Tôi vẫn còn nhớ như in ngày xa xưa ấy, mỗi độ đi học về, sau khi giúp mẹ cho đàn gà ăn, tôi và lũ bạn cùng thôn lại theo nhau ra ngoài cánh đồng làng cuối mùa trơ rạ chơi trò đuổi bắt. Mùi cỏ ngai ngái, nắng soi vàng rực rỡ trên những gương mặt đen nhẻm và nhễ nhại mồ hôi, cả những nụ cười hồn nhiên một thời ấy theo tôi vào cả trong giấc ngủ, suốt những năm tháng xa quê.
Con tôi học thành phố. Sáng học ở trường, chiều học thêm, tối lại học thêm anh văn, thanh nhạc tại nhà. Không dám cho con lang thang chơi đầu ngõ bởi sợ khu phố thiếu sân chơi, vệ sinh không đảm bảo. Đôi khi muốn cho con nghỉ ngơi thư giãn cũng rất khó khăn. Xu thế nó phải vậy.
Cứ sợ con sẽ không theo kịp bạn bè nếu không chịu học hành cật lực. Xã hội ngày càng đòi hỏi cao, mấy đứa bạn tôi cầm tấm bằng tốt nghiệp ra trường mấy năm, bon chen mãi mới tìm được chỗ đứng. Lo sợ nên lần lữa, nên không dám cho con một khoảng không gian riêng.
Ngày hè, đáng lẽ phải cho con về quê, cho con vui chơi thỏa thích để chuẩn bị cho một kì học mới, tôi vẫn không dám cho con nghỉ nhiều. Được một tuần là cháu phải “chiến đấu” với những bài tập cam go ở lớp học thêm, và những bài luyện thanh ở nhà.
Nhưng hôm đưa con đi qua khu chung cư gần nhà, nhìn mấy em nhỏ đang nô đùa thả diều, con bé đã làm tôi suy nghĩ. Nó bảo: “Bố ơi, sao các bạn được đi chơi còn con phải đi học? Chẳng lẽ lớn lên cũng phải đi học suốt ngày như con hả bố?”.
Câu hỏi ngây thơ nhưng bỗng dưng khiến tôi phải nhìn lại. Tôi cũng đã có một khung trời tuổi thơ làm kỉ niệm và hành trang cho những năm tháng trưởng thành, sao tôi lại “tước đoạt” quyền đó của con? Trong kí ức của con bé sau này, tuổi thơ không phải là những giờ chơi lò cò, thả diều, nhảy dây với chúng bạn mà sẽ là những giờ căng thẳng bên bàn học. Và liệu, tâm hồn của con, có vì thế mà khô khan đi mất?
Ngay cả những người bạn thân hay những gia đình trong khu phố tôi ở cũng đang nuôi dạy con theo cách đó. Tôi cũng như những phụ huynh kia, bị chi phối bởi ý nghĩ “biến con mình thành robot thiên tài”, không được thua bè kém bạn mà không hiểu cảm giác thực sự của trẻ.
Khi bản thân trẻ không hào hứng, không hiểu mình làm điều đó để được cái gì thì kết quả xem chừng vô vọng. Đến lớp học như hình phạt, chán nản, căng thẳng, mệt mỏi... liên tục và không ít trẻ đã bị hậu quả oái oăm như: stress cấp, trầm cảm, rối loạn lo âu... Chúng tôi đã đặt mọi kì vọng mà đời mình chưa thực hiện được vào con, tất cả cũng bởi yêu thương con, nhưng đó là cách yêu thương mang tính áp đặt.
Những giờ phút vui đùa hồn nhiên sẽ là khoảng thời gian nâng cánh cho trí tưởng tượng và tâm hồn con trẻ. Cuộc sống cứ trôi qua hằng ngày, và đúng quy luật, thời gian sẽ chẳng chờ đợi ai. Suýt nữa tôi đã lấy đi tuổi thơ-lứa tuổi đẹp đẽ nhất của con. Cứ giật mình nghĩ: nếu không kịp thay đổi, biết đâu khi trả lời câu hỏi “Tuổi thơ là gì”, con sẽ bảo: tuổi thơ là những bài toán khó…
Bình luận