(VTC News) - Nhiều giải pháp được ĐB Quốc hội đưa ra nhằm tháo gỡ sự trì trệ của nền kinh tế, trong đó đa số các ý kiến đều nhận định, Chính phủ cần tập trung vào nông nghiệp, nông thôn.
Sáng 30/5, tại buổi thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012 và những tháng đầu năm 2013 của Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội đưa ra ý kiến, trong đó tập trung vào sức khỏe nền kinh tế, doanh nghiệp và nỗi băn khoăn về các con số mà Chính phủ đưa ra.
Băn khoăn nợ xấu, nợ công
Là người phát biểu sớm, đại biểu Nguyễn Văn Hiến (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) làm nóng hội trường khi thẳng thẳn bày tỏ “nghi ngại về các con số Chính phủ đưa ra”. Ông Hiến đánh giá, các chỉ số này có xu hướng “thiên về thành tích”
Các chỉ tiêu mà ông Hiến băn khoăn có thể lập thành danh sách dài như chỉ tiêu lao động qua đào tạo, số giường bệnh, về chỉ tiêu giảm nghèo, các chỉ tiêu về tỉ lệ thất nghiệp, tạo việc làm mới… Không chỉ có vậy, các chỉ tiêu vô cùng quan trọng khác của nền kinh tế như nợ xấu, nợ công, GDP cũng khiến ông Hiến lo ngại về tính chính xác.
Ông Hiến khẳng định từ nhiều năm nay, chúng ta cứ chấp nhận một thực tế vô lý về số liệu GDP của các địa phương luôn cao hơn gấp rưỡi, gấp đôi GDP Quốc gia. Đại biểu Nguyễn Văn Hiến nghi ngại về các con số Chính phủ đưa ra (Ảnh: Vietnamnet)
Về nợ xấu, ông Hiến phát biểu, cuối 2012, nợ xấu khoảng 10%, thanh tra Ngân hàng Nhà nước lại cho rằng 8,6% và trong báo cáo tại kỳ họp này là 7,8%. Hồi tháng 3/2012, Ngân hàng Nhà nước thông báo nợ xấu còn 6%. Mới đây, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đưa ra con số 11,8%.
Ông Hiến đặt câu hỏi con số thực, bản chất nợ xấu nghiêm trọng hơn nhiều so với con số đã công bố. Nếu áp dụng Thông tư 02, nợ xấu của 1 ngân hàng 2-3% có thể tăng lên 15% hoặc hơn nữa. Cho đến giờ vẫn không ai biết lượng nợ xấu tồn kho bất động sản là bao nhiêu. Bởi các số liệu của cơ quan quản lý, các tổ chức nghiên cứu bất động sản rất khác nhau.
Ông Hiến cũng băn khoăn nợ công là bao nhiêu, 55% GDP hay 95% GDP như nghiên cứu của Ủy ban kinh tế của Quốc hội. Và ông cũng không dám chắc liệu tỷ lệ như vậy có an toàn không. Từ nhiều năm nay, chúng ta cứ chấp nhận một thực tế vô lý về số liệu GDP của các địa phương luôn cao hơn gấp rưỡi, gấp đôi GDP Quốc gia. Ông Nguyễn Văn Hiến (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu)
Về hoạt động của các doanh nghiệp lớn, ông Hiến nghi ngại điện lực, xăng dầu công bố lỗ nhưng không ai biết thực hư thế nào.
Khó khăn của doanh nghiệp ở lãi suất hay sức mua?
Các đại biểu hầu hết đều đồng tình với báo cáo cho rằng nền kinh tế ít nhiều gặt hái được thành tựu, nhưng vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) dự báo trong thời gian tới nền kinh tế trong nước vẫn diễn biến theo chiều hướng khó khăn.
Đại biểu Nguyễn Cao Sơn (đoàn Hòa Bình) cho biết hiện nay tình trạng của doanh nghiệp đang ở mức báo động đỏ. Lãi suất cho vay giảm, ngân hàng thừa vốn nhưng doanh nghiệp không tiếp cận được vốn, thị trường bất động sản trầm lắng. Doanh nghiệp trong tình trạng bệnh nặng đợi mãi thuốc mới về, khi có thuốc thì quá muộn, bệnh đã nặng lại càng trầm trọng thêm.
Ông đề nghị Chính phủ hạ lãi suất tiền vay xuống 8%, khoanh nợ các khoản nợ quá hạn,…
Tuy nhiên, nhiều đại biểu khác lại có quan điểm khác khi cho rằng, lãi suất không phải khó khăn hàng đầu của doanh nghiệp.
Đại biểu Phạm Huy Hùng (đoàn Hà Nội), vốn là Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng Vietinbank nhận xét lãi suất trên thị trường hiện đã giảm và không còn là rào cản đối với doanh nghiệp. Theo ông, hiện tại có hiện tượng doanh nghiệp làm ăn tốt thì hạn chế vay vốn. Còn những doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả lại vay vốn, từ đó gây ra nợ xấu cho hệ thống ngân hàng. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, lãi suất không phải khó khăn hàng đầu của doanh nghiệp.
Theo ông Hùng, việc cần làm hiện nay là Chính phủ cần kích cầu sức mua, tăng năng lực của doanh nghiệp và kích cầu toàn bộ nền kinh tế để tăng niềm tin cho người dân.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh cũng nhận xét, điều đáng lo ngại hiện nay là không khí im lặng dò xét, ngồi yên chờ thời của các doanh nghiệp hiện nay; tâm lý lo ngại, thiếu tin tưởng vào các chính sách kinh tế của Nhà nước và lo sợ lợi ích nhóm chi phối.
Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) cũng lo ngại về sức tiêu thụ của thị trường khi khẳng định hàng hóa nhiều nhưng người dân không có tiền mua; ngân hàng nhiều tiền nhưng doanh nghiệp không dám vay vì khó có khả năng trả nợ và hàng tồn kho còn nhiều, nông nghiệp khó khăn vì giá bán đầu ra rẻ còn đầu vào cao,…
Tập trung cho nông nghiệp
Các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn. Các đại biểu đề cập tới nhiều giải pháp liên quan tài chính, tiền tệ, ngân sách,… nhưng đa số các ý kiến đều nhận định Chính phủ cần tập trung vào nông nghiệp, nông thôn.
Đại biểu Trần Quang Chiểu (đoàn Nam Định) nhận định, năm 2013 kinh tế còn tiếp tục khó khăn. Ông đề nghị Chính phủ trong thời gian tới cần ổn định chính sách thu gắn với lộ trình giảm thuế suất; thanh kiểm tra các lĩnh vực chuyển giá, gửi giá, chống buôn lậu, nhất là hàng tạm nhập tái xuất; đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và vùng sâu vùng xa còn khó khăn; ưu tiên tín dụng cho nông nghiệp là trụ đỡ cho nền kinh tế hiện nay, đặc biệt là các mặt hàng nông sản Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu.
Đại biểu Trương Minh Hoàng (đoàn Cà Mau) cũng đề nghị cần đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn vì nông nghiệp trong nhiều hoàn cảnh khó khăn là chỗ dựa của nền kinh tế. Tuy nhiên, ông Hoàng đánh giá, hiện nay sự hỗ trợ của Nhà nước đã đến với người nông dân chưa và nếu có đến thì đến được bao nhiêu %, vì bà con rất khó tiếp cận với các chính sách.
Đại biểu Lê Công Đỉnh (đoàn Long An) đã đề xuất giải pháp tăng cầu cho nông nghiệp, nông thôn vì theo ông Đỉnh đây là lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.
Trong khi đó, đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) nhận định hiện nay, nền kinh tế đang khó khăn và đáng lo hơn nữa là khó khăn của nông nghiệp. Nông nghiệp không còn là chỗ dựa an toàn cho công nhân trở về như trước đây nữa.
Thanh Hà
Bình luận