Ngày 26/11, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và xúc tiến đầu tư vùng.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, phát triển đô thị vẫn luôn được coi là động lực của phát triển kinh tế - xã hội. Vùng Đông Nam Bộ sẽ tiếp tục tăng về số lượng đô thị, như đến năm 2025 dự kiến thêm 10 đô thị và đến năm 2030 tăng thêm 20 đô thị và nhiều đô thị tiếp tục hoàn thiện chất lượng để nâng loại đô thị trong giai đoạn tới.
"Để gỡ những "nút thắt" giao thông ảnh hưởng đến sự phát triển và năng lực cạnh tranh của vùng Đông Nam Bộ, nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu hiện nay là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông kết nối vùng gắn với các vùng lân cận và cảng biển, sân bay thông qua các tuyến đường bộ cao tốc", Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng góp ý.
Dự báo đến năm 2030 cho thấy vùng Đông Nam Bộ có nhu cầu vận tải vượt xa so với năng lực đáp ứng của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện tại. Các quốc lộ chính yếu (QL1, QL13, QL51, QL22, QL14) có nhiều đoạn đã đầy tải, hiện chỉ mới đưa vào khai thác 95/911 km cao tốc theo quy hoạch.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các tuyến đường bộ cao tốc kết nối vùng Đông Nam Bộ là khoảng 413.000 tỷ đồng. Mục tiêu là nâng tổng số km đường bộ cao tốc vùng lên 772 km trong giai đoạn 2021- 2030. Ông Nguyễn Văn Thắng góp ý, cần có cơ chế, chính sách sáng tạo, đột phá trong huy động vốn tư nhân, các nguồn vốn hợp pháp khác tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông.
Cùng quan điểm, Chủ tịch UBND TP,HCM Phan Văn Mãi đề xuất hình thành quỹ phát triển hạ tầng giao thông vùng với nguồn vốn hỗn hợp (kêu gọi tài trợ quốc tế, vốn Trung ương, vốn địa phương theo khả năng cân đối ngân sách của từng địa phương).
Chủ tịch UBND TP.HCM đề xuất Bộ GTVT và các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu phát triển mạng lưới đường sắt kết nối vùng theo mô hình T.O.D. (mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng). TP.HCM đang báo cáo với cơ quan thẩm quyền và khi có nghị quyết chính thức sẽ tổ chức thực hiện các cơ chế đặc thù để phát triển TP.HCM, góp phần phát triển vùng Đông Nam Bộ.
Bày tỏ mong muốn các địa phương phối hợp đề xuất các chương trình hợp tác phát triển hạ tầng chung, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ cho biết, tỉnh đã chủ động triển khai một số công việc: Tổ chức lập quy hoạch và triển khai các thủ tục kêu gọi đầu tư Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ với diện tích hơn 1.686 ha; hiện nay đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình cấp có thẩm quyền.
Ấn tượng khi chứng kiến hội trường sức chứa 700 chỗ ngồi chật kín người, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng: "Đây là tín hiệu đáng mừng vì các vị đại biểu quan tâm đến hội nghị, mang đến không khí chân thành, cởi mởi, trách nhiệm với phát biểu thể hiện hiểu biết sâu sắc đối với vùng kinh tế quan trọng này, gợi mở nhiều ý tưởng hay, góp ý nhiều vấn đề để tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức".
Thủ tướng nhấn mạnh, đây là vùng có tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh rất rõ. Và thời gian qua, vùng có đóng góp quan trọng vào thành quả chung của đất nước. "Có được thành quả này là do sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, vào cuộc của nhân dân, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, đóng góp của doanh nghiệp, người dân", Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, còn nhiều việc phải làm, nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Thủ tướng nêu rõ, đó là các mâu thuẫn cần được giải quyết, trong đó mâu thuẫn lớn nhất là tiềm năng rất lớn nhưng cơ chế, chính sách còn hạn hẹp.
Kết nối hạ tầng chiến lược, đồng bộ chưa hiệu quả, đầy đủ, toàn diện. Huy động nguồn lực chủ yếu dựa vào Nhà nước, chưa phát huy được các cơ chế hợp tác công tư, huy động nguồn lực xã hội. Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao "chưa ngang tầm với vai trò, vị thế của vùng, chưa ngang tầm với yêu cầu của sự phát triển, với mong muốn của chúng ta". Phát triển văn hoá chưa theo kịp phát triển về chính trị, kinh tế, xã hội.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, vùng còn đối diện nhiều thách thức, lớn nhất là phát triển chưa bền vững, trong đó có phát triển đô thị, ùn tắc giao thông, chống biến đổi khí hậu, nước biển dâng, úng ngập.
Bình luận