc nhiều với văn hóa hip-hop và cũng là người đưa thể loại này về Việt Nam trong thời gian đầu. Khi đưa về, tôi cũng phải chọn lọc những cái phù hợp để phát triển tinh thần, tâm hồn của người Việt trên nền tảng đặc trưng của thể loại này. Lúc đầu, khi thực hiện MV, tôi cũng muốn đưa những hình ảnh quen thuộc trong các sản phẩm rap của phương Tây như xe sang, những buổi party, những cô gái bốc lửa. Tuy nhiên, tôi nhận thấy những cái đó đâu có trong cuộc sống của tôi.

Yếu tố cá nhân được thể hiện rất rõ trong rap. Nếu bạn không thực sự trải nghiệm, không hiểu về điều đó mà vẫn nói thì nó trở nên rất nông cạn, hời hợt và đôi khi là lố bịch.

Các rapper có thể đề cập tới những chuyện tiêu cực, có thể chia sẻ những mất mát, đau đớn của bản thân nhưng thông qua đó để chuyển tải thông điệp tích cực tới khán giả, đó mới là điều có ý nghĩa.

Hà Lê

Các Rapper có thể đề cập tới những chuyện tiêu cực, có thể chia sẻ những mất mát, đau đớn của bản thân nhưng chia sẻ những điều đó để chuyển tải thông điệp tích cực tới khán giả. Đó mới là điều có ý nghĩa.

- Từ nãy tới giờ, chúng ta chỉ nói về những bản nhạc rap bị xử lý, điều này dường như có vẻ hơi oan uổng với rap, bởi lẽ gần đây liên tục có những sản phẩm âm nhạc thuộc thể loại khác bị khán giả phản ứng vì cách sử dụng ngôn từ, khai thác đề tài không phù hợp.

Tôi nghĩ điều này xuất phát từ người nghe và nghệ sĩ. Người Việt chúng ta có tâm lý không thích nói thẳng. Họ thích bày tỏ quan điểm một cách khéo léo, không gay gắt, họ không thích nói một cách trực diện, đặc biệt là những vẫn đề nhạy cảm. Đôi khi ngay các cặp tình nhân còn không dám bày tỏ trực tiếp với nhau, vậy thì làm sao họ có thể đón nhận một ca khúc nói thẳng những điều đó? Các nghệ sĩ phải hiểu được tâm lý của khán giả, văn hóa và ngôn ngữ của đất nước mình và thể hiện điều mình muốn chuyển tải một cách tinh tế hơn.

Trong xã hội của chúng ta luôn có quy chuẩn khắt khe về văn hóa, nhưng các nghệ sĩ tiền bối có cách chuyển tải thông điệp, chủ đề nhạy cảm một cách khéo léo, tinh tế tới khán giả. Chẳng hạn như nhạc sĩ Lê Minh Sơn, trong âm nhạc của anh luôn có yếu tố nhục cảm rất rõ ràng nhưng công chúng vẫn rất đón nhận và không cảm thấy phản cảm.

Người Việt Nam rất giỏi trong việc cảm nhận, chỉ cần gieo vào họ sợi suy nghĩ thôi, chắc chắn họ sẽ nghĩ đúng cái mình muốn đề cập tới, không cần phải nói thẳng.

Hà Lê: Các rapper Việt bị xử phạt là dấu hiệu tích cực - 3

Một tác phẩm gây tranh cãi của BigDaddy.

- Anh đánh giá thế nào về việc các sản phẩm âm nhạc có sử dụng ngôn từ phản cảm, hình ảnh không phù hợp bị công chúng phản ứng và cơ quan quản lý "tuýt còi"?

Tôi nghĩ những sự việc trên chỉ giống như bài học, đối với cả người nghệ sĩ và các cơ quan quản lý. Tôi thấy các nghệ sĩ khi đưa sản phẩm ra công chúng và nhận phải những góp ý thì đều nghiêm túc đón nhận và có những hành động cụ thể để khắc phục. Với tôi, nhiều người trong số họ là những nghệ sĩ rất dũng cảm. Họ còn rất trẻ, để có thể thực sự trưởng thành, họ đương nhiên sẽ có những vấp ngã. Có những vấp ngã rất đau nhưng cần thiết. Bất cứ ai để vươn tới thành công cũng đều trải qua thất bại, để tới nơi hoàn thiện thì phải trải qua nhiều sai lầm. Những nghệ sĩ trẻ thực sự đã rất dũng cảm khi dám sáng tạo, dám nhận sai lầm và tìm cách khắc phục. Họ giúp những người đi sau tránh khỏi những sai lầm đó và có hướng đi phù hợp hơn..

Các cơ quan quản lý cũng nhận thấy cần phải sát sao hơn, có những nhắc nhở để các nghệ sĩ tìm hiểu kỹ hơn về văn hóa của nước ta, nước bạn và cho ra những tác phẩm phù hợp.

Hà Lê tên thật là Lê Vĩnh Hà, sinh ngày 26/9/1984 tại Hà Nội. Anh hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc tại Anh 6 năm trước khi trở về nước vào tháng 2/2008. Hà Lê là một trong những nghệ sĩ có nhiều đóng góp giúp thúc đẩy, phát triển văn hóa hip hop, trong đó có rap tại Việt Nam.

Thu Giang
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp