• Zalo

Gỡ vướng cho hàng thiết yếu: 'Hàng tắc nghẽn, dân khổ, kinh tế cũng sẽ lao đao'

Thị trườngThứ Sáu, 30/07/2021 13:19:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Chuyên gia cho rằng phải cùng chung tay tháo gỡ khó khăn trong lưu thông hàng hóa, nếu không thì không chỉ người dân khốn khổ mà nền kinh tế cũng 'nghẽn' theo.

Báo cáo của các địa phương và doanh nghiệp gần đây cho thấy, trong bối cảnh hàng loạt địa phương áp dụng biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống COVID-19, việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa, nhất là các mặt hàng nông sản và lương thực thực phẩm trên địa bàn cả nước cơ bản thuận lợi.

Tuy vậy, với các mặt hàng khác, việc lưu thông vẫn gặp khó khăn, vướng mắc do cách hiểu khác nhau về phân loại “hàng hóa thiết yếu”. Trong khi người dân cần hàng sử dụng mà không có thì nhà sản xuất lại không tiêu thụ được, một số sản phẩm ứ đọng thậm chí phải đổ, bỏ.

Do đó, theo các chuyên gia, tất cả bộ, ngành, địa phương cần chung tay tháo nút thắt hàng thiết yếu, gỡ khó trong lưu thông hàng hóa để vừa hoàn thành mục tiêu chống dịch, vừa đảm bảo đời sống cho người dân đồng thời thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Hàng hóa khó lưu thông, kinh tế sẽ bị tắc

TS kinh tế Bùi Trinh nhìn nhận, có hàng triệu mặt hàng lưu thông trong nền kinh tế hàng ngày, vì vậy việc ban hành danh mục “hàng thiết yếu” giữa thời dịch là bất khả thi. Danh mục hàng thiết yếu dù có được bổ sung cũng không thể đáp ứng hết nhu cầu của đời sống. Lý do là trong quá trình thực hiện, cơ quan chức năng không thể nào liên tục ra văn bản bổ sung, bởi kê ra thì không biết bao nhiêu cho đủ.

Do đó, ông Trinh đồng tình và đánh giá cao đề xuất mới đây của Bộ Công Thương khi báo cáo Chính phủ ban hành danh mục hàng hóa “cấm lưu thông”, thay vì quy định danh mục “hàng hóa thiết yếu”.

Trừ những mặt hàng không thiết yếu, bị hạn chế lưu thông có trong danh mục, tất cả các loại hàng hóa còn lại phải được lưu thông để phục vụ cho nhu cầu của người dân, cũng như mục tiêu sản xuất của doanh nghiệp. Đây là một chính sách tốt, mở hơn, phù hợp hơn so với việc đưa ra danh mục hàng hóa thiết yếu”, ông Trinh đánh giá.

Gỡ vướng cho hàng thiết yếu: 'Hàng tắc nghẽn, dân khổ, kinh tế cũng sẽ lao đao' - 1

Hàng hóa bị ách tắc không chỉ khiến người dân khổ mà doanh nghiệp cũng khốn đốn theo. (Ảnh minh họa)

Vẫn theo chuyên gia này, danh mục hàng hóa không được phép vận chuyển càng sớm ban hành và càng chi tiết càng tốt. Bởi lưu thông hàng hóa cực kỳ quan trọng, không chỉ với đời sống người dân mà cả nền kinh tế. Hàng hóa không lưu thông được, chuỗi cung cầu bị đứt gãy, người dân không có hàng để dùng, nhà sản xuất có hàng lại không bán được, nền kinh tế chắc chắn bị ảnh hưởng.

Hàng hóa bị ách tắc thì không chỉ người dân gặp khó mà nền kinh tế cũng bị nghẽn mạch tăng trưởng.

TS Bùi Trinh

 "Vì vậy danh mục hàng cấm lưu thông cần được ban hành sớm, chậm ngày nào là gay go ngày đó, không chỉ với cuộc sống của người dân mà cả doanh nghiệp, người sản xuất”, TS Trinh cho hay.

Cũng đồng tình và hân hoan với đề xuất của Bộ Công Thương, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát sở hữu hãng xe Sao Việt, cho rằng nếu được Chính phủ chấp thuận, việc vận tải hàng hóa sẽ thuận lợi hơn hiện nay rất nhiều. Do khi đó chỉ có hàng hóa bị cấm là không vận chuyển, còn lại tất cả hàng hóa được lưu thông bình thường. 

