• Zalo

GS Phạm Tất Dong: ‘Thấy con người ta vào đại học mà con mình làm thợ thì không được'

Giáo dụcThứ Bảy, 21/04/2018 11:36:00 +07:00Google News

GS Phạm Tất Dong chỉ ra tâm lý nhiều phụ huynh thấy con người ta vào đại học mà con mình làm thợ thì không được, hay con mình thiểu năng về trí tuệ nhưng lại muốn sánh ngang với học sinh bình thường.

Tỷ lệ học sinh tự tử do áp lực học hành từ phía gia đình, nhà trường đang ngày một tăng. Gần đây nhất, sự việc đau lòng xảy ra ở trường Nguyễn Khuyến khiến ai cũng đau lòng, xót xa và khiến phụ huynh lo lắng.

Trả lời VTC News, GS.TS Phạm Tất Dong - Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam khẳng định học sinh là nạn nhân áp lực vô lối của người lớn.

tienphong

 GS.TS Phạm Tất Dong. (Ảnh: Tiền phong)

- Cả nước xảy ra nhiều vụ học sinh tự tử, phần lớn là do áp lực học tập từ phía gia đình, thưa ông?

Trước hết, học sinh là nạn nhân của áp lực vô lối của người lớn. Tuy nhiên, không chỉ học sinh, người lớn và nhà trường cũng là một nạn nhân.

Theo đó, từ trên yêu cầu nhà trường không có học sinh yếu kém, lúc này nhà trường phải thi đua. Nếu không đạt được là trừ điểm. Sức ép này khiến nhà trường chỉ lo đốc thúc học sinh phải học, không để tâm đến những việc khác.

Như vậy, thi đua lấy số học sinh đạt điểm cao nên bắt học sinh phải học, dẫn đến áp lực, căng thẳng, đó là sức ép.

Cha mẹ tạo sức ép vì nghề nghiệp của con cái trong tương lai, cứ nghĩ học thật giỏi mới kiếm được việc làm. Có thể khẳng định, sức ép nghề nghiệp cũng tạo áp lực cho con cái.

- Và học sinh lại thường tìm đến cái chết khi không chịu được những sức ép đó?

tienphong-0429184 3

 

Nhiều gia đình thấy con người ta vào đại học mà con mình làm thợ thì không được, hay con mình thiểu năng về trí tuệ nhưng lại muốn sánh ngang với học sinh bình thường, học sinh giỏi, thậm chí con học kém cũng muốn cho vào học trường chuyên.

GS.TS Phạm Tất Dong

Theo tôi, có nhiều nguyên nhân khiến học sinh tìm đến cái chết. Có thể do thi đua, chạy theo thành tích.

Thứ 2, là việc bố mẹ tìm kiếm việc làm cho con cái.

Thứ ba, vấn đề thi cử quá nặng nề.

Cuối cùng, tâm lý gia đình là không muốn con mình thua kém con nhà người khác.

Nhiều gia đình thấy con người ta vào đại học mà con mình làm thợ thì không được, hay con mình thiểu năng về trí tuệ nhưng lại muốn sánh ngang với học sinh bình thường, học sinh giỏi, thậm chí con học kém cũng muốn cho vào học trường chuyên.

Chính những điều này đã tạo áp lực cho con cái họ. Vừa chịu áp lực của xã hội vừa chịu áp lực của gia đình khiến tâm lý các em rơi vào tình trạng bất ổn.

Tôi khẳng định, lỗi cơ bản nhất ở đây là từ hoạch định chính sách. Nếu hoạch định chính sách đúng thì học sinh không căng thẳng như vậy. Nguy hiểm nhất là nền giáo dục loại trừ, tức là loại trừ học sinh này, học sinh kia mà không tạo cơ hội cho các cháu.

Năm nào cũng khen kỳ thi năm nay hay lắm nhưng sang năm lại đổi mới, như vậy, việc đổi mới khiến học sinh, phụ huynh chưa kịp nắm rõ quy định cũ thì đã phải chạy theo, tìm hiểu quy định mới đến mệt nhoài, chỉ như vậy thôi đã đủ làm khốn khổ con người ta rồi.

Một nguyên nhân nữa đó là người lớn không hiểu tâm lý con người, nhất là tâm sinh lý đứa trẻ, bất chấp nhu cầu cho sự phát triển của chúng. Việc áp đặt, bắt chúng phải làm những việc không phù hợp khả năng là trái quy luật.

- Biểu hiện của học sinh khi bị áp lực, căng thẳng như thế nào, thưa ông?

Học sinh mệt mỏi, căng thẳng thường có biểu hiện như đứa trẻ luôn luôn cảm thấy mệt và nhọc. 

Thứ hai, trẻ gật gù, uể oải, luôn muốn ngủ.

Thứ ba, thể lực trẻ giảm sút vì không vận động thể dục thể thao. Người lớn phải hiểu đứa trẻ rất dễ ốm yếu vì có thể không ra ngoài trời, không vận, không phải là đứa phát triển toàn diện.

Tôi cho rằng, học sinh áp lực, căng thẳng thường dẫn đến trầm cảm, bướng bỉnh,... hay tìm đến cái chết vì không chịu được đến trường thì bị giáo viên mắng, về nhà lại cha mẹ áp đặt, cằn nhằn.

Trẻ ở giai đoạn từ 10 tuổi trở đi là tuổi muốn khẳng định mình, nhưng người lớn thường vẫn coi vẫn là trẻ con, áp đặt nhiều thứ khiến trẻ phản ứng tiêu cực.

apluc

 Áp lực học hành, từ gia đình, nhà trường khiến ngày càng nhiều học sinh tự tử.

(Ảnh minh họa)

- Nên chăng đẩy mạnh việc dạy kỹ năng sống cho học sinh để các em đủ bản lĩnh ứng phó với những vấn đề trong cuộc sống, không rơi vào tình trạng căng thẳng dẫn đến trầm cảm, hạn chế tối đa những việc đáng buồn? 

Muốn một đứa trẻ học tốt, theo tôi phải có những kết hợp những điều sau: Đầu tiên, phải kết hợp giữa học với hành. Nếu học lý thuyết không thôi thì không đủ, phải như vậy mới biến hiểu biết thành tri thức của mình.

Thứ hai, học phải kết hợp với nghỉ. Ở đây, học phải kết hợp vui chơi với giải trí vì bộ óc làm việc có hạn, não mệt mỏi thì phản ứng lại. Đa số những đứa trẻ phải học tập căng thẳng rơi vào tình trạng thiếu ngủ.

Thứ ba, phải kết hợp học với các hoạt động xã hội, có bài học về cuộc sống.

Thứ tư, học phải có thể dục thể thao, vì như vậy tâm lý mới thoải mái học tập.

- Xin cảm ơn ông!

Video: Nam sinh trường Nguyễn Khuyến nhảy lầu tự tử tại trường học

Lưu Ly
Bình luận
vtcnews.vn