Gỡ trần lãi suất huy động: Doanh nghiệp được hay mất?

Kinh tếThứ Sáu, 13/04/2012 06:12:00 +07:00

(VTC News) – “Đã đến lúc xem lại cơ chế trần lãi suất. Bao lâu nay doanh nghiệp chịu sức ép lớn do NH thoải mái đầu ra nhưng ấn định khung đầu vào".

(VTC News) – Nhiều chuyên gia kinh tế đều cho rằng nên gỡ bỏ trần lãi suất huy động, tạo nền tảng cho việc hạ nhiệt lãi suất cho vay. Vấn đề chỉ là gỡ bỏ nó sớm hay muộn mà thôi.

Nhiều ý kiến trái chiều

Mới đây, có ý kiến cho rằng, nên gỡ trần lãi suất vào thời điểm này vì như vậy sẽ đem lại thuận lợi cho hệ thống ngân hàng (NH). Trình bày quan điểm của mình về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Phong – Trưởng phòng nghiên cứu phát triển kinh tế của Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho rằng "nên gỡ bỏ trần lãi suất huy động".

“Tuy nhiên, cũng cần áp vào trần lãi suất cho vay. Chỉ như vậy mới giúp cho việc hạ lãi suất đến được với doanh nghiệp cũng như bớt đi việc áp đặt trần lãi suất huy động, gây bất lợi cho người gửi tiền. Thêm vào đó, việc áp trần lãi suất cho vay sẽ là đủ để đạt được cả 2 mục tiêu về khống chế lãi suất huy động cũng như việc giảm lãi suất”, ông Phong nói thêm.

 

Khi được hỏi thị trường nào (bất động sản, vàng hay chứng khoán) sẽ được lợi hơn cả nếu gỡ bỏ trần lãi suất huy động, ông Phong nói: “Trần lãi suất huy động ảnh hưởng tới nguồn vốn đầu vào thôi nên khó có thể nói trước xem thị trường nào trong số các thị trường như bất động sản, chứng khoán… sẽ được lợi hơn cả.

Việc đó sẽ ảnh hưởng ra sao tới thị trường bất động sản, chứng khoán còn tuỳ thuộc vào hạn mức tín dụng cũng như cơ cấu cho vay. Ngoài ra, nó còn tuỳ thuộc vào mức lãi suất cho vay và khả năng chịu đựng của các doanh nghiệp kinh doanh ở lĩnh vực bất động sản, chứng khoán”.

Cũng theo ông Phong, việc gỡ trần huy động là nhằm giúp hạ lãi suất cho vay. Một khi lãi suất cho vay hạ nhiệt, sẽ có lợi chung cho tất cả các doanh nghiệp.

“Nếu chỉ gỡ bỏ thuần tuý trần lãi suất huy động thì sẽ chỉ có tác động như hiện nay thôi. Tức là nó sẽ giúp bỏ được kiểu cạnh tranh vượt trần nhiều biến báo như hiện nay và sẽ có lợi cho người dân hơn bởi một số ngân hàng có thể sẽ huy động tiền gửi ở mức độ lãi cao hơn.

Quan trọng nhất hiện nay là phải áp trần lãi suất cho vay thì nó mới tác động rõ ràng được. Còn hiện nay, mới chỉ đánh ở cái ngọn thôi, mà cái ngọn này lại không liên quan gì tới các doanh nghiệp được vay lắm vì thực chất các ngân hàng vẫn quyết định lãi suất đầu ra”, ông Phong cho hay.

 


Cùng quan điểm với ông Phong, ông Tống Minh Tuấn - Trưởng bộ phận phân tích, công ty chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam BSC cho rằng nên gỡ bỏ trần lãi suất huy động.

Ông Tuấn từng nhận định: "Việc bỏ trần lãi suất huy động sẽ khiến cho ngân hàng thực hiện chức năng cấp vốn cho nền kinh tế một cách chủ động hơn. Việc bỏ trần lãi suất huy động sẽ đồng nghĩa với việc tín dụng có nguồn để tăng trưởng, và là yếu tố hỗ trợ thanh khoản lên thị trường". 

