• Zalo

GS Vũ Minh Giang: 'Nhiều thủ khoa mắc tính ngạo mạn, coi mình là sao'

Giáo dụcThứ Tư, 11/10/2017 16:36:00 +07:00Google News

GS Vũ Minh Giang chia sẻ từng tiếp xúc với rất nhiều thủ khoa và trong đó không ít em mắc tính ngạo mạn, coi mình là ngôi sao.

Trả lời PV VTC News liên quan đến vấn đề nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học có thành tích cao, thậm chí có những người là thủ khoa, song khi ra trường lại không có việc làm, GS Vũ Minh Giang - nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội - cố vấn Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, sinh viên không thể dựa vào cái danh tốt nghiệp thủ khoa đại học, ỉ vào kết quả học tập để đưa ra những yêu sách với cơ quan nhà nước về việc làm.

Những người này quên rằng để đáp ứng được công việc, còn phải bổ sung rất nhiều những kỹ năng khác chứ không chỉ đơn thuần là một bảng điểm đẹp.

gs vu minh giang

 Giáo sư Vũ Minh Giang, nguyên Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội. 

- Câu chuyện sinh viên tốt nghiệp ra trường nhưng thất nghiệp có lẽ không phải là mới, song điều đáng chú ý là trong số đó có những người từng là thủ khoa đại học, ông nhận xét gì về hiện tượng này?

Tôi đã từng tiếp xúc với rất nhiều khóa sinh viên tốt nghiệp, trong đó cũng có nhiều thủ khoa đại học, khi nói chuyện với các em, một điều mà tôi nhận thấy là rất nhiều em bắt đầu mắc tính ngạo mạn.

Khi trò chuyện, nhiều em nói với tôi: “Bây giờ chúng em bị áp lực rất lớn, đó là áp lực sao”. Tức là các em ấy đã tự ví mình như là một siêu sao.

Còn tôi đã từng nói với các em là làm gì đã có sao với trăng gì ở đây, tất cả mới chỉ là sự bắt đầu. Các em bắt đầu bước vào đời, còn nhiều thứ chờ đợi các em ở phía trước và các em còn phải học tập, tôi luyện, hoàn thiện nhiều hơn nữa.

Nên chuyện thủ khoa của một trường đại học cũng không có gì là quá kinh khủng. Nếu tự cho mình đã giỏi giang, ưu việt, là “sao” nghĩa là các em đã tự huyễn hoặc và đề cao mình.

Nên chuyện sinh viên ra trường thất nghiệp, nói đúng hơn là chưa tìm được việc làm phù hợp, trong số đó có những em sinh viên là thủ khoa tốt nghiệp các trường đại học cũng là chuyện bình thường. Không nên cho rằng thủ khoa là cứ phải thế này thế khác.

- Cũng có ý kiến cho rằng thủ khoa thì kết quả học tập tốt, kiến thức vững hơn nên cần có chính sách ưu ái khi tuyển dụng?

Trước kia thì có chuyện một số địa phương, cơ quan có chính sách đặc cách, ưu tiên nhận các thủ khoa tốt nghiệp đại học vào làm việc, thậm chí không cần qua thi tuyển. Nhưng giờ theo Luật công chức, viên chức thì đã bỏ chính sách trên. Tôi cho rằng nên bỏ chuyện đặc cách và làm đúng theo quy định của pháp luật.

Bởi vì thực tế cho thấy đón thủ khoa vào làm việc ngay cũng chưa phải là cách hay. Thậm chí tôi biết là trong nhiều trường đại học hiện nay có hiện tượng chạy chọt để lấy điểm. Đây là vấn đề mà chúng ta phải cân nhắc.

Tôi cho rằng đối với các trường hợp thủ khoa thì cũng chỉ nên coi là một kênh xem xét thôi. Chứ cứ thủ khoa là ỉ vào kết quả học tập, đưa ra yêu sách, đòi hỏi phải trọng dụng là không được. Thành tích học tập tốt, đáng trân trọng. Chỉ dựa vào điểm thi cao mà đòi hỏi nhiều thứ là chưa ổn.

