• Zalo

Giới trẻ Việt phấn khích về tấm bản đồ cổ Trung Quốc

Thế giớiThứ Hai, 30/07/2012 06:00:00 +07:00Google News

(VTC News) - Sau khi thông tin về tấm bản đồ cổ của Trung Quốc xác định Đảo Hải Nam là cực Nam được công bố, giới trẻ Việt đã có những phản ứng rất tích cực.

(VTC News) - Sau khi thông tin về tấm bản đồ cổ của Trung Quốc xác định Đảo Hải Nam là cực Nam được công bố, giới trẻ Việt đã có những phản ứng rất tích cực.

Tấm bản đồ cổ có tên "Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ" được nhà Thanh vẽ và xuất bản năm 1904, trong đó ghi rõ cực Nam của Trung Quốc lúc đó chỉ giới hạn ở Đảo Hải Nam.

Với hơn 200 năm nghiên cứu, dày công vun đắp kể từ đời Vua Khang Hy, tấm bản đồ của triều đình nhà Thanh ra đời phản ánh chính xác những gì mà người Trung Quốc có lúc đó và mang tính pháp lí rất cao.

Sau khi các phương tiện truyền thông đưa tin về việc Tiến sĩ Mai Ngọc Hồng (nguyên trưởng phòng tư liệu thư viện của Viện Hán - Nôm, hiện là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng phả học Việt Nam) tặng tấm bản đồ cho Bảo tàng lịch sử Quốc gia, đã có rất nhiều phản ứng tích cực từ phía các ban trẻ Việt Nam trên internet.

Tiến sĩ Mai Ngọc Hồng tặng Bảo tàng lịch sử Quốc gia tấm bản đồ của Trung Quốc năm 1904 (Ảnh: Internet) 
Trên các trang fanpage faebook có nhiều người theo dõi đã có những cuộc thảo luận rất sôi nổi giữa các thành viên về tấm bản đồ này, tiêu biểu là TCCL với hàng trăm ngàn thành viên trên faceboook.

TCCL và một số trang facebook khác cũng đã dùng hình thức chia sẻ các bài viết trên những báo điện tử uy tín như VTC News, Vnexpress hay Dân trí.. về Hoàng Sa và Trường Sa để những thông tin trên tiếp cận nhiều hơn với bạn đọc.


Bàn luận về vấn đề này, bạn Huy Ha Quang nói rằng: "Từ thời Lý, Trần chúng ta đã có lính và dân ra đảo xây nhà lập ấp, trấn giữ biển ải". Trong đó, có một vài bình luận theo hướng buông xuôi, thờ ơ đã phải nhận rất nhiều sự phản đối của các thành viên khác.

Le Thanh Thuy, một thành viên khác thì cho rằng: "Việc bằng chứng đưa ra là cần thiết, tuy nhiên Trung Quốc chẳng vì thế mà thay đổi thái độ, thay vì kêu ca chúng ta có thể học tập, rèn luyện thật tốt để có được sức mạnh lớn nhất khi tổ quốc cần".

Lượng thích và chia sẻ khá lớn về câu chuyện tấm bản đồ trên facebook cho thấy sự quan tâm của giới trẻ đến tổ quốc  
Ngoài facebook, các trang mạng xã hội khác như Google+, Zing hay các diễn đàn công nghệ như vozforums.. cũng nhận được sự hưởng ứng, phấn khích của các thành viên khi bàn luận về tấm bản đồ.

Mặt khác, trên chính các phương tiện truyền thông, sau khi đưa ra thông tin này cũng nhận được nhiều đóng góp tâm huyết từ phía độc giả.

Bạn Anh Tuấn, độc giả của một tờ báo điện tử cho biết: "Theo tôi, với chứng cứ lịch sử không thể chối cãi trên, cần tập trung nhân rộng, công bố rộng rãi trong nước và quốc tế. Điều quan trọng hơn cả là công tác thông tin, tuyên truyền, tạo dư luận".

Ngoài ra, facebook Việt Nam Sử Lược đã có một hình ảnh lớn về tấm bản đồ cổ Trung Quốc, kè theo đó là những dòng chữ bằng 2 ngôn ngữ Tiếng Việt và Tiếng Anh với nội dung:

"Chúng tôi, những người Việt Nam yêu chuộng hoà bình kêu gọi toàn thể du học sinh Việt Nam nói riêng và các công dân Việt Nam đang học tập, sinh sống và làm việc tại các quốc gia trên toàn thế giới nói chung: Hãy chia sẻ thông tin này đến các bạn bè quốc tế và kêu gọi họ cùng chia sẻ nhằm vạch trần các hành động của chính quyền Trung Quốc đã và đang xâm phạm chủ quyền của các quốc gia trong khu vực biển Đông, nhằm giúp cho bạn bè quốc tế và nhân dân Trung Quốc biết rằng: Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không thuộc chủ quyền của nước CHDCND Trung Hoa".

Phần chú thích được ghi bằng 2 ngôn ngữ bên cạnh hình ảnh tấm bản đồ đang được chia sẻ rộng rãi trên facebook của Việt Nam Sử Lược 

Đây không phải là lần đầu tiên các bạn trẻ trên facebook ra lời kêu gọi ủng hộ chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Trung Quốc liên tiếp bày tỏ thái độ trên Biển Đông cùng với việc đưa ra được những bằng chứng thuyết phục như tấm bản đồ, lời kêu gọi của Việt Nam Sử Lược đã nhận được hơn 3.000 người thích và ngần đó người chia sẻ thông tin trên.

Còn rất nhiều các trang mạng xã hội, diễn đàn cũng đang 'nóng' với chủ đề bản đồ cổ Trung Quốc. Nhiều bức ảnh, thông điệp đang được chia sẻ để chứng minh sự thực: Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam.

Hạ Âu

Bình luận
vtcnews.vn