"Thành thật mà nói, chúng tôi không biết chính xác lý do khiến số người chết vì COVID-19 ở Nhật giảm đột ngột", Giáo sư Taro Yamamoto tới từ Đại học Nagasak cho biết.
Sau Thế Vận hội Olympic, số ca COVID-19 tại Nhật Bản tăng mạnh. Cuối tháng 8, nước này liên tục ghi nhận hơn 20.000 ca COVID-19/ngày.
Tình hình dịch căng thẳng khiến các chuyên gia lo ngại nguy cơ hệ thống y tế của thủ đô Tokyo và một số thành phố khác sẽ sớm rơi vào tình trạng quá tải.
Nhưng tới đầu tháng 9, dịch bệnh tại "xứ hoa anh đào" bất ngờ suy giảm. Số ca bệnh bắt đầu giảm xuống dưới ngưỡng 10.000 ca/ngày. Những tuần gần đây, số ca bệnh giảm xuống chỉ còn vài trăm ca. Kể từ đầu tháng 11, nước này chỉ ghi nhận 5 ca tử vong vì COVID-19.
Hàng loạt giả thiết
Châu Á - vốn đã có kinh nghiệm ứng phó với SARS và MERS trước đó nên thường ghi nhận các đợt dịch bớt nghiêm trọng hơn so với các nước châu Âu và châu Mỹ.
Tại Nhật Bản, các nhà nghiên cứu đang xem xét một số yếu tố như thời tiết, mô hình chu kỳ lây lan của virus và khả năng từng nhiễm virus với chủng nCoV gây bệnh nhẹ trước đó.
Một số chuyên gia cho rằng các đặc điểm di truyền tiềm ẩn của người Nhật tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh hơn trước nCoV. Dù vậy họ cho rằng cần phải có thêm nghiên cứu trước khi đưa ra kết luận.
Nhật Bản hiện tiêm chủng cho hầu hết dân số và đa phần người dân đều tuân thủ nghiêm ngặt việc đeo khẩu trang.
"Rõ ràng chiến dịch tiêm chủng, đeo khẩu trang và giãn cách xã hội là các lý do khiến số ca nhiễm và tử vong giảm. Nhưng chúng không thể giải thích cho diễn biến dịch hiện nay, đặc biệt là khi so sánh với Hàn Quốc", ông Yamamoto cho hay.
Tại Hàn Quốc, tỷ lệ tiêm chủng ở mức rất cao và người dân cũng tuân thủ các quy định nghiêm túc các quy định về phòng dịch. Tuy nhiên, nước này nhiều ngày qua liên tục ghi nhận các kỷ lục mới về dịch, khiến hệ thống y tế rơi vào tình trạng quá tải.
“Vẫn chưa rõ liệu có yếu tố X nào đó tồn tại đặc trưng ở người Nhật Bản hay người Đông Á hay không. Nhưng nếu xác định được yếu tố này, chúng tôi hy vọng nó sẽ giúp hiểu và kiểm soát virus", ông Yamamoto nói thêm.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo không loại trừ khả năng các con số thống kê dịch ở mức thấp tại Nhật Bản cho thấy sự thiếu hụt về xét nghiệm diện rộng, chậm trễ trong truy vết và báo cáo các ca tử vong từ các địa phương.
Ông Michinori Kohara, nhà nghiên cứu tại Viện Đô thị Tokyo cho rằng số liệu mà chính phủ Nhật Bản thống kê về dịch có thể chỉ bằng 1/4 cho tới 1/10 con số thực tế.
Hàn Quốc bối rối
Các chuyên gia Nhật Bản đang theo dõi tình hình tại các bệnh viện để đánh giá hệ thống y tế đang hoạt động ra sao và liệu có những trường hợp nhiễm bệnh nhưng không được báo cao hay không.
Tới hiện tại, họ cho rằng tình hình đã cải thiện đáng kể so với mùa hè, thời điểm các bệnh viện quá tải do phải tiếp nhận cơn lũ bệnh nhân. Các ca bệnh nghiêm trọng hiện cũng đã được kiểm soát.
Nhật Bản đang siết chặt kiểm soát biên giới, đặc biệt là khi biến chủng Omicron đang lan rộng.
Hôm 16/12, Nhật Bản ghi nhận ca nhiễm Omicron đầu tiên. Tới 23/12, số ca nhiễm biến chủng mới tại nước này tăng lên 200 trường hợp.
Nhưng số ca bệnh nhìn chung vẫn ở mức thấp. Tuần trước, số ca nhiễm trung bình của Tokyo là 25 ca.
Tháng trước, Taisuke Nakata - phó giáo sư tại Đại học Tokyo cùng các cộng sự tiến hành một nghiên cứu phân tích 6 giả thiết dẫn tới diễn biến dịch bất thường tại Nhật Bản bao gồm: bùng phát theo chu kỳ 120 ngày, người dân tránh các khu vực có nguy cơ cao, tiêm chủng, thời tiết, miễn dịch cộng đồng và tỷ lệ nhân lên của nCoV thấp.
Họ kết luận rằng yếu tố cuối cùng - tỷ lệ nhân lên của nCoV, phản ánh một người có thể lây nhiễm virus cho bao nhiêu người có thể là nhân tố quyết định. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu vẫn không thể giải thích vì sao tỷ lệ này lại thấp và làm thế nào mà nó vẫn thấp ngay cả khi chính phủ đã dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp từ tháng 10.
Diễn biến dịch hiện tại Nhật Bản cũng khiến quốc gia láng giềng Hàn Quốc bối rối.
"Nhiều người trong chúng tôi ở Hàn Quốc khá bối rối trước việc số ca COVID-19 và người chết ở nước láng giềng gần chạm xuống mức 0", Giáo sư y tế dự phòng Lee Duk-hee tại Đại học Quốc gia Kyungpook (Hàn Quốc) cho hay.
Một số nghiên cứu tại Nhật Bản nhận thấy rằng tình trạng di truyền hoặc sức khỏe của người dân Nhật Bản, bao gồm tỷ lệ béo phì thấp cũng có thể góp một phần nguyên nhân.
Nghiên cứu được Viện Riken công bố tuần trước cho thấy, một đặc điểm di truyền được tìm thấy trong các tế bào bạch cầu của 60% người Nhật tạo ra phản ứng miễn dịch với nCoV.
Đặc điểm di truyền này được gọi là HLA-A24, phổ biến ở các nước Đông Á và được tìm thấy ở nhiều quốc gia không phải chứng kiến các làn sóng COVID-19 quá nghiêm trọng, bao gồm cả Nhật Bản và Hàn Quốc.
Nhưng vấn đề là diễn biến dịch ở Hàn Quốc khác biệt rất nhiều so với những gì đang diễn ra ở nước láng giềng. Đây là câu hỏi mà cả phía Hàn Quốc và Nhật Bản đang phải đau đầu tìm câu trả lời.
Bình luận