Gợi mở đường xuất ngoại cho rau muống Việt

Kinh tếThứ Sáu, 03/09/2010 11:24:00 +07:00

“VN có thể xuất khẩu rau muống nhưng với điều kiện các yếu tố phụ trợ phải sẵn sàng như xe tải lạnh, nhà kho lạnh”.

Ông Sugiyama Hideji, Phó Chủ tịch Shokochukin - tổ chức về tài chính, chính sách của Nhật  - nhận định: “VN có thể xuất khẩu rau muống nhưng với điều kiện các yếu tố phụ trợ phải sẵn sàng như xe tải lạnh, nhà kho lạnh”.


Ý tưởng xuất khẩu rau muống sang Nhật Bản được ông Sugiyama Hideji - Phó Chủ tịch Shokochukin, một tổ chức về tài chính, chính sách của Nhật gợi ý.

Không ai “quản” rau muống


Rau muống từ xa xưa đã hiện diện mọi lúc, mọi nơi trên đất nước VN, rau muống cũng đã trở thành món ăn truyền thống trong mỗi bữa cơm gia đình người Việt. Thế nhưng, có nhiều chuyên gia khi chúng tôi đề cập đến vấn đề thống kê diện tích, số lượng rau muống, mới chợt giật mình nhận ra: Hoá ra bấy lâu nay, chúng ta chỉ nói đến rau cải, su su, rồi su hào, cải bắp, xà lách… mà không ai quan tâm đến rau muống.

Trồng rau muống trong nhà kính ở Lâm Đồng. 

Ông Nguyễn Văn Hòa - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) thừa nhận: “Đúng là chúng tôi không có số liệu về diện tích rau muống cụ thể. Cũng bởi loài rau này… dễ trồng quá, người dân có thể trồng được ở nhiều nơi, cả trên cạn lẫn dưới nước, ở bất kỳ chỗ nào, không tập trung, nên không có ai thống kê được cả”.
Tại các nước châu Á, nhu cầu sử dụng rau muống rất lớn và là một loại thực phẩm phổ biến: Rau muống xào tỏi, đậu nành (Trung Quốc), rau muống xào hạt tiêu, ớt, tỏi, gừng, tôm khô và nhiều gia vị khác (Singapore, Malaysia, Ấn Độ).

Theo một thống kê chưa đầy đủ, chỉ riêng tại khu vực Thanh Trì (Hà Nội), diện tích trồng rau muống có khoảng 243ha với năng suất bình quân 24 tấn/ha, tổng sản lượng hàng năm ước đạt 5.832 tấn, bảo đảm cung cấp cho Hà Nội 16 tấn/ngày.

Còn ở TP. Hồ Chí Minh, hiện cũng có khoảng 1.300 hộ thuộc 12 quận, huyện canh tác rau muống nước, trên diện tích 510ha. Ở một số tỉnh khác, nông dân cũng trồng rau muống thành các vùng tập trung lớn như Vĩnh Phúc, Đà Lạt…

Ông Ngô Đại Ngọc - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết: “Diện tích rau muống của thành phố được phân bổ khắp nơi, ở đâu người dân cũng có thể trồng được rau muống. Hiện tại chúng ta mới chỉ trồng để tự tiêu thụ trong nước, còn nếu xuất khẩu được thì quá tốt. Ít ra, nó sẽ giúp nông dân nâng cao thu nhập.

Hoàn toàn có thể xuất khẩu

Về rau muống VN, ông Sugiyama Hideji nhận định: “VN có thể xuất khẩu rau muống nhưng với điều kiện các yếu tố phụ trợ phải sẵn sàng như xe tải lạnh, nhà kho lạnh”.

Có một thực trạng lớn là, mặc dù diện tích trồng rau muống rải đều trên khắp cả nước, nhưng lại chưa được quy hoạch vào các vùng sản xuất rau tập trung như những loài rau khác. Ông Bùi Sỹ Doanh- Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) khẳng định: “Nhật Bản là một thị trường kiểm soát vấn đề chất lượng vệ sinh nông sản rất chặt chẽ, vì thế nếu muốn xuất khẩu được, trước tiên phải làm quy hoạch.

Trong sản xuất rau muống có hai điểm cần đặc biệt lưu ý là phải kiểm tra được chất lượng đất và nước để trồng rau, điều đáng lưu ý là dù có xuất khẩu hay không, tốt nhất việc sản xuất rau muống cũng cần tuân thủ theo các quy trình kỹ thuật như VietGAP”.

Theo ông Ngô Đại Ngọc, chỉ cần có đầu ra, kể cả xuất khẩu là chúng tôi sẽ tổ chức lại và sản xuất được theo đúng tiêu chuẩn của khách hàng: “Để xuất khẩu được rau muống, khâu quan trọng cần phải làm là sơ chế ban đầu, hiện đại hơn nữa là chúng ta phải chiết xuất được nước trong rau muống ra để có thể bảo quản được lâu hơn. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc xuất khẩu rau muống và cũng đang đợi các doanh nghiệp đề xuất hợp tác trong lĩnh vực này”, ông Ngọc nói.

Còn bà Nguyễn Thị Tân Lộc- Phó trưởng Bộ môn Kinh tế thị trường (Viện Nghiên cứu Rau quả T.Ư) cho rằng: “Ở VN rau muống đã trở thành một món ăn truyền thống rất phổ biến. Hơn nữa, sản xuất rau muống lại rất thuận lợi, vì thế nếu xuất khẩu được rau muống thì đây sẽ là một cơ hội lớn cho người nông dân VN”.


Theo Dân Việt

Bình luận
vtcnews.vn