• Zalo

Gỗ lim lát sàn ở cầu đi bộ siêu sang ở Huế rạn nứt: Chủ đầu tư nói gì?

Thời sựThứ Tư, 22/08/2018 07:30:00 +07:00Google News

Chủ đầu tư và nhà thầu thi công công trình cầu đi bộ lát gỗ lim ở Huế lên tiếng trước thông tin ván sàn gỗ xuất hiện những vết rạn nứt chân chim và cả những vết nứt thành đường.

Liên quan đến việc ván sàn gỗ lim ở cầu đi bộ siêu sang ở Huế bị rạn nứt, đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án KOICA và nhà thầu thi công là Công ty Cổ phần Xây dựng Thủy lợi Thừa Thiên Huế lên tiếng xác nhận sự việc và chia sẻ nhiều thông tin liên quan với báo chí.

Theo đó, ông Nguyễn Việt Bằng - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án KOICA cho hay, dự án là mối quan hệ giữa 2 chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc. Phía Hàn Quốc muốn đưa đến Huế công trình làm điểm nhấn cho Huế và phải làm đường lát gỗ lim.

Quá trình giám sát gỗ trước khi đưa về công trường được giám định theo Tiêu chuẩn Việt Nam. Phía KOICA luôn theo sát chặt chẽ công trình này và nửa tháng một lần, các chuyên gia giám sát của KOICA bay từ Hàn Quốc sang Việt Nam để kiểm tra chất lượng công trình.

39589009_510381762734915_372921053850107904_n

 

39589098_2018587915056576_2672970719117180928_n

Đại diện chủ đầu tư dự án khẳng định các vết rạn nứt trên bề mặt gỗ lim không ảnh hưởng đến chất lượng cũng như thẩm mỹ công trình cầu đi bộ hạng sang ở TP Huế.  

Theo ông Bằng, ở các thanh gỗ lim hiện tượng trên không phải nứt mà là vết rạn, không ảnh hưởng kết cấu chính, những vết nứt trên một số gỗ thì phải loại bỏ.

Lãnh đạo Ban Quản lý dự án KOICA cũng khẳng định, ở các thanh gỗ lim dùng để lát sàn cầu đi bộ tại Huế có hiện tượng rạn nhỏ dưới 1mm sẽ không ảnh hưởng kết cấu chính, cũng như chất lượng, thẩm mỹ công trình.

Trong khi đó, ông Văn Viết Thành - Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng Thủy lợi Thừa Thiên - Huế cho rằng, các dạng nứt, rạn thường thấy ở gỗ.

Các vết rạn dọc theo thân gỗ xuất hiện là do thớ gỗ là những bó xoắn nằm dọc thân, nên khả năng chịu lực trên cùng một mặt phẳng không đồng đều. Trong trường hợp tiếp xúc ánh sáng mặt trời thì xuất hiện tình trạng co ngót, dẫn đến những vết rạn trên bề mặt.

Chiều rộng vết rạn nhỏ hơn 1 mm gọi là hiện tượng tự nhiên của gỗ, không ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của gỗ, tuy nhiên làm giảm đi tính thẩm mỹ.

Một nguyên do khác khiễn gỗ lim rạn nứt là do loại gỗ này yêu cầu phải sấy, khi sấy 2 đầu thanh gỗ tiếp xúc với nhiệt nhiều hơn vị trí khác nên thường xuất hiện vết nứt. Khi lắp ráp tại công trình cầu đi bộ công nhân sẽ hớt bớt 2 đầu thanh gỗ để loại bỏ vết nứt.

Theo ông Thành, do số lượng thanh gỗ quá lớn nên không thể tránh khỏi một số thanh gỗ sau thời gian bị nứt nẻ sau khi lắp đặt. Những thanh gỗ đó sẽ được kiểm tra thay thế trước khi nghiệm thu.

Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng Thuỷ lợi Thừa Thiên - Huế thông tin thêm, cầu đi bộ bằng gỗ lim ở TP Huế được lát bởi 16.000 thanh gỗ, xác suất gỗ bị loại bỏ thay thế là 5% nên sẽ có các gỗ bị hư hỏng.

Ông Văn Viết Thành đánh giá, hạng mục gỗ là hạng mục khó kiểm soát trong sản xuất gia công. Vì vậy, với các công trình khác nhà thầu thi công chỉ bảo hành 12 tháng còn riêng với hạng mục cầu đi bộ lát gỗ lim ở TP Huế nhà thầu phải bảo hành trong 30 tháng.

39569923_224281741582229_7589570141063479296_n 3

Đại diện nhà thầu cho rằng, xác xuất sẽ có 5% tổng số các ván sàn gỗ lim bị hỏng và sẽ được thay thế.  

"Chúng tôi biết rằng gỗ là bất tiện đối với khí hậu Huế, nhưng đây là ý kiến buộc phải làm đường bằng gỗ của nhà tài trợ KOICA của Hàn Quốc khi công trình này được họ cho 100% kinh phí và không hoàn. Chung quy lại thì tổng thể công trình không đáng lo”, Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng Thuỷ lợi Thừa Thiên - Huế khẳng định.

Hiện sự việc vẫn khiến dư luận ở Huế lo lắng về chất lượng gỗ lim nói riêng và chất lượng toàn công trình cầu đi bộ nói chung đặc biệt là khi mùa mưa lũ ở Huế đang đến gần. Ngoài ra, một số độc giả còn cho rằng, việc nhìn đơn vị thi công gắn vít ốc để kết nối sàn gỗ với mặt cầu cũng thể hiện sự nghiệp dư và độ bền của công trình sẽ công cao.

Báo điện tử VTC News sẽ tiếp tục thông tin sự việc!

Theo Ban Quản lý dự án (BQLDA) KOICA, công trình cầu đi bộ lát gỗ lim là công trình nằm trong dự án thí điểm của dự án "Quy hoạch chi tiết hai bên bờ sông Hương và dự án thí điểm" do KOICA (Hàn Quốc) tài trợ.

Cơ quan tư vấn thiết kế lập quy hoạch và dự án thí điểm là Viện nghiên cứu Han-A và Công ty Kỹ thuật Dohwa của Hàn Quốc.

Theo đó, trong quy mô tóm tắt dự án “Mạng lưới kết nối hệ thống tuyến đường đi bộ phía Nam sông Hương, TP Huế” có cầu đi bộ, bến thuyền, sân khấu biểu diễn ngoài trời, chỉnh trang công viên Lý Tự Trọng, hệ thống giao thông (đường dạo nội bộ), hệ thống chiếu sáng và các hạng mục khác.

Thông tin BQLDA KOICA cung cấp, tổng kinh phí thực hiện dự án là 52,9 tỷ đồng, chi phí xây lắp 51,2 tỷ đồng. Trong đó, hạng mục cầu đi bộ rộng 4m, dài 400m được thiết kế bằng sàn bê tông cốt thép trên hệ cọc bê tông ly tâm D400; mặt trên sàn bê tông được lát mặt gỗ lim dày 5cm, liên kết với sàn bê tông cốt thép. Tổng diện tích lát sàn bằng gỗ lim là 2.438m2.

Dự toán tổng chi phí gỗ lim lát sàn cho cầu đi bộ là 5,14 tỷ đồng (bao gồm phần gỗ lim thành phẩm đã được xử lý (ngâm hóa chất, sấy...) và gia công, lắp dựng.

Theo hồ sơ thiết kế của đơn vị tư vấn Hàn Quốc, nguồn gốc gỗ lim là nhập khẩu chính ngạch, hợp pháp từ Nam Phi, hoàn toàn không ảnh hưởng đến rừng và chủ trương của Chính phủ Việt Nam.

NGUYỄN VƯƠNG
Chuyên đề: Tin nóng trong ngày
Bình luận
vtcnews.vn