GS.VS Nguyễn Văn Hiệu sinh năm 1938 tại Cầu Đơ, nay thuộc phường Hà Cầu (quận Hà Đông, Hà Nội). Ông từng đảm nhận qua các chức vụ Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, nguyên Giám đốc Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ Quốc gia, Hiệu trưởng sáng lập Đại học Công nghệ (ĐHQGHN). Ông từng là Chủ nhiệm khoa Công nghệ - ĐHQGHN; Chủ nhiệm bộ môn Quang tử thuộc khoa Vật lý Kỹ thuật và Công nghệ Nano của trường...
Giáo sư trẻ nhất lịch sử Việt Nam
GS Nguyễn Văn Hiệu sinh ra trong gia đình 7 anh chị em, bố là cán bộ cách mạng. Tuổi thơ của cậu bé Hiệu lớn lên trong những ngày cả gia đình nay đây mai đó vì tản cư, chạy giặc.
Vì là anh cả, không ít lần Nguyễn Văn Hiệu có ý định bỏ học để phụ giúp mẹ kiếm tiền nuôi các em. Nhưng ý chí khát khao hiểu biết và học tập đã thôi thúc cậu đến trường. Cậu học sinh ấy hoàn thành chương trình phổ thông trong 8 năm, khi gia đình đi tản cư từ Hà Nội vào Thanh Hóa.
Sau cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, ông thi đỗ vào Đại học Sư phạm Khoa học, chuyên ngành ngành Vật lý.
Năm 1956, với kết quả tốt nghiệp xuất sắc, ông được phân về giảng dạy tại Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là ĐHQGHN). Sau 4 năm giảng dạy tại Khoa Vật lý, tháng 10/1960, ông được cử đi nghiên cứu tại Liên Xô cũ.
Sang Liên Xô, ông nghiên cứu và học tập tại Viện Liên hiệp Nghiên cứu Hạt nhân Dubna. Trong hai năm 1961 đến 1963, ông hoàn thành nhiều công trình về lý thuyết tương tác yếu giữa các hạt cơ bản - một trong những lĩnh vực nghiên cứu đang có "tính thời sự" lúc đó. Ông cũng bắt tay vào nghiên cứu một lĩnh vực rất mới: các tính chất của các biên độ tán xạ các hạt nhân năng lượng cao.
Những nghiên cứu của ông khi ấy tạo được tiếng vang rộng lớn trong các nhà vật lý khi chứng minh được các hệ tiệm cận của các biên độ tán xạ. Nhờ đó, ông bảo vệ thành công xuất sắc luận án tiến sĩ chỉ một năm sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ở tuổi 26 - tiến sĩ trẻ tuổi nhất của Việt Nam và Liên Xô. Cùng năm đó, TS Hiệu được đặc cách công nhận chức danh Phó giáo sư.
Năm 1968, ông được công nhận chức danh Giáo sư Vật lý lý thuyết và Vật lý toán của Viện Dubna và Đại học Lômônôxốp. Khi đó, ông tròn 30 tuổi và là vị giáo sư trẻ tuổi nhất trong lịch sử khoa học nước nhà.
Năm 1969, ông trở về Việt Nam và trở thành người có đóng góp to lớn trong việc thành lập Viện Vật lý - Viện Khoa học Việt Nam.
Ông tiếp tục khám phá ra công trình "Lý thuyết đối xứng các hạt cơ bản" và phát minh ra quy luật mới trong lĩnh vực vật lý hạt nhân năng lượng cao - quy luật "bất biến kích thước của tiết diện các quá trình sinh hạt".
Với công trình này, GS Nguyễn Văn Hiệu là một trong số rất ít những nhà khoa học của Việt Nam được Ủy ban Nhà nước Liên Xô về phát minh và sáng chế cấp bằng phát minh.
Viện trưởng trẻ tuổi nhất Việt Nam
Nhờ những thành quả trong nghiên cứu khoa học mang tính vượt trội, GS Hiệu được bầu là Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô năm 1982 và năm 1986, ông vinh dự được trao tặng Giải thưởng Lênin về Khoa học kỹ thuật.
Năm 1969, GS Hiệu trở về Việt Nam và được giao nhiệm vụ làm Viện trưởng Viện Vật lý. Ông là một Viện trưởng trẻ tuổi nhất trong lịch sử khoa học Việt Nam.
Đầu tháng 5/1975, ông được cử làm đại biểu Quốc hội và tháp tùng đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đi thị sát các tỉnh phía Nam.
Tháng 6/1976, ông đảm nhận chức vụ Phó viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam. Đến năm 1983, ông trở thành Viện trưởng.
GS Nguyễn Văn Hiệu là người gắn bó và trưởng thành cùng với sự phát triển của nền khoa học và giáo dục Việt Nam. Ông cũng là người quan tâm đặc biệt đến sự nghiệp giáo dục và việc đào tạo thế hệ trẻ. Ông còn là đại biểu Quốc hội nhiều khoá và ủy viên Trung ương Đảng các khóa V, VI, VII, VIII.
Ông cũng là một trong những người đi tiên phong trong việc cải cách tiền lương cho ngành giáo dục. Trong cương vị người thầy, ông luôn mong muốn: "Làm sao giảng dạy được cho các học trò của mình: nếu là kỹ sư trong nhà máy thì làm việc thật tốt, nếu là nhà khoa học thì có nhiều phát minh, nếu là thầy giáo thi giảng bài thật hấp dẫn và truyền thụ được nhiều kiến thức cho học trò…".
Ông đã trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, hưởng thọ 84 tuổi sau thời gian mắc bệnh về phổi, thận.
Bình luận