Hàn lâm viện Khoa học Hoa Kỳ vừa tiến hành bầu ra 84 thành viên mới, trong đó người ta nhận thấy sự có mặt của giáo sư Đàm Thanh Sơn.
Thông báo ngày 29/4 cho biết, NAS (National Academy of Sciences - USA) đã bầu 21 nhà khoa học thuộc 15 quốc tịch khác làm thành viên liên kết nước ngoài của Viện.
Đây là sự thừa nhận của NAS về những thành công xuất sắc và liên tục trong nghiên cứu độc sáng của những nhà khoa học được bầu. Sau cuộc bầu cử này, Hàn lâm viện khoa học Mỹ có tất cả 2.214 người và 444 thành viên liên kết nước ngoài.
Được biết, GS Đàm Thanh Sơn, sinh năm 1969 tại Hà Nội, là tiến sĩ vật lý tại Việt Nghiên cứu Hạt nhân Moskva năm 1995, đã sang Mỹ nghiên cứu hậu tiến sĩ tại đại học bang Washington ở Seattle năm 1995-1996, và sau đó tiếp tục ở lại tham gia nghiên cứu tại nhiều đại học nổi tiếng tại Mỹ trước khi trở lại Seattle làm giáo sư chính thức năm 2002.
Giáo sư Đàm Thanh Sơn |
Mười năm sau, với những thành quả xuất sắc trong vật lý lý thuyết với các công trình có tác động sâu sắc tới nhiều lĩnh vực trong vật lí học như lời giới thiệu của Quỹ Simmons khi trao giải "Simon Investigators Program 2013" mới đây, ông đã được mời làm giáo sư vật lý lý thuyết tại Đại học Chicago từ tháng 9/2012.
Trong bài Hướng nghiên cứu mở đường cho một quy luật phổ quát trong vật lý trên mặt báo này, giáo sư Phạm Xuân Yêm đã giới thiệu một "kết quả kỳ lạ" của Đàm Thanh Sơn và các cộng tác viên, đăng trên tạp chí Physics Today tháng 5/2010, giải thích "tại sao trong những trường hợp rất khác biệt (cực nóng hay cực lạnh), trạng thái của vật chất là chất lỏng và hơn nữa còn tính toán được độ nhớt phổ quát η của nó, η chỉ phụ thuộc duy nhất vào hai hằng số cơ bản (h của Planck và kB của Boltzmann".
Một vài bài viết phổ cập khoa học của GS Đàm Thanh Sơn trong mục "Thấy trên mạng" (về graphen - giải Nobel vật lý 2010; hoặc bài Isaac Newton viết gì về thuỷ triều ở vịnh Bắc bộ), chứng tỏ ông còn là một nhà khoa học có tài năng lớn từ trong nghiên cứu đến việc đưa những kết quả sâu sắc của khoa học đến với đại chúng.
Bố của ông là giáo sư dược học Đàm Trung Bảo; mẹ là phó giáo sư, tiến sĩ sinh hoá Nguyễn Thị Hảo; chú ruột là giáo sư vật lý Đàm Trung Đồn.
Nếm trải biết bao khó khăn, thiếu thốn thời hậu chiến và bao cấp, thế mà từ bé, ông đã nổi tiếng “thần đồng”! Mới học lớp 2 (lớp 3 hiện nay), cậu bé 7 tuổi đã giải được toán lớp 10 (lớp 12 hiện nay)!
Lên cấp III, ông thi đỗ vào Khối Phổ thông chuyên toán Trường đại học Tổng hợp Hà Nội.
Năm 1984, mới 15 tuổi, lần đầu dự Olympic Toán quốc tế ở Prague, ông đoạt ngay huy chương vàng với số điểm tuyệt đối 42/42. Ngay từ dạo ấy, GS Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, đã hết lời khen ngợi.
Rồi ông được đích thân Bộ trưởng Bửu - một nhà lãnh đạo giáo dục hết lòng yêu quý tài năng - chọn gửi sang Moskva học vật lý tại Đại học Lomonosov, trường đại học danh tiếng nhất hệ thống xã hội chủ nghĩa thời ấy.
Chịu ảnh hưởng của người chú ruột Đàm Trung Đồn, ông mơ trở thành một nhà vật lý lý thuyết lỗi lạc. Muốn thế, phải học thật giỏi toán. Sau khi tốt nghiệp đại học, được giữ lại Moskva, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ năm 25 tuổi.
Theo Đất Việt
Bình luận