• Zalo

GS Ngô Bảo Châu: ‘Thầy cô dạy theo đúng SGK, học sinh không thể yêu Lịch sử’

Giáo dụcThứ Ba, 15/12/2015 01:16:00 +07:00Google News

GS Ngô Bảo Châu cho biết nếu các giáo viên giữ cách dạy theo đúng sách giáo khoa thì sẽ không thể truyền được cho học sinh tình yêu đối với môn Lịch sử.

(VTC News) – GS Ngô Bảo Châu cho biết nếu các giáo viên giữ cách dạy theo đúng sách giáo khoa thì sẽ không thể truyền được cho học sinh tình yêu đối với môn Lịch sử.

Chiều 14/12, trong buổi giao lưu với học sinh, sinh viên tại ĐH Vinh (Nghệ An), GS Ngô Bảo Châu đã không chỉ chia sẻ các câu chuyện về Toán học mà còn nhiều vấn đề giáo dục đang được tranh luận.
GS Ngô Bảo Châu (Ảnh: Đỗ Quyên)
GS Ngô Bảo Châu (Ảnh: Đỗ Quyên) 
Không chỉ gói gọn trong các vấn đề Toán học, một học sinh THPT chuyên ĐH Vinh đã đặt câu hỏi cho GS Ngô Bảo Châu xung quanh cách dạy và học môn Lịch sử ở Việt Nam hiện nay.

“Gần đây dư luận có nói về việc học sinh Việt Nam học rất kém môn Lịch sử. Em nghĩ môn Lịch sử là một trong những bộ môn rất quan trọng, giáo sư nghĩ thế nào về phương pháp dạy và làm thế nào để học sinh yêu môn này hơn?”, một nam sinh đặt câu hỏi.


GS Ngô Bảo Châu cũng bày tỏ sự quan tâm của bản thân ông đối với vấn đề nóng đang đang được dư luận đặc biệt quan tâm.

GS Châu cũng chia sẻ câu chuyện về việc dạy và học môn Lịch sử đã kéo dài từ nhiều năm. Cách đây 3 – 4 năm, vấn đề học môn Lịch sử và khơi dậy tình yêu môn Lịch sử trong học sinh đã trở thành một vấn đề nóng thu hút sự quan tâm của dư luận.

“Lúc đó tôi cũng tò mò lật từng trang sách giáo khoa của môn Lịch sử.  Quả thực, tôi không biết chương trình sách giáo khoa Lịch sử đã hình thành cách đây bao nhiêu năm.

Nếu mà thầy cô giáo dạy đúng như sách giáo khoa thì không có cách nào để học sinh nước ta yêu môn Lịch sử.  Điều đó rất là khó”, GS Ngô Bảo Châu chia sẻ.
GS Ngô Bảo Châu đã chỉ ra nhiều bất cập trong sách giáo khoa Lịch sử hiện nay
GS Ngô Bảo Châu đã chỉ ra nhiều bất cập trong sách giáo khoa Lịch sử hiện nay 

Đối với nội dung được trình bày trong sách giáo khoa, cách dạy sẽ rất khô khan và nặng nhiều về con số.

“Trong khi đó, môn Lịch sử là môn có rất nhiều tư liệu để cho các thầy cô giáo và học sinh thảo luận. Đối với các sự kiện A, B, C thì cần giải thích như thế nào. Điều gì là xâu chuỗi các sự kiện ấy. Mỗi người sẽ có một cách lập luận, giải thích khác", GS Ngô Bảo Châu nói.

Ông cho rằng đối với một vấn đề xã hội thì không chỉ có một cách giải thích tuyệt đối đúng. Mỗi người sẽ có những lập luận, giải thích riêng cho từng sự việc.

Clip Lịch sử "Công - tội nhà Nguyễn" do các bạn sinh viên ĐH Sư phạm Hà Nội thể hiện đầy sáng tạo

Vị giáo sư Việt Nam từng giành giải thưởng Fields cho rằng với  cuốn sách giáo khoa Lịch sử mà ông đã đọc cách đây 4-5 năm chỉ thuần túy là các sự kiện, các con số về các trận chiến với bao nhiêu người chết…

“Rất ít những cái bình luận về các sự kiện. Chúng ta không cảm thấy một cuộc sống sinh tồn của con người từ thời kỳ tiền sử đến bây giờ. Không thấy được sự phát triển của nhân loại, sự phát triển của dân tộc, của đất nước như thế nào”, GS Ngô Bảo Châu bày tỏ.

Bằng những trải nghiệm của bản thân ở rất nhiều nền giáo dục khác nhau, GS Ngô Bảo Châu khẳng định vai trò to lớn của môn Lịch sử.

“Tôi nghĩ môn Lịch sử là vô cùng quan trọng”, GS Ngô Bảo Châu nói.

Ông cũng cho rằng học Lịch sử để hình thành nhân cách con người. Môn học này ở các nước Phương Tây gọi là môn Nhân văn, là một môn học tích hợp.

Các em học sinh sẽ học được những kiến thức nhân văn qua các tác phẩm kinh điển của nhân loại, qua các câu chuyện lịch sử không chỉ của một đất nước mà của cả thế giới, qua những cuộc chiến tranh thảm khốc, qua sự dằn vặt, vươn lên của nhân loại.

“Khi một đứa trẻ được học qua môn Nhân văn đó, hiểu được sự phát triển của nhân loại thì đứa trẻ đó mới tạo cho mình một thế giới quan, nhân sinh quan vững chắc”, GS Ngô Bảo Châu kết luận.


Minh Đức

Bình luận
vtcnews.vn