"Chúng tôi có ý định tham gia cùng Mỹ và Đức trong dự án hệ thống phòng không Patriot. Tôi cho rằng điều quan trọng là chúng tôi phải tham gia", Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nói.
Thủ tướng Mark Rutte cho biết trước đó ông đã nói chuyện với Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy về quyết định này.
Trên Twitter, Tổng thống Volodymyr Zelensky bày tỏ biết ơn thủ tướng Hà Lan “về ý định cung cấp hệ thống phòng không Patriot” cho Ukraine.
“Điều đó cải thiện đáng kể khả năng phòng không, bảo vệ các thành phố và người dân của Ukraine trước các đòn tấn công của Nga", ông Zelensky nói.
Trước đây, Hà Lan đã triển khai Patriot trong chiến tranh vùng Vịnh và ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Năm ngoái, Hà Lan và Đức đã cùng triển khai Patriot tới Slovakia theo yêu cầu của NATO để bảo vệ sườn phía đông của liên minh quân sự này.
Lính phòng không Hà Lan hợp tác chặt chẽ với các đối tác Đức trong việc vận hành các hệ thống Patriot. Ở châu Âu, chỉ Đức, Tây Ban Nha và Hà Lan có khả năng vận hành hệ thống Patriots.
Trong những tuần gần đây, Mỹ và Đức cam kết gửi Patriot cho Ukraine. Thư ký Báo chí Lầu Năm Góc Pat Ryder cho hay hôm 17/1, Mỹ đã bắt đầu huấn luyện cho quân đội Ukraine sử dụng và bảo trì hệ thống tên lửa Patriot tại căn cứ quân sự Fort Sill.
Moskva cho rằng việc Washington cung cấp dàn tên lửa đất đối không tiên tiến như vậy sẽ là bước đi mang tính khiêu khích, đồng thời tuyên bố hệ thống này sẽ là mục tiêu hợp pháp của quân đội Nga.
Hôm 25/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ trích việc Mỹ cung cấp tên lửa phòng không Patriot cho Kiev, cho rằng động thái này là nỗ lực nhằm kéo dài cuộc xung đột. Ông tuyên bố Moskva sẽ phá hủy các hệ thống phòng không Patriot nếu Mỹ cung cấp chúng cho Ukraine.
Bình luận