• Zalo

GRDP quý 2 tăng trưởng nhưng chỉ số phát triển TP.HCM đứng thứ 35/63 tỉnh thành

Tin nhanh 24hThứ Năm, 01/06/2023 20:52:21 +07:00Google News
(VTC News) -

Quý 1 GRDP TP.HCM ở mức 0,7%, sang quý 2 tăng 5,87%, nhưng chỉ số phát triển chỉ đứng 35/63 tỉnh thành, nghĩa là ở mức trung bình thấp.

Chiều 1/6, TP.HCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố.

Tại họp báo, ông Trần Phước Tường, Phó Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM cho biết, tốc độ tăng trưởng GRDP của TP quý 2/2023 tăng 5,87% so với cùng kỳ. Các chỉ số công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ... đều có chỉ số tăng trưởng tốt, góp phần vào tăng trưởng chung GRDP.

GRDP quý 2 tăng trưởng nhưng chỉ số phát triển TP.HCM đứng thứ 35/63 tỉnh thành - 1

Ông Trần Phước Tường, Phó cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM. (Ảnh: Thành Nhân)

Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Thống kê TP cũng nhìn nhận, dù quý 1 GRDP ở mức 0,7%, sang quý 2 tăng đến 5,87%, nhưng thực tế nếu so với 63 tỉnh thành thì hiện tại chỉ số phát triển TP.HCM chỉ đứng thứ 35, nghĩa là ở mức trung bình thấp.

So với TP trực thuộc trung ương thì chúng ta ở mức khá thấp, ví dụ như Hà Nội đang ở mức 5,98%, Hải Phòng 10,45%. Hay so với các tỉnh miền Đông Nam Bộ thì Bình Phước ở mức 6,84%, Bình Dương 5,73%, Đồng Nai là 4,79%. Với mức độ tăng trưởng này thì so với quý 2-2022, TP chỉ cao hơn 0,15%”, ông Tường nêu dẫn chứng. 

Theo ông Tường, tổng chi ngân sách địa phương (trừ tạm ứng) 5 tháng đầu năm nay ước thực hiện 28.125 tỷ đồng, đạt 22,3% dự toán và tăng 32,8% so với cùng kỳ. Tổng chi cân đối ngân sách địa phương ước thực hiện 22.116 tỷ đồng, đạt 20,0% dự toán và tăng 9,4% so với cùng kỳ.

Về doanh thu bán lẻ hàng hóa so với tháng cùng kỳ tăng 10,6%, trong đó lương thực thực phẩm tăng 25,6%, hàng may mặc tăng 4,4%, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 6,7%, ô tô tăng 21,2%, xăng dầu tăng 8,4%.

Bên cạnh đó, sức mua của thị trường trong nước vẫn được duy trì. Tổng mức bán lẻ hàng hoá 5 tháng tăng 9,4% so cùng kỳ. Sức mua nội địa duy trì được xem là điểm sáng của nền kinh tế khi hoạt động xuất khẩu suy giảm.

Về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, từ đầu năm đến ngày 20/5, TP đã cấp phép 18.630 doanh nghiệp với vốn đăng ký đạt 178.788,2 tỷ đồng, tăng 7,9% về giấy phép và giảm 21,2% về vốn so với cùng kỳ. Trong đó, 09 ngành dịch vụ chủ yếu có 13.805 doanh nghiệp thành lập, tăng 9,3% so với cùng kỳ; vốn đăng ký đạt 110.786 tỷ đồng, giảm 35,0%.

Ông Trần Phước Tường cho biết, một trong những nguyên nhân chính giúp GRDP TP.HCM tăng trưởng là sản xuất công nghiệp có chuyển biến tích cực. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5/2023 ước tính tăng 1,51% so với tháng trước và tăng 5,45% so cùng kỳ. Đây là một trong những yếu tố thấy tăng trưởng phục hồi trở lại. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, IIP tăng 1,62% so cùng kỳ.

Đặc biệt là tình hình giải ngân vốn đầu tư công trong 5 tháng đầu năm nay đạt 9,4% theo kế hoạch Thủ tướng giao (cao hơn cùng kỳ), thể hiện sự nỗ lực lớn của chính quyền TP trong bối cảnh hiện nay. Đây là xem động lực phát triển cho nền kinh tế.  

Bên cạnh đó, lạm phát trên địa bàn TP bắt đầu giảm (chỉ số CPI tháng năm giảm 0.09% so với tháng trước); môi trường kinh doanh trên địa bàn dần được cải thiện. Trong đó, lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường là 18.243 doanh nghiệp nhưng có gần 25.100 doanh nghiệp tham gia vào thị trường.

Hoàng Thọ
Bình luận
vtcnews.vn