(VTC News) - Dư luận hiện nay đang có nhiều phản ứng khác nhau khi phát hiện văn bản truyện cổ tích Tấm Cám trong sách giáo khoa ngữ văn lớp 10 đã sửa lại đoạn cuối. GS Phong Lê, nguyên Viện trưởng Viện văn học Việt Nam cho rằng: Tuyệt đối không được sửa. Sửa như vậy là rất ẩu. Nếu sửa lấy tên khác chứ đừng lấy tên truyện Tấm Cám nữa”.
Nếu sửa đừng lấy tên truyện là "Tấm Cám"
Theo sách giáo khoa ngữ văn lớp 10, ở đoạn cuối truyện, khi Cám hỏi: “Chị làm thế nào mà đẹp thế?”, Tấm hỏi lại: “Có muốn đẹp không để chị giúp?”, sau đó “Tấm sai quân hầu đào một cái hố sâu và đun một nồi nước sôi. Tấm bảo Cám xuống hố rồi sai quân hầu dội nước sôi vào hố. Cám chết. Mụ dì ghẻ thấy vậy cũng lăn đùng ra chết”.
Trong khi đó, các bản Tấm Cám trước đây có phần kết với nội dung sau khi Cám chết, Tấm đem làm mắm và gửi dì ghẻ ăn.
Chia sẻ suy nghĩ về những thay đổi này, GS Phong Lê, nguyên Viện trưởng Viện văn học Việt Nam, cho rằng: “Truyện cổ tích Tấm Cám cũng như một số truyện khác là truyện kinh điển cùng với một số truyện khác phổ biến nhất trong văn học dân gian Việt Nam. Truyện đã ổn định trong lịch sử hàng nghìn năm. Ổn định hàng nghìn năm là có lý do lịch sử của nó”.
GS Phong Lê cũng giải thích cụ thể: “Cái ác có lý do vì sao phải ác là vì mẹ con Cám ác quá, nhiều lần tìm cách giết Tấm đến kỳ cùng, ác khủng khiếp. Triết lý dân gian là ác đến đâu tả đến đó. Việc làm mắm đó cũng tương xứng với tội ác của mẹ con Cám. Vì thế dân gian truyền tụng, không có phản cảm gì cả - ứng xử đó là ứng xử thích hợp. Tội ác đến đâu phải trả giá đến đó. Vì thế nghìn năm qua không gây phản cảm”.
Không đồng tình với cách nhìn nhận của những người làm sách, GS Phong Lê cũng đề nghị: “Theo tôi để nguyên kết truyện như vậy, không thay đổi vì đã ổn định hàng nghìn năm. Tuyệt đối không được sửa. Sửa như vậy là rất ẩu. Nếu sửa lấy tên khác chứ đừng lấy tên truyện Tấm Cám nữa”.
“Nếu có phản cảm thì không đưa vào SGK. Quan điểm của tôi là dùng nguyên cốt truyện và giải thích cho các em học sinh hiểu ác trả giá bằng cái ác. Các nhà nghiên cứu văn học dân gian phải có ý kiến về truyện này”. GS Phong Lê cũng gợi mở thêm một phương án.
Cũng có cùng quan điểm này, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đề nghị: “Đặc trưng của truyện cổ tích kẻ ác phải bị trừng phạt. Truyện mang dấu ấn của truyện dân gian nên khi giảng cho học sinh thì nên bám vào đặc trưng truyện cổ tích và giá trị của truyện”
Tấm Cám là truyện tiêu biểu nhất
PGS.TS Đỗ Ngọc Tống, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, cho biết thêm thông thường, tác phẩm văn học lưu hành trong nhà trường có cuộc sống khác với tác phẩm văn học ngoài nhà trường.
Nó hoàn toàn phụ thuộc vào mục tiêu giáo dục, bị chi phối rất nhiều yếu tố khác nên mỗi lần việc biên soạn, chỉnh sửa rất cần nhiều ý kiến vì nếu sửa mà ảnh hưởng đến ý nghĩa của hình tượng là hỏng.
PGS.TS Đỗ Ngọc Tống đưa ra giải pháp: “Trong trường hợp này, tôi nghĩ cuốn sách dành cho giáo viên có gắn lời giải thích cho sự thay đổi đó. Giáo viên khi lên lớp sẽ phải giải thích cho học sinh biết truyện cổ tích có nhiều dị bản, đây là 1 trong những dị bản đó. Các giáo viên có thể giải thích thêm nhiều cách kết thúc khác nhau của cùng một câu truyện cổ tích. Tuy nhiên, SGK dành cho học sinh thì không có lời giải thích đó nên khiến cho dư luận phản ứng dữ dội như thời gian vừa qua”.
Trong khi đó, GS Phan Trọng Luận - Tổng Chủ biên cuốn sách giáo khoa ngữ văn lớp 10 khẳng định Tấm Cám là truyện cổ tích tiêu biểu nhất.
