• Zalo

Gộp Tết ta vào Tết tây: Người phát ngôn Chính phủ nói gì?

Thời sựThứ Sáu, 03/02/2017 20:16:00 +07:00Google News

Người phát ngôn Chính phủ đã nêu quan điểm xung quanh đề xuất gộp Tết ta vào Tết tây của một số chuyên gia.

Tại buổi họp báo Chính phủ chiều 3/2, phóng viên VTC News đã đặt câu hỏi quan điểm của Chính phủ về việc gộp Tết ta vào Tết Dương lịch.

"Trước thời điểm Tết Nguyên Đán, một số chuyên gia kinh tế, nhà khoa học đã đề xuất gộp “Tết ta” vào “Tết tây”. Xin hỏi quan điểm của Chính phủ về việc này?", phóng viên báo điện tử VTC News đặt câu hỏi.

chu-nhiem-vpcp-mai-tien-d

Người phát ngôn Chính phủ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng

Người phát ngôn Chính phủ, ông Mai Tiến Dũng cho biết Chính phủ chưa nhận được báo cáo, kiến nghị của tổ chức, cá nhân nào về việc này.

"Chúng ta có Tết cổ truyền của dân tộc, và một số ngày lễ khác như 30/4, 1/5 chúng ta cũng được nghỉ theo pháp luật lao động.

Tết cổ truyền là nét đẹp văn hóa của dân tộc. Tôi cho rằng chúng ta chưa đặt vấn đề bỏ Tết này, Chính phủ cũng chưa bàn bạc vấn đề này. Chúng ta cần phải giữ những nét đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc ta", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng bày tỏ quan điểm.

Trong vài năm qua, VTC News đăng tải loạt bài gộp Tết ta vào Tết tây để Việt Nam có một cái Tết hội nhập, để không bỏ lỡ việc giao thương với nước ngoài, tránh lãng phí, trì trệ trong nhịp sống. Loạt bài đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Quan điểm của VTC News trong loạt bài là ủng hộ thay đổi mốc thời gian (gộp tết Âm lịch vào tết Dương lịch), còn những tinh hoa văn hoá truyền thống, phong tục tập quán của cha ông trong ngày Tết thì vẫn phải phải giữ lại.

Nhiều nhà khoa học, chuyên gia kinh tế đã bày tỏ quan điểm Chính phủ cần sớm có lộ trình để đưa vấn đề "gộp Tết ta vào Tết tây" ra xin ý kiến của dư luận.

Theo bạn, nên nghỉ Tết 7 ngày, 10 ngày hay gộp Tết ta vào Tết tây?

 GS Võ Tòng Xuân cho rằng đến nay chỉ có Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam là còn giữ cái Tết âm lịch trong khi các nước khác ở châu Á đã chuyển ngày nghỉ Tết truyền thống theo dương lịch.

Ông đưa ví dụ điển hình là Nhật Bản, một trong số những quốc gia giàu nhất thế giới, đã chuyển tập quán ăn Tết của Nhật sang ăn Tết theo Dương lịch từ năm 1872, 19 năm sau khi hạm đội Mỹ tiến vào hải cảng Edo (bây giờ là Tokyo) năm 1853, chưa kể rất nhiều nước châu Âu khác cũng đã áp dụng ăn Tết theo dương lịch từ đầu thế kỷ 16 và những thế kỷ tiếp sau đó.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng cần phải có lộ trình để gộp Tết ta vào Tết tây để con cháu ở nước ngoài cũng có thể về sum họp cùng gia đình trong những ngày trọng đại của một năm.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn