Chuỗi tọa đàm chuyên sâu của Diễn đàn mô phỏng Nghị viện trẻ vừa kết thúc với tọa đàm văn hóa về chính sách quảng bá văn hóa Việt Nam.
Tọa đàm “Xây dựng chính sách quảng bá văn hóa Việt Nam ra Đông Nam Á, Châu Á và thế giới" có sự tham gia của hơn 100 sinh viên đến từ các trường đại học trên địa bàn Hà Nội cùng các giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia về lĩnh vực văn hóa Việt Nam.
Vấn đề được các diễn giả và các bạn “Nghị sĩ trẻ” nêu ra tranh luận trong suốt chương trình là thái độ hờ hững, không hứng thú với văn hóa dân tộc của đa số các bạn trẻ hiện nay.
Nhiều người trẻ rất am hiểu văn hóa, lịch sử của các quốc gia khác nhưng hoàn toàn thiếu kiến thức khi được hỏi về những điều cơ bản của văn hóa Việt Nam.
Nguyễn Tiến Phát, sinh viên Học viện Báo chí – Tuyên truyền chia sẻ: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự xuống cấp về văn hóa dân tộc của một bộ phận các bạn trẻ. Thứ nhất, toàn cầu hoá là xu thế hội nhập dù tốt nhưng cũng du nhập vào nước ta những nền văn hóa khác làm sai lệch đi cách hiểu của các bạn trẻ về văn hoá Á Đông xưa. Bên cạnh đó, công tác giáo dục vẫn còn hạn chế khi tập trung nhiều vào kiến thức học thuật, dạy về văn hoá chưa đúng, chưa đủ. Khác với câu nói" Tiên học lễ, hậu học văn" thì có vẻ như chúng ta đang đi ngược lại".
Hầu hết các bạn sinh viên tham gia diễn đàn đều cho rằng giới trẻ hiện nay đang quay lưng với văn hóa dân tộc, ngày càng xa rời bản sắc văn hóa của nước ta. Biểu hiện rõ ràng nhất chính là sự hờ hững với các tin tức, hoạt động văn hóa trong nước, tiếp xúc văn hóa một cách thụ động, máy móc.
Trong khi giới trẻ là động lực phát triển, là những người đi tiên phong trong việc quảng bá văn hoá Việt Nam đến bạn bè thế giới. Giới trẻ là những người tiếp xúc nhiều nhất với thế giới, từ thế giới thực cho đến thế giới ảo họ luôn những người cập nhật thông tin nhanh nhất, đó chính là ưu điểm cốt lõi để người Việt trẻ có thể hiểu được văn hoá du lịch Việt Nam cần gì để phù hợp với xu hướng của bè bạn quốc tế. Mỗi người trẻ chính là một đại sứ văn hóa giới thiệu văn hoá Việt tới nhân loại.
Phát biểu tại diễn đàn, giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho rằng: “Người làm Văn hóa phải làm hình ảnh điển hình, cần đem tâm hồn người Việt truyền đạt ra thế giới, làm sao để người ta yêu quý, thân thiện, đừng để nghĩ đến Việt Nam người ta chỉ nghĩ đến chiến tranh. Phải làm sao để biểu đạt được tâm hồn Việt Nam ra thế giới thật đẹp, thật đáng yêu”.
Ông Dũng cũng nhận định, giới trẻ hiện nay không thích văn hóa dân tộc là lỗi ở người lớn chứ không phải ở giới trẻ.
PGS Bùi Hoài Sơn, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam chia sẻ: “Trong bối cảnh mới, giới trẻ không chỉ cần có những đức tính thể hiện chúng ta là người Việt Nam mà hơn thế nữa còn thể hiện chúng ta là một công dân toàn cầu. Việt Nam cần linh động hơn trong việc quảng bá văn hóa dân tộc. Chúng ta cần hiểu rằng thị hiếu mỗi nước khác nhau thì mình cần đưa đến những điểm khác nhau thay vì đi đến đâu cũng là nón lá, là rối nước".
Cũng có cùng quan điểm này, chị Nguyễn Thị Lệ Quyên - Thư ký dự án, Quỹ Văn hóa Hà Nội cho rằng trong vấn đề quảng bá văn hóa sẽ gặp yêu cầu giữ gìn và ngược lại, hai cái đó song song với nhau.
Văn hóa luôn là sự biến đổi, để giữ nguyên trạng như một thời điểm nào đó đã là rất khó rồi, vì vậy ưu tiên và giữ gìn văn hóa cần làm song song với nhau.
Bên cạnh ý kiến các chuyên gia, nhiều bạn trẻ cho rằng, để giữ gìn các giá trị văn hóa dân tộc, cần đổi mới việc truyền tải kiến thức văn hóa trong hệ thống giáo dục nhà trường. Nếu làm tốt, tự các bạn trẻ sẽ tự tìm đến với kho tàng tinh hoa văn hóa từ ngàn đời xưa mà cha ông để lại.
Bình luận