• Zalo

GS Nguyễn Mại: Nghĩ về độc lập dân tộc trong thế giới hiện đại

Kinh tếThứ Bảy, 02/09/2017 09:55:00 +07:00Google News

Xây dựng kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế không những đã gắn kết Việt Nam với khu vực và thế giới mà còn làm cho vị thế của nước ta trong khu vực ASEAN, ở Châu Á và trên thế giới được nâng cao

Nhân dịp Quốc khánh, Báo điện tử xin giới thiệu góc nhìn của Giáo sư TSKH Nguyễn Mại về vấn đề độc lập dân tộc trong thế giới hiện đại.

"Công cuộc đổi mới theo kinh tế thị trường từ năm 1986 không những đã đoạn tuyệt cơ chế kế hoạch hóa tập trung, kém hiệu quả, đưa nền kinh tế nước ta tiến lên với tốc độ cao và ổn định, mà còn hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và thế giới, hình thành một nước Việt Nam đang hướng đến mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển trong Cộng đồng ASEAN, ở Châu Á và trên thế giới.

gstskh-nguyen-mai_xajv

Giáo sư TSKH Nguyễn Mại 

Mối quan hệ lịch sử của các sự kiện và giai đoạn phát triển của Việt Nam gắn bó hữu cơ, tác động qua lại với xu thế tiến hóa của thời đại là vấn đề có tính quy luật, bởi vì nước ta là bộ phận của thế giới, muốn làm bạn với các nước khác trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Độc lập dân tộc trong thế giới hiện đại

Giành được độc lập về chính trị là điều kiện tiền đề xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ. Ngược lại, sức mạnh kinh tế của quốc gia là điều kiện bảo đảm độc lập về chính trị, bởi vì một đất nước thu nhập thấp, thường xuyên phải dựa vào viện trợ quốc tế thì khó có thể giữ vững được độc lập về chính trị.

Trong điều kiện thế giới đang biến đổi nhanh chóng theo xu thế toàn cầu hóa, mỗi quốc gia phải hội nhập kinh tế quốc tế theo lộ trình hợp lý nhằm khai thác lợi thế động của từng nước để phát triển nền kinh tế độc lập, từng bước nâng cao vị thế của đất nước trong khu vực và trên thế giới.

Trên cơ sở đó cần lựa chọn ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển trong từng giai đoạn, có chính sách và cơ chế hiệu năng khai thác mọi nguồn lực trong nước và quốc tế để đạt được các mục tiêu kinh tế - xã hội theo hướng tốc độ tăng trưởng cao và có hiệu quả kinh tế- xã hội, phát triển bền vững.

Liên quan đến độc lập tự chủ của từng nước là sức mạnh quốc gia. Vị thế của mỗi nước trong khu vực và trên thế giới được xác định trên cơ sở sức mạnh quốc gia của nước đó. Những biến số quan trọng của sức mạnh quốc gia gồm dân số, nguồn nhân lực, sức mạnh kinh tế, độ phức tạp về công nghệ, tiềm lực quân sự.

GDP là chỉ tiêu quan trọng và tổng hợp nhưng không phản ảnh đầy đủ sức mạnh kinh tế của mỗi quốc gia, do vậy phải bổ sung những biến số khác như cơ cấu kinh tế, nguồn nhân lực, trình độ công nghệ.

Trong thế giới hiện đại, hệ thống giáo dục có chất lượng cao đào tạo những người lao động có ý tưởng sáng tạo, tiếp cận công nghệ hiện đại để tạo ra hàng hóa, dịch vụ tốt nhất cho xã hội và năng lực nghiên cứu và phát triển công nghệ là hai yếu tố quyết định đối với sức mạnh quốc gia.

Độc lập của đất nước chỉ có thể được bảo đảm khi Nhà nước đề ra được đường lối, chiến lược phát triển khả dĩ khai thác được sức mạnh quốc gia, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng trưởng kinh tế với tốc độ nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, cảnh báo sớm và có đủ cơ chế, nguồn lực đối phó được với rủi ro trong kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Trong 72 năm từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến nay, 30 năm (1945- 1975) đất nước trong tình trạng chiến tranh, chia cắt làm hai miền, 10 năm sau khi thống nhất tổ quốc (1976-1986) do sai lầm về cơ chế quản lý kinh tế nên đã không tận dụng được lợi thế của dân tộc để xây dựng kinh tế trong hòa bình, ba năm tiếp theo (1988- 1990) mới vượt qua được cuộc khủng hoảng kinh tế- xã hội nghiêm trọng đến mức “cả nước làm không đủ ăn”.

Nhưng từ năm 1991, bắt đầu giai đoạn phát triển theo kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, đến nay gần 27 năm, đã có những biến đổi to lớn về kinh tế- xã hội.

Từ 2011 nước ta đã gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình thấp, năm 2016 GDP đạt 221,5 tỷ USD, GDP/người đạt 2400 USD, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,4 tuổi, 95% dân số từ 15 tuổi trở lên biết chữ, cơ cấu kinh tế đã dịch chuyển theo hướng công nghiệp hóa hiện đại.

