• Zalo

‘Gỡ vướng’ tăng vốn cho ngân hàng thương mại Nhà nước: Chờ quyết định của Thủ tướng

Kinh tếThứ Ba, 08/05/2018 12:04:00 +07:00Google News

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ triển khai phương án nâng cao năng lực tài chính của các NHTM Nhà nước sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

3 khó khăn, vướng mắc

Tại Diễn đàn toàn cảnh ngân hàng năm 2018 diễn ra hôm nay (8/5), ông Phạm Huyền Anh, Phó Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, công tác cơ cấu lại và xử lý nợ xấu hiện vẫn còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc.

Thứ nhất là khó khăn, vướng mắc của TCTD về thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm.

Cụ thể như trong thu giữ tài sản bảo đảm, phổ biến tình trạng khách hàng không hợp tác trong việc bàn giao tài sản; một số cơ quan chức năng (UBND, cơ quan công an,…) chưa phối hợp, tham gia hỗ trợ một cách tích cực để giải quyết khó khăn cho TCTD; khó khăn về mặt truyền thông trong quá trình thu giữ tài sản theo tinh thần Nghị quyết 42;

Hay như về điều kiện tài sản đảm bảo, tài sản đảm bảo được xử lý phải không là tài sản tranh chấp. Theo ông Phạm Huyền Anh, hiện nay chưa có hướng dẫn thế nào là tài sản đang tranh chấp, dẫn đến cách hiểu về tài sản tranh chấp giữa các cơ quan tố tụng tại nhiều nơi, nhiều cấp là khác nhau, gây khó khăn khi xử lý tài sản theo Nghị quyết 42.

Thứ hai là khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc tăng vốn cho các NHTM Nhà nước về cả mặt pháp lý và thực tiễn triển khai. Theo lãnh đạo Cơ quan thanh tra, giám sát NHNN, để nâng cao năng lực tài chính cho các NHTM Nhà nước, vấn đề cơ bản đặt ra là phải tăng vốn cho các ngân hàng này thông qua một số hình thức như: bán cổ phần cho nhà đầu tư (trong nước, ngoài nước) và sử dụng lợi nhuận giữ lại để tăng vốn.

1

 Các NHTM Nhà nước đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong tăng vốn, cả về mặt pháp lý lẫn thực tiễn triển khai

Tuy nhiên, hiện nay các NHTM Nhà nước chưa được sử dụng lợi nhuận giữ lại để tăng vốn, trong khi đó, tăng vốn theo hình thức bán cổ phần bị hạn chế bởi quy định về tỷ lệ nắm giữ cổ phần tối thiểu của Nhà nước.

Việc tăng vốn điều lệ để cải thiện, nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực Basel II là một trong những giải pháp quan trọng nhằm cơ cấu lại NHTM Nhà nước đề ra tại Quyết định 1058; trong đó yêu cầu đặt ra là giữ vững nguyên tắc bảo đảm vai trò chi phối của Nhà nước tại các NHTM Nhà nước.

Cụ thể, đối với các NHTM do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ thì Nhà nước nắm giữ ở mức tối thiểu 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết; riêng đối với Agribank thì triển khai các bước để thực hiện cổ phần hóa vào thời điểm thích hợp và bảo đảm Nhà nước nắm giữ tối thiểu 65% vốn điều lệ.

Khó khăn lớn thứ ba, theo ông Phạm Huyền Anh, là việc một số bộ, ngành chậm hoặc chưa thực hiện xong việc ban hành chương trình/kế hoạch hành động cụ thể triển khai Đề án 1058; bên cạnh đó, mặc dù về cơ bản, quá trình triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã nhận được sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, tuy nhiên tại một số nơi Cơ quan công an, UBND tỉnh, thành phố chưa có hướng dẫn cụ thể (tới UBND, cơ quan công an cấp huyện, xã) nên còn vướng trong công tác phối hợp xử lý.

8 bước đi của Ngân hàng Nhà nước

Ông Phạm Huyền Anh cho biết trong thời gian tới, NHNN tiếp tục triển khai một số giải pháp. Đầu tiên là hoàn thành việc thẩm định, phê duyệt/chấp thuận chủ trương và theo dõi, giám sát việc thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các TCTD.

Thứ hai là tiếp tục hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt và triển khai thực hiện phương án xử lý TCTD yếu kém, đặc biệt là 3 NHTM mua lại và các quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) yếu kém; tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ hoạt động của các TCTD yếu kém để kịp thời xử lý.

Video: Cách chuyển tiền nhận được ngay khi ngân hàng nghỉ

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các NHTM Nhà nước; triển khai phương án nâng cao năng lực tài chính của các NHTM Nhà nước sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tiếp đến là tăng cường củng cố, chấn chỉnh hệ thống QTDND; kiên quyết xử lý các QTDND yếu kém, không có khả năng phục hồi.

Thứ năm, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

Thứ sáu, kiên quyết xử lý dứt điểm vấn đề sở hữu chéo, vi phạm giới hạn về sở hữu cổ phiếu dẫn tới chi phối ngân hàng của cổ đông hoặc nhóm cổ đông lớn, lợi ích nhóm trong các TCTD cổ phần theo lộ trình thích hợp.

Thứ bảy, triển khai các giải pháp mua, bán, xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường, đồng thời áp dụng các biện pháp kiểm soát rủi ro trong việc mua bán nợ theo cơ chế thị trường;

Thứ tám, chỉ đạo TCTD tổ chức triển khai áp dụng toàn diện các biện pháp quy định tại Nghị quyết số 42; rà soát, tiết giảm các chi phí hoạt động và tập trung mọi nguồn lực cho việc xử lý nợ xấu; thực hiện có hiệu quả các giải pháp để ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật làm phát sinh nợ xấu tại từng TCTD. 

(Nguồn: vietnamfinance.vn)
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn