Tại tọa đàm “Nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ”, GS Trần Văn Nhung - Tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước cho rằng việc sáng tạo ra phần mềm để kiểm tra việc đạo luận văn tiến sĩ không khó nhưng quan trọng vẫn là con người.
GS Nhung nhận định phần mềm sẽ dễ dàng tìm ra được nội dung sao chép lẫn nhau của 30 trang luận án nhưng “Ăn cắp hoàn toàn 30 trang không tai hại bằng ăn cắp ý tưởng. Ăn cắp ý tưởng mới nguy hiểm”.
Việc ăn cắp ý tưởng ý tưởng của luận văn khác sau đó diễn đạt bằng cách khác thì phần mềm kiểm tra cũng không thể phát hiện được.
“Các nước họ phải đăng bài phản biện toàn thế giới. Ngay trong ngành khoa học xã hội không đòi hỏi nhiều nhưng vẫn phải có bài báo đăng trên tạp chí khoa học thế giới. Phải có ý tưởng hoàn toàn mới mới được đăng, tránh đạo văn”, GS Trần Văn Nhung nhấn mạnh.
GS Trần Văn Nhung cũng cho rằng việc đào tạo tiến sĩ cần bám chặt vào các tiêu chí của khu vực và thế giới, nhất là khoa học tự nhiên và công nghệ.
Hung-ga-ri giao quyền tự chủ cho các trường nhưng họ không nói bảo vệ tiến sĩ cấp trường, mà vẫn là cấp quốc gia, theo nghĩa giao quyền tự chủ các trường và kiểm soát chất lượng rất chặt chẽ.
“Nếu muốn bảo vệ tiến sĩ Toán, nghiên cứu sinh phải đưa luận án, bản tóm tắt, sơ yếu lý lịch. Hội đồng sẽ có 27 thành viên. Ông Chủ tịch và khoảng 20 giáo sư ngành Toán sẽ xem luận án liệu đã được chưa. Ngoài ra, phải có ít nhất 2 bài báo đăng tạp chí khoa học quốc tế.
Ở bên đó, ai làm chủ tịch hội đồng cũng phải tính toán sao cho phù hợp. Ai làm phản biện cũng vậy. Vì vậy, không thể có chất lượng thấp”, GS Nhung dẫn chứng.
Ông Nhung cũng cho rằng trong quá trình hội nhập nếu không nâng cao chất lượng tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư thì có thể “mất việc” ngay trên chính đất nước Việt Nam.
Bên cạnh đó, những phát minh, nghiên cứu của các tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư cũng cần tính tới việc đóng góp cho đất nước Việt Nam.
Góp ý thêm về việc thẩm định luận án, GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo ĐHQGHN cho rằng việc này cần phải làm cẩn trọng để tìm ra lỗi ở khâu nào.
Về vấn đề “đạo văn”, GS Đức cho rằng nếu phát hiện ra việc “đạo ý tưởng, đạo kết quả” thì người nghiên cứu hoàn toàn phải chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên, ông Đức cho biết thực tế có trường hợp quên trích dẫn, giới thiệu thì cũng cần được làm rõ. Trong khi đó, chuẩn bị đến các đợt “bầu bán”, những lỗi này lại được đưa ra để kiện cáo.
Vì vậy, hội đồng thẩm định cần phải xác định rõ lỗi thế nào. Ông Đức khẳng định nếu là lỗi cố ý thì phải phạt nặng nhưng là vô tình thì nhắc nhở. Trong các sự việc này, hội đồng thẩm định cần phải cân nhắc, đối chứng giữa 2 bên.
Bình luận