Nếu như năm 1986 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa chỉ là 789 triệu USD, thì năm 2016 đã đạt trên 170 tỷ USD. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một động lực chính phát triển kinh tế của Việt Nam; vốn FDI thực hiện năm 2016 đạt 15,8 tỷ USD chiếm 23,4% tổng vốn đầu tư xã hội.

Xây dựng kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế không những đã gắn kết Việt Nam với khu vực và thế giới mà còn làm cho vị thế của nước ta trong khu vực ASEAN, ở Châu Á và trên thế giới đã được nâng cao, trở thành đối tác đáng tin cậy của nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế.

Tiến cùng thời đại

Đất nước đang tiến vào ba năm cuối của chiến lược phát triển 2011- 2020 và định hướng mục tiêu kinh tế- xã hội đến năm 2025 và 2030 trong điều kiện vừa phải giải bài toán của một nước đang trong giai đoạn đầu công nghiệp hóa như xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường...; vừa phải tiến cùng thời đại mà đặc trưng là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bắt đầu từ buổi bình minh của thiên niên kỷ thứ hai của nhân loại.

Giáo sư Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn kinh tế thế giới vừa cho ra mắt cuốn sách “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” trong đó trình bày những điểm khác biệt của cuộc cách mạng này so với ba cuộc cách mạng trước đó.

Ông cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có tiềm năng kết nối hàng tỷ người trên thế giới, gia tăng đáng kể hiệu quả hoạt động cho các tổ chức, doanh nghiệp, tái tạo các nguồn tài nguyên thiên nhiên hay thậm chí là khôi phục lại những tổn thất mà các cuộc cách mạng công nghiệp trước gây ra.

Ông chỉ ra mối lo ngại về khả năng các tổ chức, doanh nghiệp có thể chưa sẵn sàng đón nhận các công nghệ tối tân hay các chính phủ sẽ gặp khó trong việc tuyển dụng người cũng như quản lý các công nghệ này một cách toàn diện.

Ông đề cập đến việc công nghệ mới sẽ dẫn đến những thay đổi về quyền lực, gây ra lo ngại về an ninh cũng như về khoảng cách giàu nghèo. Khoảng cách này có lẽ sẽ nới rộng thêm nếu không được kiểm soát tốt.

Nếu như đối với ba cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, Việt Nam chưa có điều kiện nghiên cứu để vận dụng vào sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, thì cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra cơ hội mới để nước ta chủ động tham gia vào quá trình biến đổi to lớn về công nghệ theo những hướng mới, kéo theo biến đổi cơ bản mọi hoạt động từ quản lý nhà nước đến kinh doanh của doanh nghiệp và sự tham gia của công jđồng dân cư thông qua kỹ thuật số.

Video: Quân đội làm kinh tế - Nên hay không nên?

Lựa chọn phân ngành, lĩnh vực của công nghệ mới để tập trung vốn, nhân lực và công nghệ trong điều kiện quá trình đổi mới công nghệ diễn ra nhanh chóng, là điều kiện tiên quyết để tận dụng được lợi thế động của đất nước trong thế giới hiện đại. Điều đó chỉ có thể thực hiện được khi tập hợp được trí tuệ của các nhà khoa học Việt Nam ở trong nước và cư trú ở nước ngoài để tư vấn cho Chính phủ các định hướng được lựa chọn.

Trên cơ sở đó đổi mới cơ chế, chính sách, tổ chức khoa học theo hướng tự chủ, hợp tác có hiệu quả giữa các tổ chức khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; khuyến khích doanh nghiệp thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển, đổi mới công nghệ để triển khai nhanh chóng và rộng khắp các công nghệ mới; áp dụng chính sách ưu đãi và cơ chế khuyến khích đối với cá nhân, tổ chức hoàn thành các nghiên cứu sáng tạo về công nghệ. Mở rộng hợp tác quốc tế trong việc nghiên cứu công nghệ và chuyển giao công nghệ.

Việc tham gia chủ động vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội lớn để nước ta có thể đuổi kịp trình độ phát triển của những nước tiền tiến trong khu vực, đòi hỏi thay đổi căn bản tư duy và hành động từ hình thành thể chế, pháp luật của nhà nước đến quản trị doanh nghiệp theo hướng khuyến khích, tạo điều kiện thuân lợi để mọi ý tưởng mới, sáng kiến, phát minh được thực hiện và được đánh giá chính xác, áp dụng phổ cập trong xã hội.

Môi trường tự do, dân chủ thực chất cần được tạo ra để những tài năng của đất nước có thể phát huy năng lực trí tuệ vào việc phát minh, sáng chế, đổi mới công nghệ. Tự do vốn là bản năng của con người cũng như của sinh vật, trong khi dân chủ cần phải được học tập từ người dân cho đến công chức và các nhà lãnh đạo đất nước; bởi vì việc đối xử trong các quan hệ như lãnh đạo với bị lãnh đạo, công chức với doanh nghiệp và người dân đều phải có chuẩn mực dựa trên tinh thần lấy dân làm gốc với tư cách là công dân và cộng đồng dân cư.

Không tạo ra được môi trường tự do, dân chủ thực chất thì khó mà phát huy được nguồn lực vô tận về trí tuệ của dân tộc ta trong cuộc cách mạng 4.0 để đem lại hạnh phúc cho nhân dân và tạo ra sức mạnh của đất nước.

(Nguồn: vietnamfinance.vn)
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn