Diễn viên nhí Hà Duy từng có độ “phủ sóng” cực lớn trên truyền hình với nhiều bộ phim như Làm mẹ, Xóm bờ sông, Mùa hè sôi động, Một chuyến thăm quê, Chạy án... Có mẹ ruột anh là NSƯT Hương Dung, Hà Duy có được điểm tựa lớn để làm nghệ thuật.
Nhưng đến năm 18 tuổi, Hà Duy đột ngột có một hướng rẽ khác, không liên quan gì đến nghề khi quyết định sang Pháp học…lái máy bay.
- Anh xuất hiện trên màn ảnh từ khi còn nhỏ xíu. Anh có nhớ vai diễn đầu tiên của mình là năm bao nhiêu tuổi không?
Hình như là năm tôi 4 hay 5 tuổi. Bộ phim đầu tiên là Giấy quỳ tím của đạo diễn Việt Bảo. Mẹ tôi đóng phim này và mang tôi đi theo đoàn phim. Lúc đó, phim thiếu vai trẻ con nên đạo diễn đã bảo cho Bốp (tên ở nhà của Hà Duy) vào đóng thử luôn.
Thời đấy công nghệ thông tin đại chúng chưa phát triển nên các đạo diễn cứ truyền miệng nhau. Phim nào cần đến diễn viên nhí lại giới thiệu “con trai bà Hương Dung” đóng được phim đấy. Thành ra, hầu hết những vai trẻ con thời điểm ấy đều do tôi đảm nhận.
- Việc đóng phim từ hồi còn chưa biết chữ như vậy có làm khó anh?
Người ta cứ bảo tôi là con nhà nòi, nên chuyện đóng phim hoàn toàn bột phát, là do khả năng thôi chứ không phải ai dạy. Lúc đi đóng phim, mọi người trong đoàn, rồi cả mẹ cũng hướng dẫn nhưng đi đóng phim từ hồi bé tý, trẻ con mà, ai biết gì đâu.
- Vậy còn vai diễn cuối cùng của anh trước khi anh quyết định bỏ nghề?
Tôi nhớ không nhầm là phim Khát vọng xanh, năm 2007 -2008. Hồi đấy tôi học hết lớp 12. Tốt nghiệp trung học xong tôi thi ĐH Ngoại ngữ nhưng trượt nên học tại cao đẳng truyền hình, học 1 năm ở Hà Nội thì chuyển vào Sài Gòn để làm tiếp viên hàng không vì chị gái ruột tôi cũng làm tiếp viên.
Nhưng khi vào trong này, đồng nghiệp của chị khuyên tôi thi thử phi công, không ngờ lại trúng.
- Vai diễn ấn tượng nhất trong suốt thời giananh làm diễn viên?
Tôi nhớ nhất vai diễn trong phim Mùa đông. Tôi vào vai cậu bé mồ côi ở với ông, nhà nghèo không có tiền nên đã lên thành phố kiếm việc làm, vào tổ bán báo xa mẹ, tích góp kiếm tiền để mua chăn cho ông.
Đấy là vai cực kỳ xúc động, thường thường tôi diễn các vai nghịch ngợm nhưng vai diễn đấy rất trầm và tôi phải diễn nội tâm. Hồi đấy tôi mới 7-8 tuổi gì đấy thôi nên nào có hiểu diễn nội tâm là gì nhưng vai diễn này thực sự gây ấn tượng với tôi.
- Lý do gì để anh đột ngột chuyển hướng từ một diễn viên sang công việc không liên quan là phi công?
Nghề phi công đã chọn tôi. Mục đích lúc đầu khi chuyển sang vào TP HCM là để làm tiếp viên hàng không. Nhiều người cũng khuyên tôi thử đi học phi công nhưng lúc đó tôi nghĩ làm sao mình có thể đi học được nhưng rồi cũng thử.
Lúc thi đầu vào chỉ cần tiếng Anh và sức khỏe để học dự khóa tại một trung tâm huấn luyện bay. Sau đó, đến năm 2009 trường ESMA ở Pháp đã tuyển sinh. Đợt đấy phỏng vấn mấy trăm người nhưng trường chỉ lấy 40 người và tôi nằm trong số 40 người đi sang Pháp học.
- Quá trình anh học để có thể trở thành một phi công như thế nào?
Khi sang Pháo tôi vẫn sợ, sợ mình không có khả năng và tiếng Anh lúc đấy chưa vững, sợ không nghe hiểu được.
