• Zalo

GS Trần Văn Nhung 'đặt hàng' Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Giáo dụcThứ Ba, 12/04/2016 05:28:00 +07:00Google News

GS Trần Văn Nhung cho rằng muốn phát triển nền giáo dục Việt Nam thì cách tốt nhất, nhanh nhất, tiết kiệm nhất, cụ thể và dễ làm nhất là hãy quốc tế hóa căn bản

(VTC News) – GS Trần Văn Nhung cho rằng muốn phát triển nền giáo dục Việt Nam thì cách tốt nhất, nhanh nhất, tiết kiệm nhất, cụ thể và dễ làm nhất là hãy quốc tế hóa căn bản và toàn diện nền giáo dục và đào tạo Việt Nam.

Sáng 12/4, tân Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có buổi làm việc đầu tiên ở cơ quan.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trong ngày đầu làm việc tại Bộ GD-ĐT (Ảnh: GS Trần Văn Nhung)
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trong ngày đầu làm việc tại Bộ GD-ĐT (Ảnh: GS Trần Văn Nhung) 

Có mặt trong buổi gặp mặt, GS Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước đã chúc mừng Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã được Quốc hội tín nhiệm phê chuẩn chức vụ Bộ trưởng GD-ĐT.

“Như chúng ta đều biết GD-ĐT là quốc sách hàng đầu, ghế Bộ trưởng GD-ĐT là một trong những chiếc ghế Bộ trưởng nóng nhất, xã hội kỳ vọng ở ngành giáo dục rất nhiều và làm Bộ trưởng GD-ĐT là việc rất khó”, GS Trần Văn Nhung bày tỏ.

GS Trần Văn Nhung bày tỏ hy vọng và tin tưởng rằng Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ đầy khó khăn này.

“Những ngày qua, theo dõi trả lời của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi đã bước đầu ghi nhận quyết tâm, nhiệt huyết và tình cảm của Bộ trưởng dành cho giáo dục và đào tạo nước nhà”, GS Nhung nói.

Trong các bài báo trên các phương tiện thông tin truyền thông, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thể hiện sự trân trọng công lao và chia sẻ khó khăn với các vị bộ trưởng giáo dục tiền nhiệm. Nếu không trân trọng quá khứ thì sẽ khó tỉnh táo trong tương lai.

Trong buổi gặp gỡ, GS Trần Văn Nhung cũng kiến nghị: “Tôi cho rằng để thực hiện nghị quyết 29 của Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục và đào tạo Việt nam thì cách tốt nhất, nhanh nhất, tiết kiệm nhất, cụ thể và dễ làm nhất là hãy quốc tế hóa căn bản và toàn diện nền giáo dục và đào tạo Việt Nam, từ tư duy đến hành động, từ triết lý giáo dục cho đến mọi thiết kế kỹ thuật như chương trình, sách giáo khoa, thi cử, đánh giá, quản lý, phục vụ sản xuất, đóng góp xã hội”.

Video: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chất vấn Bộ GD-ĐT ngay tại hội nghị tổng kết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động cơ sở giáo dục ĐH công lập

GS Nhung cho rằng cần phát huy mọi nguồn lực ở trong và ngoài nước, học hỏi những kinh nghiệm giáo dục trong nước (1.000 năm lịch sử và 70 năm nền giáo dục cách mạng) và quốc tế, để đào tạo ra thế hệ những công dân toàn cầu người Việt Nam, có cốt cách Việt và đủ sức cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh và hiệu quả trong thế giới hội nhập ngày nay.

Kiến nghị này GS Nhung đã nêu ra từ 20 năm trước, lúc còn là Vụ trưởng Vụ Quan hệ Quốc tế, Bộ GD-ĐT.

“Khi đó, tôi đã phân tích bài học thành công của các "con rồng phát triển thần kỳ" như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc , Đài Loan và Hồng Kông (Trung Quốc), ..., và dựa vào ý tưởng, tiên đoán thiên tài về sự ra đời toàn cầu hóa của Cao Bá Quát (1808-1855) "Kho trời chung mà vô tận của mình riêng" trong bài thơ "Thú nhàn", GS Trần Văn Nhung nhớ lại.

Ngoài việc chúc Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thành công và đáp ứng được kỳ vọng của toàn xã hội và các gia đình, GS Trần Văn Nhung cũng không quên cám ơn nguyên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và các Bộ trưởng tiền nhiệm đã đóng góp to lớn cho sự nghiệp giáo dục.


Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn