Không chỉ trong dư luận mà giới hội họa Việt Nam cũng "dậy sóng" vì sự việc các ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên, Quang Lê, Vũ Hà... ký tên lên tranh của họa sĩ nổi tiếng Hứa Thanh Bình sau khi đấu giá từ thiện.
Hiện tại, đã có những nhân vật như các họa sĩ Nguyễn Thanh Bình, Đỗ Trung Quân, Siu Quý (Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam), Lê Kinh Tài, Lương Lưu Biên... hay ông Hoàng Anh Tuấn (Giám đốc Bảo tàng lịch sử TP.HCM) lên tiếng về sự việc.
Trong đó, họa sĩ Nguyễn Thanh Bình cùng họa sĩ Hứa Thanh Bình (tác giả bức tranh được đấu giá) được coi là 2 tên tuổi nổi tiếng của hội họa Việt Nam đương đại. Đây cũng là 2 họa sĩ Việt có tranh bán chạy và được công chúng nước ngoài biết đến.
"Michael Jackson cũng không dám ký tên lên tranh"
Về chuyên môn, giới họa sĩ nhận xét, bức tranh ngựa của họa sĩ Hứa Thanh Bình được đấu giá hôm 30/8 là một tác phẩm rất đẹp và giá trị. Hơn nữa, với người yêu tranh lâu năm, tranh Hứa Thanh Bình luôn rất dễ nhận ra vì có phong cách riêng.
Họa sĩ Nguyễn Thanh Bình khẳng định: "Có 3 thứ không ai được phép ký tên, viết bậy lên: tác phẩm hội họa, cổ vật và di tích lịch sử. Đơn giản vì đó không phải là đồ vật như đôi giày, trái banh hay cái áo thun.
3 thứ đó là giá trị văn hoá, dù tranh hay cổ vật có thể mua bán, nhưng sự mua bán đó mang nghĩa khác, giống như vé xem ca nhạc, xem phim không phải là vé tàu, vé xe... Liệu ai có thể chấp nhận một kẻ tự nhiên cố tình đập bể một chiếc bình cổ rồi xin lỗi?".
Ông so sánh thêm: "Một làn điệu dân ca hay một điệu múa cổ là giá trị văn hoá phi vật thể phải được bảo tồn, thì tác phẩm hội hoạ cũng có bảo tàng để bảo tồn giá trị của nó cho những thế hệ sau".
Trên mạng, quan điểm "bức tranh sau khi mua bán cũng là một món hàng bình thường", "người bỏ tiền mua tranh có quyền làm mọi thứ họ thích với bức tranh" khá phổ biến. Điều này khiến giới họa sĩ đau lòng vì với họ, một bức tranh có ý nghĩa hơn một món hàng, dù đã qua mua bán.
Bình luận dưới trạng thái của họa sĩ Nguyễn Thanh Bình, nhà khảo cổ Nguyễn Thị Hậu viết: "Nói cho cùng, nếu người mua được bức tranh không đồng ý hay gợi ý thì các nghệ sĩ cũng không hồn nhiên ký lên đó". Nhà khảo cổ gọi đây là "những đại gia chưa đủ trình văn hóa".
Nhà văn kiêm họa sĩ Đỗ Trung Quân bày tỏ: "Một bức tranh hoàn toàn không phải một poster hay tờ lịch. Vụ việc này chưa từng có ở bất cứ nuớc nào. Đến Michael Jackson, John Lennon còn không tùy tiện ký vào mặt tranh của Peter Max, Andy Warhol cho dù đã sở hữu nó".
"Thấy đau nhiều hơn giận Hưng và Quyên"
Họa sