• Zalo

Gỡ được nút thắt này, vượt Thái Lan không còn là chuyện khó

Kinh tếChủ Nhật, 01/07/2018 17:00:00 +07:00Google News

Vải “được mùa, được giá”, chôm chôm vào được thị trường Úc, xoài sắp đặt chân vào Mỹ, gạo Việt vượt Thái Lan về giá hay thịt lợn tươi lần đầu tiên xuất khẩu chính ngạch,...; trước tín hiệu đáng mừng, nhiều chuyên gia nhận định, những nút thắt đang được gỡ dần, tạo đà cho nông nghiệp Việt Nam bứt phá.

Những cú bứt phá của nông sản Việt

Còn nhớ, vào thời điểm này năm ngoái, ngành chăn nuôi lợn đang chìm trong cơn khủng hoảng. Lợn thừa cung, đầu ra bế tắc, giá giảm kỷ lục khiến người chăn nuôi lâm cảnh nợ nần, trắng tay vì thua lỗ. Lúc đó, các bộ ngành đã phải đồng loạt vào cuộc kêu gọi “giải cứu” thịt lợn nhằm giúp người chăn nuôi vượt qua giai đoạn khốn khó.

Sau một năm, đến nay, chăn nuôi lợn đã có cú bứt phá ngoạn mục. Giá thịt lợn tăng từ 20.000 đồng lên mức cao và ổn định ở 45.000-50.000 đồng/kg, giúp người chăn nuôi có lãi từ 1-1,5 triệu đồng/con lợn.

Mới đây nhất, thịt lợn tươi của Việt Nam lần đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang Myanmar. Đáng chú ý, giá thịt lợn tươi của Việt Nam còn cao hơn 15% so với mức giá thịt lợn trên thế giới.

Đây được cho là điều chưa từng có. Từ trước đến nay, Việt Nam đa phần xuất khẩu thịt lợn hơi sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, một lượng nhỏ thịt lợn sữa được xuất chính ngạch sang các nước Đông Nam Á, còn thịt lợn tươi chưa xuất khẩu được do vướng nhiều rào cản.

Gỡ được nút thắt này, vượt Thái Lan đâu có gì khó

Sau một năm giải cứu, lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu được thịt lợn tươi chính ngạch 

Tương tự, trái với sự bế tắc của ngành gạo năm 2016, đến nửa đầu năm 2018, gạo Việt Nam cũng có cú bứt phá khi giá trị xuất khẩu tăng cả lượng và giá. Đáng mừng hơn, sau bao năm bị lép vế trước đối thủ Thái Lan, giá gạo Việt xuất khẩu đã vượt lên đạt 450 USD/tấn, cao hơn hẳn so với sản phẩm cùng loại của Ấn Độ (410 USD/tấn) và Thái Lan (435 USD/tấn).

Vào đầu tháng 4, ngành rau quả cũng đón tin vui lớn khi chôm chôm lần đầu tiên xuất sang New Zealand, nối dài danh sách những loại quả của Việt Nam “đặt chân” được vào thị trường khó tính này.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), cho biết, sau chôm chôm, xoài cũng sắp vào được thị trường Mỹ. Hiện các khâu cuối cùng đang được hoàn tất.

“Vải thiều cũng đang trong quá trình mở cửa thị trường Nhật Bản, quả nhãn mở cửa thị trường Úc, nếu thuận lợi thì mùa nhãn này chúng ta có thể xuất khẩu nhãn sang Úc”, ông Hoàng Trung chia sẻ.

Không chỉ mở cửa được loạt thị trường khó tính, vụ vải thiều mới đây còn giải được bài toán “được mùa rớt giá” đau đầu lây nay của ngành nông nghiệp. Nông dân đã có vụ vải bội thu được mùa được cả giá.

Báo cáo của tỉnh Bắc Giang - địa phương trồng vải thiều lớn nhất cả nước - cho thấy, tính đến 25/6, toàn tỉnh đã tiêu thụ tổng số 184.000 tấn vải thiều, đạt tổng doanh thu gần 5.000 tỷ đồng và dự báo kết thúc vụ có thể đạt ít nhất 5.500 tỷ.

Gỡ nút thắt, khơi thông thị trường

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, quý I/2018, tốc độ tăng trưởng GDP nông, lâm, thủy sản đạt 4,08%, mức tăng cao nhất trong vòng 13 năm. 6 tháng đầu năm 2018, tổng giá trị xuất khẩu đạt 19,4 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2017.

Tại hội nghị sơ kết ngành nông nghiệp vừa diễn ra, ông Nguyễn Quốc Toản, quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), đánh giá, tăng trưởng của ngành nông nghiệp nửa đầu năm nay là sự tăng trưởng bền vững. Kết quả này, theo ông, là nhờ đã chủ động trong công tác xây dựng kế hoạch và tổ chức thị trường.

Chia sẻ với PV.VietNamNet về cú bứt phá của ngành chăn nuôi lợn, ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), thừa nhận, giá lợn bắt đầu tăng trở lại và ổn định ở mức cao như hiện nay là nằm trong dự liệu, bởi đó là kết quả của việc thực hiện các chính sách giảm cung và tăng cầu.

Gỡ được nút thắt này, vượt Thái Lan đâu có gì khó

 Tái cơ cấu ngành hiệu quả giúp Việt Nam xuất khẩu gạo được giá hơn 2 đối thủ Thái Lan và Ấn Độ

Ông Dương cho hay, giá lợn tầm này năm 2017 rất thấp, đặc biệt, giá thấp kéo dài từ cuối 2016 sang đến 2017. Khi đó, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo các địa phương giảm cung, tăng cầu với chính sách giảm đàn nái, tăng nhu cầu tiêu dùng thịt lợn trong nước, giảm nhập khẩu. "Việc giảm đàn nái thông thường thì phải 1 năm mới thấy được hiệu quả. Đến thời điểm này, chúng ta đã thấy sự tác động tích cực là giá lợn trên khắp cả nước đã tăng mạnh, giúp người chăn nuôi có lãi", ông nói.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám, nông nghiệp đang thực hiện chiến lược quan trọng là tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững cũng như triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Vừa qua Chính phủ đã có nhiều cơ chế chính sách, đặc biệt là khuyến khích các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi. Nhờ vậy, chúng ta tiến hành tái cơ cấu ngành bằng cách tổ chức sản xuất theo chuỗi và truy xuất nguồn gốc sản phẩm cũng như đáp ứng được các điều kiện về an toàn thực phẩm và các điều kiện về kiểm dịch.

Điều này có nghĩa, thay vì trước đây chúng ta chỉ sản xuất theo phong trào thì giờ đã gắn với chuỗi. Các doanh nghiệp đầu chuỗi sẽ tiếp cận thị trường, căn cứ vào hợp đồng đã ký với các nhà nhập khẩu sau đó mới quay trở lại tổ chức sản xuất, tức là quy trình ngược so với trước đây. Bằng chứng chúng ta đã bước đầu thành công khi xuất khẩu được lô thịt lợn tươi đầu tiên, ông Tám chia sẻ.

Hay, những năm gần đây và đặc biệt là năm 2018, cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang đã chủ động phối hợp cùng bà con nông dân và các doanh nghiệp trong, ngoài nước,... lên kế hoạch tiêu thụ vải thiều.

“Tôi cho rằng việc làm này rất chủ động, bài bản, đúng phương châm cùng với Trung ương, cùng với tỉnh, cùng với bà con không chỉ ở khâu sản xuất mà còn ở khâu tiêu thụ. Do đó, đến giờ phút này chúng ta đang đi đúng kế hoạch, đó là chủ động để làm sao được mùa mà không bị mất giá”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận xét khi thăm vùng vải thiều Lục Ngạn giữa tháng 6 vừa qua.

Một số chuyên gia ngành nông nghiệp nhận định, điểm yếu của nông nghiệp Việt là sản xuất manh mún nhỏ lẻ, yếu khâu chế biến, thương mại, tổ chức sản xuất và xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, những nút thắt này đang được cởi ra, thị trường dần được khơi thông, tạo nên những cú bứt phá ngoạn mục trong ngành nông nghiệp thời gian gần đây.

Video: Bí kíp đưa trái vải Việt 'đi Tây' của nông dân Bắc Giang

(Nguồn: Vietnamnet)
Bình luận
vtcnews.vn