• Zalo

Gói 50.000 tỷ: Ngân hàng ‘ngơ ngác’, dân có được lợi?

Kinh tếThứ Ba, 01/04/2014 07:20:00 +07:00Google News

(VTC News) - Không chỉ “lùm xùm” vì hàng loạt nhà băng phủ nhận sự tham gia, gói 50.000 vừa được Ngân hàng xây dựng công bố còn đặt dấu hỏi lớn về tính khả thi.

(VTC News) - Không chỉ “lùm xùm” vì hàng loạt nhà băng phủ nhận sự tham gia, gói 50.000 vừa được Ngân hàng xây dựng công bố còn đặt dấu hỏi lớn về tính khả thi.

Ngân hàng “ngơ ngác”

Ngày 25/3, Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) và Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh tổ chức họp báo giới thiệu chương trình tín dụng 50.000 tỷ đồng cho ngành xây dựng và thị trường bất động sản.

Theo giới thiệu của VNCB: “Chương trình tín dụng 50.000 tỷ đồng này ra đời nhằm lưu thông hàng hóa vật liệu xây dựng, giảm tồn kho vật liệu xây dựng và bất động sản, khơi thông dòng vốn vào thị trường xây dựng và tháo gỡ khó khăn cho các dự án dở dang, hàng hóa vật liệu xây dựng được tổ chức lưu thông qua hình thức trả chậm và đối trừ, giảm tiền mặt lưu thông góp phần giảm lạm phát, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng mới khi còn có các khoản vay tại các ngân hàng khác…”.

50.000 tỷ đồng
Gói 50.000 tỷ đồng có khả thi. Ảnh: Châu Anh 
Chương trình tín dụng 50.000 tỷ đồng bản chất là gói sản phẩm tín dụng khép kín 4 nhà: Ngân hàng người mua- Chủ đầu tư, Nhà thầu - Nhà tổ chức cung ứng SXVLXD- Ngân hàng người bán, qua đó tất cả cùng ký kết trên 1 hợp đồng, thống nhất việc đối trừ trực tiếp theo giá trị hợp đồng mà không bắt buộc chuyển dòng tiền qua chủ đầu tư.


Cũng theo VNCB, các ngân hàng tham gia chuỗi liên kết này có 4 ngân hàng TMCP Nhà nước gồm BIDV, Vietcombank, Agribank và Vietinbank đăng ký trực tiếp với Ngân hàng Nhà nước. 4 ngân hàng này được gọi là “Ngân hàng người mua” trong chuỗi liên kết".

Hiện cả 4 “ông lớn” nói trên đều chưa đưa ra bất cứ thông tin liên quan nào.

"Bên cạnh đó, có nhiều ngân hàng thương mại cổ phần khác đang cùng thống nhất với Ngân hàng Xây dựng Việt Nam để hợp tác tham gia chuỗi liên kết này gồm ACB, Sacombank, Lienvietpostbank, MB, Oceanbank .... Nhóm ngân hàng này được gọi là “ngân hàng người bán”." - thông tin từ VNCB cho biết thêm.

VNCB cũng tiết lộ, tham gia chuỗi liên kết này còn có Ngân hàng Sài Gòn -  Hà Nội (SHB).

Tuy nhiên, hàng loạt các ngân hàng được điểm tên trong chuỗi liên kết này lại không hề hay biết về sự tham gia của mình trong gói 50.000 tỷ đồng này.

Trả lời báo chí, ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ocean Bank khẳng định: “Tôi cũng mới đọc thông tin gói 50.000 tỷ đồng trên báo, chưa có kế hoạch gì về gói tín dụng này. Hiện đơn vị tổ chức (VNCB - PV) đang đàm phán và chưa ký kết gì với chúng tôi”.

Ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cho biết, gói 50.000 tỷ này “chưa cụ thể” và vẫn chưa có đầy đủ thông tin.

Tổng Giám đốc SHB, ông Nguyễn Văn Lê cũng khẳng định "không nghe nói về gói 50.000 tỷ đồng liên kết với VNCB".

