Tới dự buổi biểu diễn vở kịch hát Ngàn năm mây trắng có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình; ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; ông Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương...
Ngàn năm mây trắng là tác phẩm của Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, được xây dựng từ kịch bản văn học của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ.
NSND Thanh Ngoan - Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam và NSND Triệu Trung Kiên - Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam đồng đạo diễn.
Vở diễn có sự tham gia của hơn 60 nghệ sĩ, nhạc công đến từ Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam cùng các nghệ sĩ của Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam.
Vở Ngàn năm mây trắng được PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ lấy cảm hứng từ sự tích Hòn vọng phu Tô Thị. Tuy nhiên, vở kịch giảm bớt tính bi thương trong cốt truyện cổ, chỉ giữ lại điều điều quan trọng nhất là tâm thế chờ chồng (đi chiến trận) và ở niềm tin vào tình yêu vốn bất tử.
Ngàn năm mây trắng ghi lại hành trình Tô Thị bồng con đi tìm chồng là Trần Khôi. Dù Trương Lỗ - người anh em kết nghĩa của Trần Khôi khẳng định chàng ra đi nơi chiến trận nhưng Tô Thị luôn tin rằng chồng mình còn sống. Nàng bế con vượt suối sâu, đèo cao, rừng thẳm đi tìm chồng.
Ở mỗi một nơi, người ta lại kể cho nàng nghe câu chuyện về Trần Khôi. Mỗi câu chuyện được thể hiện qua các loại hình nghệ thuật như: Cải lương, Chèo, Xẩm hay ca Huế.
Mỗi câu chuyện tuy khác nhau nhưng lại có chung cái kết, đó là Trần Khôi đều không trở về. Sau mỗi lần nghe như vậy, Tô Thị đều nói: “Đó không phải là Trần Khôi, chồng tôi”. Nàng vẫn giữ niềm tin mãnh liệt rằng chồng mình vẫn còn sống và tiếp tục đi tìm chồng.
Ngàn năm mây trắng ca ngợi những con người không tiếc xương máu để bảo vệ Tổ quốc và lòng thủy chung son sắt của người phụ nữ Việt Nam.
Xây dựng vở kịch hát theo hành trình nàng Tô Thị đi tìm chồng nên ê-kíp có thể khéo léo kết hợp các loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam như: Cải lương, chèo, ca Huế và hát xẩm. Đây có thể nói là vở kịch đầu tiên có sự kết hợp của 4 loại hình nghệ thuật truyền thống.
Đạo diễn - NSND Triệu Trung Kiên nói về những khó khăn khi kết hợp các loại hình nghệ thuật truyền thống trong vở Ngàn năm mây trắng, đặc biệt là giữa chèo và cải lương. “Chèo là một loại hình sân khấu kịch hát đậm đà tính dân tộc, với sự kết hợp nhuần nhuyễn của hàng loạt yếu tố: hát, múa, nhạc, kịch mang tính nguyên hợp độc đáo, mang những phương pháp sân khấu của Phương Đông.
Cải lương lĩnh hội hoàn toàn từ âm nhạc đờn ca tài tử, sau đó tiếp thu các phương pháp của kịch nghệ phương Tây. Yếu tố chính trong vở diễn này là nghệ thuật sân khấu cải lương.
Trong nghệ thuật cải lương đã có 50% là hiện thực. Và từ hiện thực đó, theo chân nàng Tô Thị đi tìm chồng đã bắt gặp những không gian không hiện thực. Những không gian mang nhiều tính kể chuyện tự sự được tái hiện bằng nghệ thuật Chèo, hát Xẩm, ca Huế...
Chúng tôi kết nối được các loại lại với nhau không khiên cưỡng, lắp ghép mà hòa quện ngọt ngào. Mỗi không gian của mỗi loại hình nghệ thuật được bảo toàn để hòa nhập nhưng không hòa tan”.
Bình luận