• Zalo

GS Hoàng Xuân Sính: 'Thăng Long chưa phải là một trường đại học đúng nghĩa'

Giáo dụcThứ Sáu, 23/12/2016 15:18:00 +07:00Google News

GS Hoàng Xuân Sính cho rằng ĐH Thăng Long chưa phải là một trường đại học đúng nghĩa và sẽ cần thêm một thời gian để phát triển theo đúng những dự định đã đề ra.

Chia sẻ trong một buổi hội thảo mới được tổ chức, GS.Hoàng Xuân Sính - Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Thăng Long, nữ giáo sư Toán học đầu tiên của Việt Nam thẳng thắn khẳng định, hiện nay phản ứng của xã hội đối với các trường ngoài công lập vẫn còn rất nặng nề. Điều đó khiến các trường đại học rất khó có thể phát triển, ổn định.

Video: GS Hoàng Xuân Sính nói : "Hiện giờ chúng tôi chưa phải là một trường đại học"

Để hạn chế việc "suy vong", GS Hoàng Xuân Sính cho biết ban lãnh đạo ĐH Thăng Long đã đề ra, từ những năm đầu, lộ trình xây dựng nhà trường dài hạn theo mục tiêu không vị lợi nhuận.

Lộ trình này được hội đồng quản trị thống nhất. Mỗi người đã có lộ trình cứ theo quán tính, cứ theo lộ trình đó. Ban lãnh đạo đã thực hiện theo lộ trình đó. 

 
Để làm chủ tài chính và để biết mình đang ở đâu trên con đường tiến tới trở thành một trường đại học đúng với nghĩa của nó, nghĩa là khi nói chuyện với đồng nghiệp trên thế giới chúng tôi có thể nói chúng tôi là một trường đại học

GS Hoàng Xuân Sính

"Để làm chủ tài chính và để biết mình đang ở đâu trên con đường tiến tới trở thành một trường đại học đúng với nghĩa của nó, nghĩa là khi nói chuyện với đồng nghiệp trên thế giới chúng tôi có thể nói chúng tôi là một trường đại học. Tức là hiện giờ chúng tôi chưa phải là một trường đại học", GS Sính chia sẻ.

Vì vậy, lãnh đạo ĐH Thăng Long đã vạch ra một kế hoạch lâu dài trong 100 năm. Trong đó, 20 năm để xây dựng cơ sở vật chất, 40 năm cho việc xây dựng đội ngũ giảng dạy và 40 năm cho nghiên cứu khoa học.

Trên kế hoạch lâu dài đó, lãnh đạo trường đã từng bước phân bố tài chính cho từng năm, từng giai đoạn, lúc nào tiền để tập trung xây dựng trường, lúc nào là để xây dựng đội ngũ cán bộ.

"20 năm qua, chúng tôi đã xây dựng xong cơ sở vật chất ban đầu, hàng năm vẫn có xây dựng thêm thắt để đáp ứng yêu cầu dạy và học, nhưng hiện tại chúng tôi đang chuyển trọng tâm sang xây dựng đội ngũ giảng dạy. Các Hội đồng quản trị liên tiếp của ĐH Thăng Long phải nắm chắc lộ trình này để tiến tới một trường đại học theo đúng nghĩa của nó", GS Sính nhấn mạnh.

gs-hoang-xuan-sinh

 GS Hoàng Xuân Sính, Chủ tịch HĐQT của ĐH Thăng Long

Nữ giáo sư Toán học đầu tiên của Việt Nam cho rằng các trường đại học ngoài công lập muốn tuyển sinh tốt thì phải có cơ sở vật chất phải tốt, giảng viên giỏi.

Tuyển sinh là khâu quan trọng nhất, nên điều khiến các vị lãnh đạo nhà trường luôn trăn trở nhất là làm thế nào tuyển được đủ chỉ tiêu cho mỗi năm học.

“Đây là bài toán đau đầu cho mỗi trường ngoài công lập, cái giá phải trả cho tự chủ tài chính”, GS Hoàng Xuân Sinh nói.

Bà Sính nhận định con số sinh viên vào trường cho thấy rất rõ mức độ tin cậy của xã hội. Mỗi năm ĐH Thăng Long chỉ có khoảng 2.000 sinh viên mới nhập học.

"Tại sao? Hạn chế ở đâu? Chúng tôi đã tìm được câu trả lời cho trường chúng tôi: hạn chế lớn nhất do là một trường tư, và hạn chế thứ hai là thi tốt nghiệp chặt chẽ”, GS.Sính nói.

Nữ Chủ tịch HĐQT của ĐH Thăng Long chia sẻ: “Chúng tôi tạo ra những lớp tài năng có nhiều học bổng và có ngay công ăn việc làm ở những nơi mà nhiều sinh viên tốt nghiệp mơ ước, nhưng cũng chẳng có mấy hấp dẫn với cả sinh viên và nhiều phụ huynh.

Với sinh viên thì vì phải học khó hơn lớp bình thường, với bố mẹ thì vì là trường ngoài công lập, không oai như học trường công, xấu hổ với bạn đồng nghiệp vì con học trường tư. 

Hiểu biết những hạn chế của mình, nên chúng tôi càng phải bền bỉ phấn đấu, và mong thời gian sẽ giúp xã hội hiểu chúng tôi hơn, sinh viên khi ra làm việc phải sống trong môi trường sắp tới cạnh tranh khốc liệt thì mới thấy phải học giỏi mới tìm được việc tốt”.

Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn