Người Việt Nam ở nước ngoài bao gồm nhiều thành phần, nhiều hoàn cảnh khác nhau: người sang du học và ở lại sinh sống vì điều kiện công tác, người sang làm ăn, buôn bán với mong muốn tích lũy để gửi về cho gia đình, một số người có điều kiện thì đưa người thân sang cùng sống và làm việc ở các nước phát triển hơn để nâng cao chất lượng đời sống... Nhưng dù ở bất cứ đâu, bản thân họ vẫn luôn nhận thức rất rõ về cội nguồn dân tộc, về dòng giống tiên rồng: tiếng Việt là nguồn cội, là thứ tiếng mẹ đẻ mà không gì có thể thay thế được.
Song, trẻ em Việt Nam ở nước ngoài ngày nay đang dần xa cách với văn hóa truyền thống của đất nước. Bị cuốn theo chương trình học dày đặc bằng ngôn ngữ nước sở tại, các em không còn thời gian để tìm hiểu về văn hóa Việt Nam, thậm chí không biết dân ca là gì hay nồi bánh chưng tết có ý nghĩa ra sao.
Hơn nữa, sinh ra tại nước ngoài, các em có cả một thế giới tuổi thơ gắn liền với những bạn bè người nước ngoài, hòa nhập trong nếp sống và ngôn ngữ của họ. Bởi vậy, vô hình chung tiếng mẹ đẻ lại chỉ được coi là ngôn ngữ thứ 2, tiếng Việt lại trở thành ngoại ngữ cũng là điều dễ hiểu, và trong lòng các bậc cha mẹ đều canh cánh một nỗi lo chung là làm thế nào để trẻ hiểu được tại sao phải học và hào hứng học tiếng Việt trong khi chúng hoàn toàn thoải mái trong một môi trường ngôn ngữ khác.
Gia đình anh Tiến (người Việt tại Cộng hòa Séc) cũng muốn dạy tiếng Việt cho con từ sớm để lưu giữ nét văn hóa truyền thống cho con trẻ |
Hơn lúc nào hết, việc hướng trẻ em đến với bản sắc dân tộc đang trở thành một vấn đề cấp thiết. Điều đó thể hiện rất rõ trong nhiều cộng đồng người Việt trên thế giới, khi gặp nhau thay vì tự hào khoe con mình rất giỏi tiếng Pháp, tiếng Nga… người ta hồ hởi khoe con mình đã biết nói tiếng Việt cùng cả nhà rồi. Người Việt ở đâu cũng đau đáu một nỗi niềm về gìn giữ “tiếng mẹ đẻ”, để trẻ em Việt Nam ở nước ngoài hiểu và trân trọng ý nghĩa của tiếng nói quê hương.
Trong hội thảo “Bảo tồn văn hóa dân tộc, gìn giữ tiếng Việt” do Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (thuộc Bộ Ngoại giao) tổ chức vào tháng 9/2012 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn đã phát biểu: “Biết ngôn ngữ dân tộc mới hiểu cội nguồn”.
Quả thực, đối với cộng đồng người Việt ở nước ngoài thì tiếng Việt không chỉ đơn thuần là phương tiện giao tiếp mà còn là công cụ hữu hiệu để lưu giữ văn hóa truyền thống của dân tộc. Những người lớn tuổi không khỏi buồn lòng khi thấy con em mình không biết tiếng Việt, bởi quên tiếng mẹ đẻ nghĩa là sẽ quên đi gốc gác, cội nguồn mà mình đã được sinh ra. Nếu như trẻ ở Việt Nam được tham gia các chương trình du học hè tại nước ngoài để học kỹ năng sống và tăng cường vốn ngoại ngữ thì có lẽ trẻ em gốc Việt ở nước ngoài cũng nên được học nhiều hơn nữa về đất nước, con người Việt Nam, và học để không quên tiếng Việt.
Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có điều kiện đưa trẻ về nước thường xuyên trong những dịp lễ, tết... Và khi đó, cách tốt nhất để đưa trẻ hướng về quê hương là cho trẻ tiếp xúc với văn hóa Việt nhiều hơn qua sách báo, truyền hình, mạng internet…
Ngày nay, với lợi thế của thời đại công nghệ số, Internet đang được ứng dụng triệt để trong truyền tải thông tin trên khắp thế giới. Indochine TV là một trong những dịch vụ truyền hình sử dụng đường truyền internet, truyền phát số lượng lớn các kênh truyền hình Việt Nam sang nước ngoài, từ VTV1, VTV3, VTV4… cho phép người dùng ở khắp nơi trên thế giới xem được trực tiếp các kênh cùng lúc với người dùng trong nước, nhờ đó mà kiều bào xa Tổ quốc vẫn theo dõi được tình hình đất nước từng ngày từng giờ như đang sống ở Việt Nam vậy.
Việc cho trẻ thường xuyên xem các kênh truyền hình phát từ Việt Nam sẽ giúp trẻ hiểu biết sâu hơn về Việt Nam, có ý thức gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa Việt, không quên tiếng mẹ đẻ của mình. 30 kênh được phát trên Indochine TV với nội dung đa dạng sẽ giúp các thế hệ người Việt thứ 2, thứ 3 trở đi có thêm một phương tiện để nhắc nhớ, để học tiếng Việt và hiểu rõ hơn về văn hóa Việt, là cầu nối mang lại cho kiều bào xa Tổ quốc cảm giác xa quê hương nhưng không xa nhà.
Hoài Thu
Bình luận