"Như vậy là chỉ cần áp dụng quy tắc loại trừ, mặt hàng bị cấm hoặc hạn chế kinh doanh thì không cho chạy, còn lại thì cho đi luồng xanh hết. Doanh nghiệp vận tải như chúng tôi nghe mà thở phào", ông Bằng nói.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, đảm bảo cuộc sống cho người dân trong hoàn cảnh ngặt nghèo như hiện nay là nhiệm vụ tối quan trọng. Ổn định sản xuất, giải tỏa áp lực cho doanh nghiệp là việc cần làm ngay. Do đó không nên phân biệt hàng thiết yếu và không thiết yếu. Mà chỉ nên quy định không được vận chuyển hàng hóa trong danh mục cấm. Như vậy vừa dễ dàng cho cơ quan quản lý vừa không bị ách tắc hàng hóa, cân bằng cung cầu, giải tỏa áp lực cho nhà sản xuất…

Tuy vậy ông Long cho rằng danh mục hàng cấm cần quy định chi tiết, hướng dẫn cụ thể để việc kiểm tra dễ dàng. Việc này vừa tránh phát sinh tiêu cực tại các điểm chốt kiểm dịch, vừa giúp quá trình vận chuyển, lưu thông hàng hóa được nhanh hơn.

Hàng thiết yếu không chỉ là đồ ăn, thức uống

PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng các cơ quan chức năng đang nỗ lực để kiểm soát dịch COVID-19. Nhiều biện pháp mạnh đã được áp dụng, bước đầu ghi nhận kết quả khả quan. Tuy vậy, với hoạt động vận tải hàng hóa, nhiều nơi đang áp dụng quy định máy móc, cứng nhắc khiến lưu thông hàng hóa gặp khó khăn, ảnh hưởng rất lớn đến người dân và cả nhà sản xuất.

Gỡ vướng cho hàng thiết yếu: 'Hàng tắc nghẽn, dân khổ, kinh tế cũng sẽ lao đao' - 2

Lực lượng CSGT chỉ cần dùng điện thoại kiểm qua mã QR "luồng xanh" được các tài xế dán trên kính xe là xác định được các thông tin cần thiết, không cần kiểm tra nhiều như những ngày trước.

Nguyên nhân do có nhiều cách hiểu khác nhau về hàng hóa, thậm chí nhiều địa phương cho rằng chỉ lương thực, thực phẩm mới là thiết yếu. Chính sự thiếu đồng bộ, nhất quán trong các quy định, chính sách áp dụng ở các địa phương đã gây khó khăn cho hàng hóa khi lưu thông.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng áp dụng chính sách, quy định khác nhau về giãn cách, kiểm soát hàng hóa ra vào địa phương một cách máy móc khiến nhiều mặt hàng không thể đến tay người tiêu dùng.

“Người dân hiện nay cần rất nhiều thứ để đảm bảo cuộc sống hàng ngày. Lương thực thực phẩm là hàng thiết yếu, tức là không có nó thì không tồn tại được. Nhưng thực tế hiện nay ngoài đồ ăn, thức uống thì người dân cần nhiều thứ khác. Đó là những mặt hàng cần thiết, cuộc sống hàng ngày bắt buộc phải dùng đến”, ông Long nói.

Đồng quan điểm, theo TS kinh tế Bùi Trinh, việc cơ quan chức năng trước đây chỉ ghi chung chung “hàng thiết yếu” mà không liệt kê danh mục rõ ràng từng mặt hàng là nguyên nhân chính khiến mỗi nơi hiểu về hàng thiết yếu một cách khác nhau.

“Việc sử dụng từ ngữ dễ gây hiểu nhầm, vừa khó cho cơ quan kiểm soát, vừa gây khó hiểu cho người dân, dẫn đến những tranh cãi không cần thiết như vụ “bánh mỳ không thiết yếu ở Nha Trang”, ông Trinh nói.

Chính phủ chỉ đạo không kiểm tra xe chở hàng có QR Code

Tiếp theo chỉ đạo của Thủ tướng tại văn bản 1015 ngày 25/7, để tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hoá trong tình hình dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo các chốt kiểm soát dịch không kiểm tra xe có giấy nhận diện QR Code còn thời hạn do ngành giao thông vận tải cấp để chở hàng phục vụ xây dựng, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, tiêu dùng (trừ các hàng hóa cấm sản xuất, kinh doanh) trên phạm vi cả nước.

Trường hợp xe không có giấy nhận diện QR Code hoặc có nhưng hết thời hạn, Phó Thủ tướng yêu cầu chỉ kiểm tra việc khai báo y tế, giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm với SARS-COV-2 đối với người trên xe.

Việc kiểm tra với xe chở hàng khi ra, vào địa điểm tập kết, trung chuyển, giao nhận hàng hóa (cảng, bến, nhà ga, kho bãi, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất…) phải đảm bảo tuân thủ đầy đủ các yêu cầu phòng chống dịch, không gây ùn tắc giao thông.

Tuy nhiên người trên xe phải thực hiện nghiêm quy định 5K và có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-COV-2 trong thời hạn 72 giờ kể từ thời điểm có kết quả xét nghiệm.

Tại các vùng có dịch, UBND tỉnh, thành phố chủ động có giải pháp phân luồng, tổ chức giao thông phù hợp hạn chế thấp nhất phương tiện vào trung tâm đô thị để phòng chống dịch bệnh, phải đảm bảo hoạt động vận chuyển, lưu thông, phân phối hàng hóa thông suốt qua địa bàn.

Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, UBND các tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nội dung trên kể từ 0h ngày 30/7

Hòa Bình
Bình luận
vtcnews.vn