Trong giai đoạn chờ để chuẩn bị đi Pháp, tôi tiếp tục rèn luyện tiếng Anh và những kiến thức cơ bản của hàng không.
Đến ngày sang Pháp tôi rất hồi hộp và tôi cũng không nghĩ mình có thể học được. Nhưng thầy giảng rất dễ hiểu và tôi cũng cố gắng nữa. Đó là học lý thuyết.
Còn lần đầu tiên bay cũng nhớ đời. Máy bay là loại một động cơ, nhỏ xíu chỉ chở được 3-4 người. Trên chuyến bay đó có tôi, thầy hướng dẫn và một người nữa giám sát.
- Thời gian học của anh kéo dài trong bao lâu?
Ở Việt Nam, tôi học dự khóa một năm. Thời gian đó tôi học tiếng Anh, rèn luyện thể chất, học những kiến thức cơ bản của hàng không, đi nghĩa vụ quân sự.
Sau đó sang Pháp tôi học thêm 18 tháng nhưng trên thực tế, tôi chỉ học mất 17 tháng, do tôi được xếp lịch bay dày hơn những bạn cùng khóa.
Sau khi về Việt Nam, tôi học thêm sơ cứu, an toàn, an ninh hàng không rồi sang Bắc Kinh để học chuyển loại máy bay. Học xong, tôi được đoàn bay 919 của tổng công ty hàng không Việt Nam phỏng vấn để phân vào các đội bay.
Tôi được tuyển vào bay máy bay Airbus A320/321 và bắt đầu bay huấn luyện. Thời gian bay tối thiểu để lấy được bằng phi công lái máy bay thương mại là 200 giờ.
- Vì sao anh lại đột ngột bỏ nghề diễn khi đang có một bệ phóng vững chắc như vậy?
Do hồi đấy tôi lông bông quá. Đó là giai đoạn khó khăn của tôi và tôi cảm thấy nếu mình cứ tiếp tục gắn bó với nghề diễn thì chưa biết sẽ đi đến đâu. Vì diễn viên là một nghề rất vất vả, cứ nhìn mẹ là tôi biết.
Tôi rất thích nghề diễn, tôi thích đóng phim và đóng kịch. Nhưng đó chỉ là sở thích của tôi thôi. Làm nghệ thuật cũng có cái hay. Làm nghệ thuật hay hàng không đều có điểm chung là không cố định và gò bó.
- Vậy làm cách nào để anh vượt qua được giai đoạn khó khăn đấy?
Thời điểm đấy tôi cảm thấy tương lai mình là một bầu trời u ám. Nghề diễn có thể đưa tôi đến đỉnh cao cũng có thể đưa tôi xuống vực sâu. Lúc đó, tôi không nghĩ được gì và cũng không làm được gì. Nhờ chị gái đưa tôi vào Sài Gòn và bảo tôi phải thay đổi nếu muốn có một tương lai tốt hơn. Và tôi nghĩ quyết định Nam tiến để đi học phi công.
- Anh có nghĩ việc mình nổi tiếng từ nhỏ đã khiến anh gặp những vấp ngã đó?
Tôi nghĩ không phải do nổi tiếng mà chỉ là sự bốc đồng của tuổi trẻ mà thôi.
- Vậy khi làm phi công, cuộc sống hiện tại của anh như thế nào?
Thời gian làm việc của tôi không cố định, mỗi tháng tôi sẽ nhận được lịch bay của tháng sau và nhìn vào đó để biết thời gian làm việc của mình. Nghề thú vị là giờ giấc linh hoạt, đôi khi cũng mệt vì giờ người khác đi nghỉ thì mình đi làm, giờ người ta đi làm thì mình đi ngủ.
Thứ 2 là môi trường làm việc của tôi luôn thay đổi. Đoàn bay của tôi luôn thay đổi, cơ trưởng và tiếp viên có khi phải 2-3 năm mới bay cùng với nhau. Vì nghề nghiệp này đỏi hỏi độ chính xác cao và rất dễ bị căng thẳng.
Nhiều người hay nghĩ phi công phải đi nhiều nhưng thực ra tôi là “tỷ phú thời gian”. Luật hàng không quy định là trong vòng 28 ngày không được bay quá 100 giờ, so với những công việc khác thì thời gian làm việc không nhiều.
Cảm ơn anh về những chia sẻ.
Bình luận