Chỉ tính riêng trong tháng 2 và tháng 3 vừa qua, khi dịch COVID-19 tàn phá nền kinh tế, sức mua của phân khúc sản phẩm nhà ở trên thị trường bất động sản nói chung sụt giảm thê thảm, chỉ đạt 15% so với số lượng hàng hóa bán ra.
Trong khi đó, phân khúc bất động sản du lịch cũng rơi vào cảnh "chợ chiều" khi không có khách thuê và chỉ có phân khúc bất động sản công nghiệp là điểm sáng duy nhất của thị trường.
Theo báo cáo quý I/2020 của JLL, Việt Nam vẫn là một điếm đến đầy hứa hẹn từ khi làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc bắt đầu. Dù dịch COVID-19 đang gây ra những khó khăn nhất định đối với các quyết định cũng như hoạt động di dời, chủ đầu tư vẫn tự tin tăng giá đất do đây là xu hướng đầu tư trong dài hạn.
Đơn vị này cho biết, với nền tảng cơ sở hạ tầng phát triển khá tốt và giáp với Trung Quốc, miền Bắc thu hút phần lớn các nhà sản xuất lớn muốn đa dạng hóa danh mục sản xuất bên cạnh cơ sở tại Trung Quốc.
Do đó, giá đất trung bình khu công nghiệp tại miền Bắc trong quý I đạt 99 USD/m2/chu kì thuê, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhà xưởng xây sẵn - lựa chọn yêu thích của các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn giữ ở mức giá thuê ổn định dao động từ 4 - 5 USD/m2/tháng và đều đã được lấp đầy.
Cũng theo báo cáo của JLL, nhu cầu thuê đất trong quý I vẫn ở mức cao. Tuy nhiên, từ tháng 2, khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, việc hạn chế di chuyển giữa các khu vực đã khiến các giao dịch bị đình trệ do các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, không thể trực tiếp thực địa và làm việc với chủ đầu tư khu công nghiệp.
Các giao dịch thành công trong quý chủ yếu là đã được thực hiện trước dịch. Tỉ lệ lấp đầy toàn khu vực tăng ở mức tương đối đạt 72% tính đến cuối quý I năm nay.
Đáng chú ý, quỹ đất vẫn đủ để đáp ứng nhu cầu thuê dù không có khu công nghiệp mới nào được đưa vào hoạt động trong quý vừa qua. Bắc Ninh và Hải Phòng vẫn đóng vai trò là 2 thị trường công nghiệp dẫn đầu miền Bắc.
Theo JLL: “Nhờ vào nền tảng phát triển công nghiệp mạnh, xu hướng các khu công nghiệp mới cùng các giai đoạn mở rộng cũng sẽ tập trung phát triển chủ yếu tại 2 tỉnh thành này”.
Đơn vị nghiên cứu thị trường này dự báo, việc tạm hoãn các thỏa thuận thuê đất và các nhu cầu mới sẽ có khả năng ngày càng rõ nét hơn nếu tình hình dịch bệnh không sớm cải thiện. Tuy nhiên, thị trường sẽ phục hồi và phát triển nhanh sau khi dịch được kiểm soát.
Việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do tác động của dịch bệnh đã khiến các doanh nghiệp nhận ra sự cấp bách của việc đa dạng hóa danh mục sản xuất, khi họ đã quá phụ thuộc vào một quốc gia.
“Dịch Covid-19 có thể là chất xúc tác mới thúc đẩy quá trình dịch chuyển sản xuất - vốn đã được đẩy nhanh vì căng thẳng thương mại vào năm ngoái - diễn ra nhanh hơn. Trong bối cảnh này, khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ càng khẳng định vị thế là điểm đến tiềm năng cho các doanh nghiệp”, JLL nhận định.
Trong bản thuyết trình với các nhà đầu tư về kết quả kinh doanh năm 2019 gần đây, tập đoàn Vingroup và cụ thể là công ty con của tập đoàn này là Vinhomes cho biết muốn tham gia vào lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp.
Lĩnh vực này được kỳ vọng sẽ trở thành động lực tăng trưởng mới cho tập đoàn Vingroup kể từ năm nay. Và có thể Vinhomes sẽ phát triển các dự án bất động sản công nghiệp đầu tiên tại Hải Phòng.
Vingroup đặt mục tiêu góp phần tạo điều kiện cho nhiều nhà cung cấp thiết bị phụ trợ trên thế giới phát triển cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Mục tiêu này sẽ được hiện thực hóa qua việc xây dựng hệ sinh thái dây chuyền sản xuất ô tô nội địa, phù hợp với chiến lược tổng thể của Vingroup để đẩy mạnh phát triển mảng công nghiệp.
Tương tự như Vingroup, phân khúc sản phẩm phục vụ ngành sản xuất công nghiệp đang là niềm hy vọng của các doanh nghiệp tại miền Bắc.
JLL cho biết Bắc Ninh và Hải Phòng với nguồn cung lớn vẫn là hai thị trường khu công nghiệp dẫn đầu miền Bắc. JLL cũng nhận định thị trường bất động sản này sẽ sôi động trở lại với nhiều hợp đồng thuê được ký kết ngay khi dịch bệnh kết thúc.
Video: Bất động sản nghỉ dưỡng, món hời kèm nhiều rủi ro
Bình luận