Vợ chồng anh Brian và chị Dayann McDonough sống tại quận North Merrick (Mỹ) có hai con mắc chứng tự kỷ là Doulass (10 tuổi) và Donovan (8 tuổi).
Cả hai học tại hai ngôi trường khác nhau trên địa bàn và từng đi lạc nhiều lần. Lo sợ con bị tổn thương và thậm chí gặp nguy hiểm, gia đình nhà McDonough đã trang bị vòng đeo GPS có tên Angel Sense để theo dõi sự an toàn của cả hai. Việc đi lạc cũng từ đó giảm đi do phát hiện sớm.
Tháng 8/2015, một người phụ nữ ở Rowlett, Texas (Mỹ) cũng cứu cô con gái 15 tuổi mắc hội chứng Asperger (một dạng hội chứng bệnh rối loạn phát triển) thông qua thiết bị theo dõi bằng GPS được tặng.
Khi đang đi dạo ở gần nhà, cô gái bị kẻ tấn công dụ dỗ vào xe hơi. Chính chiếc máy GPS báo động cho bố mẹ cô gái thông qua email và tin nhắn SMS ngay khi nhận thấy nạn nhân không đi theo lộ trình quen thuộc.
Năm 2016, một câu chuyện liên quan đến thiết bị đeo tay tích hợp GPS cứu sống cậu bé 9 tuổi cũng được lan truyền. Aiden, sống tại Satatoga Springs, Utah (Mỹ) bị bắt cóc khi đang qua hàng xóm để chơi. Trong khi kẻ bắt cóc không để ý, Aiden gọi cho bố mẹ bằng vòng đeo thông minh trên tay. Cảnh sát sau đó xác định vị trí thành công và giải cứu cậu bé an toàn.
Theo Turtler, thiết bị GPS từ lâu được các gia đình sử dụng để bảo vệ trẻ an toàn. Chúng có thể là vòng đeo thông minh (smartband), đồng hồ thông minh (smartwatch) hoặc thậm chí là tận dụng sẵn tính năng GPS có trên điện thoại thông minh (smartphone).
Nhờ khả năng nhận diện vị trí chính xác, những sản phẩm dạng này có thể giúp phụ huynh biết con em mình đang ở đâu, bằng cách truyền dữ liệu về điện thoại hoặc máy tính thông qua Internet theo thời gian thực.
Cách phổ biến nhất đối với các bậc cha mẹ là dùng thiết bị GPS để xác định vị trí của con cái khi chúng đến trường và khi trở về nhà. Thông qua vòng đeo, smartphone, phụ huynh có thể biết con mình đang ở đâu, có xa khu vực an toàn hay không, từ đó đưa ra phương án xử lý thích hợp.
Ngày nay, nhiều trường học tại Mỹ đã lắp đặt sẵn bộ định vị GPS trên xe bus, đồng thời cung cấp ứng dụng theo dõi xe từ xa cho cha mẹ học sinh. Bằng cách này, lộ trình của con cái họ luôn được cập nhật, từ đó cũng mang lại cho các bậc phụ huynh cảm giác an toàn nếu thời gian khởi hành, di duyển, dừng trạm chính xác.
Đối với các sản phẩm hỗ trợ GPS, việc phát hiện con trẻ hoặc người thân nơi đông người cũng trở nên dễ dàng hơn. Thông qua tính năng nhắn tin tức thời, đàm thoại hai chiều hoặc phím thông báo nguy hiểm (SOS), cha mẹ có thể biết được con mình đang đứng ở đâu, bị đi lạc hay gặp sự cố gì hay không bằng cách trò chuyện trực tiếp. Một số mẫu máy còn hỗ trợ tự kích hoạt ghi âm từ xa, lưu lộ trình di chuyển, lưu vùng an toàn và cảnh báo khi ra khỏi khu vực này.
Tuy vậy, việc theo dõi quá sát sao khiến không ít người lo ngại, cho rằng phụ huynh đang xâm phạm quyền riêng tư của trẻ em. Trong trường hợp vợ chồng nhà McDonough, lãnh đạo trường nơi hai bé đang học đã phản đối học sinh trang bị vòng đeo GPS và khẳng định có thể đảm bảo chúng an toàn.
Giải pháp chỉ bật máy có GPS khi di chuyển và tắt chúng khi trong trường hoặc đang học được đưa ra. Tuy nhiên, chính quyền quận North Merrick sau đó đã thay đổi luật, cho phép phụ huynh có thể đeo thiết bị cho con mình tự nguyện và không gây ảnh hưởng đến người khác.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia cho rằng các sản phẩm GPS có thể khiến trẻ mất tập trung, xao lãng chuyện học hành. Thậm chí, hacker có thể tấn công loại thiết bị này và đánh cắp dữ liệu, thay đổi thông tin, tạo thông số ảo và nhiều hành động nguy hiểm khác.
Bình luận