• Zalo

GS Ngô Bảo Châu: Vụ Đồi Ngô chưa từng có trong lịch sử

Giáo dụcThứ Năm, 14/03/2013 06:01:00 +07:00Google News

(VTC News)- “Đây là một sự việc đặc biệt khi thí sinh lại quay phim giám thị vi phạm quy chế thi - một điều theo tôi biết chưa từng có tiền lệ trong lịch sử..."

(VTC News)- “Đây là một sự việc đặc biệt khi thí sinh lại quay phim giám thị vi phạm quy chế thi - một điều theo tôi biết chưa từng có tiền lệ trong lịch sử loài người”, GS Ngô Bảo Châu chia sẻ.

Vụ Đồi Ngô chưa từng có trong lịch sử

Chiều 13/3, GS Ngô Bảo Châu đã có bài thuyết trình về về phương pháp học tập tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội trước hàng nghìn sinh viên Thủ đô.

Trong bài nói, GS Ngô Bảo Châu đã nhắc lại sự kiện gian lận thi cử tại trường THPT Dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang) như là một sự kiện “chưa từng có tiền lệ trong lịch sử”.
 GS Ngô Bảo Châu đã nhắc lại sự kiện gian lận thi cử tại trường THPT Dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang) như là một sự kiện “chưa từng có tiền lệ trong lịch sử”. (Ảnh: Phạm Thịnh)

GS Ngô Bảo Châu cho rằng một tập thể học tập cũng giống như một “cuộc chơi”, đều phải có “luật chơi” lành mạnh. Trong cuộc chơi đó, chính sự cạnh tranh sẽ tạo ra nỗ lực để mỗi người tự vượt lên chính mình. Cuộc chơi nào cũng cần phải có trọng tài điều khiển và nắm luật lệ.

Để minh chứng cho điều này, GS Ngô Bảo Châu đã nhận xét về vụ gian lận thi cử tại Đồi Ngô: “Đây là một sự kiện đặc biệt khi thí sinh lại quay phim giám thị vi phạm quy chế thi - một điều theo tôi biết chưa từng có tiền lệ trong lịch sử loài người”.

 

Đây là một sự kiện đặc biệt khi thí sinh lại quay phim giám thị vi phạm quy chế thi - một điều theo tôi biết chưa từng có tiền lệ trong lịch sử loài người

GS Ngô Bảo Châu
 
Ông cũng cho rằng, sự việc đó thực sự là câu chuyện rất buồn và cũng là hồi chuông cảnh tỉnh về mức độ tha hóa của hệ thống.


“Hãy khoan quy trách nhiệm cho một cơ quan, một cá nhân mà cần bình tâm suy nghĩ bởi để sự việc xảy ra cần có sự can thiệp của rất nhiều người từ trung ương đến địa phương, trong và ngoài nền giáo dục đã không tuân thủ luật chơi”. GS Ngô Bảo Châu nhận định.

Sự việc này theo GS Ngô Bảo Châu chính là điều không đáng có khi “Kết quả kỳ thi tốt nghiệp đáng ra phải được thực hiện nghiêm túc, đánh dấu quá trình lao động, học tập của học sinh lại trở thành một trò đùa, một trò đùa mà chúng ta muốn khóc”.

Qua câu chuyện về vụ việc gian lận thi cử tại Đồi Ngô, GS Ngô Bảo Châu cho rằng học sinh cần phải có sự trung thực trong học tập, giáo dục. Hành vi này khó học được trong sách vở nhưng lại hình thành trong chính cuộc sống hàng ngày.

GS Ngô Bảo Châu không quên nhấn mạnh: “Như vậy, chính bản thân người lớn cần phải trung thực trước, từ đó mới có thể trở thành tấm gương tốt cho thế hệ trẻ noi theo”.

