Làm nhà ở xã hội dùng nguồn vốn khác
Trước đó, ngày 25/6, ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM cho rằng, gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng giống như “xương gà chiên bơ” vì thấy thơm lắm, nhưng không được ăn, tức là các doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn này.
Còn ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HOREA) thì cho rằng, Nghị quyết 02 thì 30.000 tỉ đồng chỉ dùng để giải phóng hàng bất động sản tồn kho, tạo điều kiện cho đối tượng chính sách, dân nghèo tiếp cận được nhà ở dưới 70 m2, giá dưới 15 triệu đồng/m2. Nhưng hiện nay nguồn vốn này chủ yếu được dùng để phát triển thêm các dự án nhà ở xã hội. Dẫn chứng là hàng loạt dự án nhà ở xã hội được khởi công rầm rộ thời gian qua.Gói 30.000 tỷ đồng có trúng đích
“Xây nhà ở xã hội là rất đáng hoan nghênh nhưng phải sử dụng nguồn vốn khác”, ông Châu nhấn mạnh.
Làm rõ vấn đề này, Bộ Xây dựng cho rằng, Nghị quyết số 02 đã quy định rõ đối tượng được vay vốn của gói tín dụng 30.000 tỷ đồng từ nguồn cho vay tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước là hộ gia đình, cá nhân được vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.
Đồng thời Nghị quyết này cũng quy định đối tượng được vay vốn là doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, doanh nghiệp chuyển đổi công năng dự án nhà ở thương mại sang thành nhà ở xã hội.
“Do đó ý cho rằng việc xây dựng nhà ở xã hội phải sử dụng nguồn vốn khác nguồn vốn 30.000 tỷ đồng chỉ dùng để giải phóng hàng bất động sản tồn kho, tạo điều kiện cho đối tượng chính sách, dân nghèo tiếp cận được nhà ở dưới 70 m2, giá dưới 15 triệu đồng/m2 là không đúng với nội dung quy định của Nghị quyết 02”, văn bản của Bộ Xây dựng khẳng định.
Có phân biệt đối tượng cho vay?
Hiệp hội bất động sản TP HCM cũng cho rằng, TP HCM có nhiều dự án nhưng không được vay vốn, các chủ đầu tư được vay vốn phần lớn đều là doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng và ở phía Bắc.
“Bộ Xây dựng nhận thấy ý kiến đánh giá này là không có cơ sở, không đúng với tình hình thực tế”, văn bản Bộ Xây dựng khẳng định.
Cụ thể, trong số 30 dự án mà Bộ Xây dựng đề xuất Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại xem xét để cho vay thì TP HCM có 05 dự án, thành phố Đà Nẵng 06 dự án, thành phố Hà Nội có 04 dự án, tỉnh Đồng Nai có 03 dự án, các địa phương còn lại chỉ có 01 dự án.
Trong số 30 dự án này cũng chỉ có 04 dự án của doanh nghiệp nhà nước (chiếm 13%), 04 doanh nghiệp cổ phần nhà nước không chi phối (chiếm 13%), còn lại là 22 dự án của các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác (chiếm 74%).
Như vậy, không hề có sự phân biệt giữa doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp khác thuộc các thành phần kinh tế, cũng như không có sự phân biệt khác nhau giữa các địa phương theo vùng miền.
Về việc triển khai cho vay gói 30.000 tỷ đồng chỉ tập trung ưu tiên đối với các doanh nghiệp mà ít quan tâm tới nhu cầu vay vốn của hộ gia đình, cá nhân. Bộ Xây dựng cho rằng, do thời gian trước đây các doanh nghiệp chỉ chú trọng đầu tư nhà ở thương mại cao cấp, có quy mô lớn và giá bán cao, nên quỹ nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có quy mô dưới 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 tại các địa phương đến thời điểm hiện nay rất khan hiếm.
Do đó, trước mắt các doanh nghiệp cần tập trung tạo nguồn cung để đủ điều kiện ký hợp đồng với khách hàng (theo quy định của pháp luật về nhà ở là phải xây dựng xong phần móng của công trình).
Sau khi khách hàng đã ký hợp đồng với chủ đầu tư thì việc giải ngân gói hỗ trợ đối với các đối tượng là hộ gia đình, cá nhân mới có thể đẩy nhanh được theo quy định.
Cho đến nay, chưa phát hiện thấy một trường hợp nào cho vay sai đối tượng và điều kiện theo quy định của pháp luật. Thậm chí còn có ý kiến cho rằng phía ngân hàng đang quá chặt chẽ và thận trọng trong việc giải ngân.
Châu Anh
Bình luận