Tôi cũng không đồng tình với việc cứ lấy thủ khoa đại học mà cho đấy là nhân tài thì không chính xác.

Ví dụ, khi chọn lựa nhân sự vào một cơ quan nào đó, cần những người có năng lực thực sự thì điều kiện cần là phải sinh viên giỏi, là thủ khoa. 

Tuy nhiên, ngoài ra còn chọn theo những yếu tố khác nữa. Nói cách khác, điểm chác đầu ra chỉ là điều kiện cần, còn để vào làm việc thì còn phải có điều kiện đủ, nghĩa là nhiều kỹ năng, phẩm chất khác nữa.

- Vừa qua, báo chí cũng đã đưa tin về trường hợp một nữ thủ khoa tốt nghiệp trường đại học sư phạm song vẫn ở nhà đợi việc và đợi địa phương “đặc cách”, trong khi kỳ thi tuyển công nhân viên chức của tỉnh này thì thủ khoa này lại không nộp hồ sơ thi tuyển vì “thiếu tự tin”. Ông có nhận xét gì về trường hợp này?

Với trường hợp trên, có thể thấy bạn thủ khoa này đã hơi ỉ vào kết quả học tập của mình, kiểu như tôi giỏi rồi thì địa phương phải thế này thế kia. Đây là cách nghĩ cần phải xem lại.

 
Tôi đã từng tiếp xúc với rất nhiều khóa sinh viên tốt nghiệp, trong đó cũng có nhiều những thủ khoa đại học, khi nói chuyện với các em, một điều mà tôi nhận thấy là rất nhiều em bắt đầu mắc tính ngạo mạn.

Giáo sư Vũ Minh Giang

Ngay cả chuyện tổ chức thi tuyển công nhân viên chức một năm hai kỳ như hiện nay cũng cần phải xem xét lại để linh hoạt hơn. Nhưng linh hoạt như thế nào thì cũng phải căn cứ vào thực tế của địa phương, chứ địa phương mà không có nhu cầu tuyển dụng ngành nghề ấy thì cũng không thể ép họ phải tổ chức thi tuyển được.

- Theo số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT, sư phạm là một trong những ngành có tỷ lệ sinh viên ra trường nhưng không có hoặc chưa kiếm được việc làm cao nhất. Đó có phải là thực tế đáng lo không, thưa ông?

Tôi cho rằng để đầu ra ngành sư phạm được đảm bảo, sinh viên có việc làm thì ngành giáo dục của ta còn phải làm nhiều việc. Tuy nhiên, ở đây tôi chỉ nói đến hai vấn đề trong đào tạo sư phạm của ta hiện nay.

Thứ nhất, đào tạo ngành sư phạm của ta đã đến lúc cần phải thay đổi. Các nước khác đã bỏ hệ thống đào tạo sư phạm như ta hiện nay vì họ cho rằng cách thức này đã cũ lắm rồi. Thực tế hiện nay là chúng ta đang đào tạo một đội ngũ những người chuyên làm nghề dạy học, quan niệm thế là không đúng.

Thứ hai, theo cách đào tạo hiện nay thì ta đang “chôn chân” sinh viên vào hồ sơ sư phạm, có nghĩa là học xong là làm giáo viên, điều này khiến cơ hội tìm việc làm khó đi. Thậm chí nhiều cơ quan cần tuyển nhân sự họ nhìn hồ sơ sư phạm họ nghĩ giáo viên thì chỉ có đi dạy, không làm được việc khác, nghĩ như thế chưa chắc đã đúng. Phải tính lại vấn đề này.

Nên chăng, trong đào tạo sư phạm, hãy đào tạo họ như các ngành khoa học cơ bản. Sau đó, khi ra trường, ai có nguyện vọng đi dạy học thì đáp ứng yêu cầu đó và nhừ nước cũng cần có chế độ đãi ngộ xứng đáng đối với họ.

Xin trân trọng cảm ơn ông.

Lưu Thủy
Bình luận
vtcnews.vn