Hiện nay, rất nhiều nhà trường ở Việt Nam đề cao việc dạy kỹ năng sống cho học sinh. Tuy nhiên, GS Ngô Bảo Châu lại cho rằng trẻ chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ phía gia đình.

Vị giáo sư này cho rằng việc học chính là việc tiếp thu các giá trị cốt lõi của nhân loại. Việc học làm người theo nghĩa hẹp chính là học kỹ năng sống, học nghệ thuật sống và các hành vi văn minh.

GS Ngô Bảo Châu quan niệm rằng, trẻ em bị ảnh hưởng nhiều từ hành vi của người lớn trong gia đình. Ông cũng lấy ví dụ từ chính bản thân gia đình mình: “Vợ chồng tôi ít xem vô tuyến, vì vậy con cái của chúng tôi cũng không xem.

Nếu có thời gian rảnh thì chúng thường thích đọc sách hơn. Như vậy có thể thấy người lớn cư xử hôm nay như thế nào thì trẻ em sẽ có hành vi như vậy. Nếu người lớn có hành vi đúng thì trẻ không cần học kỹ năng sống mà vẫn có thể tạo được nhân cách tốt”.


GS Ngô Bảo Châu đưa ra ví dụ, ở Thái Lan các gia đình thường cho con mình vào chùa sống một thời gian ngắn. Trong đó, các em nhỏ sẽ học được nhiều đức tính tốt. Điều đó sẽ tạo nên sự ngăn nắp, gọn gàng ngay cả trong những gia đình nghèo.
Hàng nghìn sinh viên Thủ đô chăm chú lắng nghe GS Ngô Bảo Châu thuyết trình chiều 13/3 (Ảnh: Phạm Thịnh) 
Không thể học một mình

Để giúp các em học sinh, sinh viên có thái độ đúng đắn với việc học, GS Ngô Bảo Châu  nhấn mạnh vai trò của việc học tập tại trường lớp.

 

Nếu người lớn có hành vi đúng thì trẻ không cần học kỹ năng sống mà vẫn có thể tạo được nhân cách tốt

GS Ngô Bảo Châu
 
“Dù bạn có được cung cấp mọi tài liệu thì cũng không thể học tập mà chỉ có một mình. Bởi đây là hoạt động tập thể có tổ chức, thiếu điều đó con người không có khả năng duy trì nội lực của mình lâu dài, và nhanh chóng lạc vào thế giới chủ quan – con đường dẫn đến sự bế tắc”.


GS Ngô Bảo Châu quan niệm, trong việc học nếu chúng ta không có đồng đội, lộ trình, giải thưởng, mục tiêu thì bạn có thể tập trung cao độ 1- 2 ngày đến 1 tuần nhưng không thể kéo dài quá lâu.

“Muốn duy trì việc học chúng ta vẫn cần có tập thể, thầy cô giáo, có lớp học”. GS Ngô Bảo Châu chia sẻ kinh nghiệm.

Ông cũng kể rằng: “Mặc dù không ai kiểm soát nhưng tôi luôn đi làm đúng giờ, thường xuyên gặp gỡ với các sinh viên của mình và nghe các bạn báo cáo tình hình nghiên cứu, học tập”.

Điều này sẽ khiến các sinh viên luôn phải tư duy, tìm tòi sáng tạo để nghĩ ra những hướng giải quyết sự việc trong mỗi lần gặp thầy ở trên lớp.

“Các bạn hoàn toàn có thể cùng nhau học tập, trao đổi những kiến thức, tài liệu phong phú trên mạng. Các giáo viên cũng không phải giảng cả buổi mà có thể cho sinh viên xem trước bài giảng trên mạng, sau đó dành thời gian để giải thích thêm, trả lời những thắc mắc và hướng dẫn các bạn làm bài tập, cuối cùng là tổ chức một kỳ thi nghiêm túc”. GS Ngô Bảo Châu gợi ý cho các bạn sinh viên Việt Nam.

Phạm Thịnh

Bình luận
vtcnews.vn