Ông Lê cho biết, SHB chỉ tham gia gói liên kết 4 nhà dự kiến ký NHNN, do Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) làm đầu mối và có sự tham gia của một số ngân hàng như: VietinBank, Vietcombank, Agribank, VNCB... Gói liên kết này hiện đã có bản dự thảo hợp tác gửi cho các ngân hàng tham gia nghiên cứu và đang chuẩn bị được ký kết.

Theo ông Lê, trong thời gian tới, NHNN nhất định sẽ có họp báo công bố về thông tin này. Ông cũng từ chối tiết lộ về quy mô của gói liên kết này cũng như khoản tín dụng mà SHB dự kiến tham gia.

Điều đáng nói, mặc dù chương trình hoành tráng là vậy, nhưng các chi tiết về hạn mức của từng ngân hàng, trong đó có cả ngân hàng chủ trì là VNCB, đối tượng cụ thể, tỷ lệ phân bổ tín dụng dài - trung - ngắn hạn... đều không được nhắc tới.

Nhận định về con số 50.000 tỷ đồng mà VNCB công bố, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam trả lời báo chí cho rằng: Có thể VNCB nóng lòng muốn đón đầu, nên chưa có sự thống nhất với các ngân hàng khác.

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cũng khẳng định: "Bộ Xây dựng không chủ trì, đề xuất hay kiến nghị gì liên quan đến gói này, đó là câu chuyện của thị trường".

Có khả thi?

Trước hết, điều kiện vay vốn của gói tín dụng này đang dấu hỏi lớn đối với các chủ đầu tư có dự án đang dang dở. Bởi lẽ theo quy định của ngân hàng hiện nay, có 2 điều kiện chính để được vay vốn là có tài sản bảo đảm (thế chấp) và có phương án trả nợ.

Vấn đề này vốn là bài toán khó cho các ngân hàng hiện nay, trước đó, hồi đầu năm 2014, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT ngân hàng BIDV cũng đã phải thừa nhận một thực tế khi nhiều chủ đầu tư đến BIDV xin vay vốn để hoàn thiện dự án, nhưng không đủ cơ sở pháp lý để phê duyệt, mặc dù dự án có vị trí rất đẹp và rất tiềm năng giải quyết đầu ra.

Như vậy sẽ có những dự án nào đủ điều kiện để vay tiền từ gói tín dụng này.

Thứ hai, hiện số ngân hàng tham gia vào liên minh vẫn rất ít. Vậy với những doanh nghiệp đang vay vốn từ ngân hàng khác (ngoài liên minh) muốn tham gia vào liên minh này sẽ xử lý như thế nào?

Ngoài ra, nhiều dự án đã huy động vốn của khách hàng, vậy tỷ lệ huy động là bao nhiêu sẽ được vay? Vì nếu số tiền huy động quá lớn thì số tiền khi hoàn thiện dự án xong cũng không đủ trả nợ cho ngân hàng, chứ chưa nói đến có lãi.

Trả lời báo chí, Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong cho rằng: Nói là gói liên kết nhưng trách nhiệm vẫn cụ thể, anh nào cho vay khoản nào thì anh đó chịu trách nhiệm chứ không có cơ chế chịu trách nhiệm tập thể.

Vì thế, hiệu quả của gói này liệu có kích thích được tín dụng hay không thì còn phải chờ xem như thế nào, vì các ngân hàng sẽ phải cân nhắc về đối tượng cho vay và có những yêu cầu, điều kiện cho vay.

"Việc các ngân hàng tham gia gói này, về lý thuyết tất nhiên là sẽ có rủi ro làm tăng nợ xấu cho các ngân hàng", TS. Phong cũng cảnh báo thêm.

Về lý thuyết thì có vốn cung ứng và tăng sản phẩm trên thị trường thì giá sản phẩm xuống. Nhưng để mà nói giá nhà giảm 20-30% thì không nói trước, việc giảm hay tăng là câu chuyện thị trường.

Châu Anh
Bình luận
vtcnews.vn