GS Phan Trọng Luận phân trần: “Chuyện cổ tích, thi pháp cổ tích là triệt để cái tận cùng. Ác, ác tận cùng; xấu, xấu tận cùng; trả thù, trả thù tận cùng; hạnh phúc, hạnh phúc tận cùng. Thi pháp của cổ tích là vậy. Bây giờ bỏ như vậy vô hình chung đã phá vỡ thi pháp cổ tích. Nhưng tính đi tính lại mãi, nếu để như thế thì trong hoàn cảnh bây giờ, sống bao dung, xóa thù hằn, giáo dục tính nhân ái, nhân văn, nếu đưa chi tiết đó vào sẽ không lợi.
GS Phan Trọng Luận |
“Với đoạn kết của Tấm Cám, bạo lực như thế, hung dữ như thế, giờ nhà trường lại giáo dục việc trả thù man rợ như thế thì có nên không?”. GS Phan Trọng Luận trăn trở.
Nói về việc thay đổi này, GS Luận cho rằng việc đó không hề xuất phát từ cá nhân mà có sự trao đi đổi lại việc lấy dị bản của Chu Xuân Diên hay Nguyễn Đổng Chi. Truyện Tấm Cám có nhiều dị bản nhưng đều chung chi tiết trả thù, “làm mắm”. Sau khi trao đi đổi lại với GS. Trần Đình Sử và Chủ tịch Hội đồng biên soạn SGK là GS. Nguyễn Minh Thuyết cũng đã bàn bạc, tính toán thế nào có lợi và cuối cùng vẫn quyết định như vậy.
Trước nhiều ý kiến thay vì việc sửa đoạn kết, ta có thể lựa chọn một câu chuyện cổ tích Việt Nam khác phù hợp hơn, GS Phan Trọng Luận vẫn khẳng định: “Tấm Cám là truyện cổ tích tiêu biểu nhất”.
Đối với sự thay đổi này, GS Luận cũng thừa nhận: “Về tổng thể của truyện thì không thay đổi, nhưng phải thừa nhận rằng tính “tận cùng” của thi pháp cổ tích cũng không giữ được nguyên vẹn, nó phá vỡ tính điển hình của thể loại này”.
Trước sức ép của dư luận, nhiều người cho rằng những người làm sách giáo khoa sẽ rơi vào tình trạng “đẽo cày giữa đường”, nhưng GS Luận vẫn quả quyết:” Đôi lúc cũng xảy ra tình trạng như vậy. Song người biên soạn SGK phải có chính kiến và đôi lúc có sự bảo thủ riêng của mình. Sau những lần biên soạn, chỉnh sửa lớn, trong quá trình sử dụng sách mỗi năm chúng tôi đều có họp xem xét để chỉnh sửa cho phù hợp nhưng luôn tuân thủ nguyên tắc việc chỉnh sửa chỉ vài từ, vài câu, nói chung là không lớn để tránh việc phải mua sách mới”.
Liệu có nên thay đổi đoạn kết trong truyện cổ tích Tấm Cám như SGK Ngữ Văn 10. Ý kiến của độc giả xung quanh vấn đề này xin gửi vào ô thảo luận cuối bài viết?
Nói về việc thay đổi này, GS Luận cho rằng việc đó không hề xuất phát từ cá nhân mà có sự trao đi đổi lại việc lấy dị bản của Chu Xuân Diên hay Nguyễn Đổng Chi. Truyện Tấm Cám có nhiều dị bản nhưng đều chung chi tiết trả thù, “làm mắm”. Sau khi trao đi đổi lại với GS. Trần Đình Sử và Chủ tịch Hội đồng biên soạn SGK là GS. Nguyễn Minh Thuyết cũng đã bàn bạc, tính toán thế nào có lợi và cuối cùng vẫn quyết định như vậy.
Trước nhiều ý kiến thay vì việc sửa đoạn kết, ta có thể lựa chọn một câu chuyện cổ tích Việt Nam khác phù hợp hơn, GS Phan Trọng Luận vẫn khẳng định: “Tấm Cám là truyện cổ tích tiêu biểu nhất”.
Đối với sự thay đổi này, GS Luận cũng thừa nhận: “Về tổng thể của truyện thì không thay đổi, nhưng phải thừa nhận rằng tính “tận cùng” của thi pháp cổ tích cũng không giữ được nguyên vẹn, nó phá vỡ tính điển hình của thể loại này”.
Trước sức ép của dư luận, nhiều người cho rằng những người làm sách giáo khoa sẽ rơi vào tình trạng “đẽo cày giữa đường”, nhưng GS Luận vẫn quả quyết:” Đôi lúc cũng xảy ra tình trạng như vậy. Song người biên soạn SGK phải có chính kiến và đôi lúc có sự bảo thủ riêng của mình. Sau những lần biên soạn, chỉnh sửa lớn, trong quá trình sử dụng sách mỗi năm chúng tôi đều có họp xem xét để chỉnh sửa cho phù hợp nhưng luôn tuân thủ nguyên tắc việc chỉnh sửa chỉ vài từ, vài câu, nói chung là không lớn để tránh việc phải mua sách mới”.
Liệu có nên thay đổi đoạn kết trong truyện cổ tích Tấm Cám như SGK Ngữ Văn 10. Ý kiến của độc giả xung quanh vấn đề này xin gửi vào ô thảo luận cuối bài viết?
Khởi Nguyên
Bình luận