Tuy nhiên, TS Nguyễn Đình Ánh - chuyên gia kinh tế - lại cho rằng không nên gỡ trần lãi suất huy động bởi khi gỡ trần lãi suất thì ngân hàng mạnh yếu sẽ bộc lộ rõ nét hơn. Khả năng số lượng ngân hàng nằm trong diện "hấp hối” sẽ không chỉ dừng lại ở con số 8 nữa.

Thời điểm tốt để gỡ trần

“Đã đến lúc xem lại cơ chế trần lãi suất. Bao lâu nay doanh nghiệp chịu sức ép từ ngân hàng do ngân hàng thoải mái đầu ra nhưng ấn định khung đầu vào. Điều này khiến cho tỷ lệ chênh lệch giữa huy động và cho vay của ngân hàng lớn. Họ vay 13% nhưng cho vay 18 - 19%.

Trong khi bình thường chỉ cần cộng thêm 3% là có lời. Mở trần cho vay thì họ sẽ tìm đến những nguời muốn vay chịu tỷ lệ cao khiến dòng vốn bị dồn tụ ở một số ngành nguy hiểm. Trong khi đó ngân hàng cũng chỉ thuần tuý chạy theo lợi nhuận của mình mà không theo chỉ đạo của Chính phủ.

Phải mạnh dạn bỏ trần lãi suất huy động, tiến tới khoá trần lãi suất cho vay. Hoặc là áp cả 2 trần. Tạo ra sự cạnh tranh thì nguời dân gửi tiền, doanh nghiệp vay vốn cũng được lợi”, ông Phong nhấn mạnh.

 

Cũng theo ông Phong, hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải chịu mức lãi suất cho vay cao nhất thế giới, khiến các doanh nghiệp mất sức cạnh tranh, thậm chí mất cơ hội và động lực mở rộng phát triển sản xuất. Việc hạ lãi suất là cần thiết và hoàn toàn có thể thực hiện được, với những điểm chú ý sau:

Chuyển từ áp trần lãi suất huy động sang áp trần lãi suất cho vay bằng mức lãi suất huy động cộng với từ 2,5 - 3%. Khi đó, lãi suất cho vay sẽ khoảng từ 15 - 16%; Các doanh nghiệp tìm kiếm các nguồn vốn vay khác ngoài ngân hàng, chẳng hạn ngay trong doanh nghiệp, thương lượng với các bạn hàng, tìm kiếm từ các quỹ đầu tư, phát hành trái phiếu và sử dụng những hợp đồng hàng đổi hàng trong kinh doanh...

Tuy nhiên, TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, cho rằng ít nhất phải đến tháng 6 tới mới có thể bỏ trần huy động.

Còn theo nhận định của NHNN, vấn đề thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã tương đối ổn định, tuy nhiên, nếu gỡ trần vào thời điểm này thì vẫn gây nên sự bất ổn định cho thị trường. Bởi lẽ, nhìn vào thực tế, hiện nay tính tuân thủ của các ngân hàng vẫn chưa cao. Ngay khi còn áp trần, hiện tượng lách trần vẫn diễn ra, nếu bỏ lúc này sẽ gây ra sự bất ổn định cho thị trường.

Ngoài ra, nếu gỡ trần lãi suất huy động vào thời điểm này, những ngân hàng nhỏ có thể sẽ vấp phải cạnh tranh khốc liệt khi các ngân hàng  lớn có khả năng đưa ra những lãi suất hấp dẫn hơn khi không còn trần. Mặt bằng lãi suất huy động lại sẽ bị đẩy lên mức cao hơn, điều đó càng khiến tiến trình giảm lãi suất chậm lại và doanh nghiệp lại chịu một phen điêu đứng.

M.Q

Bình luận
vtcnews.vn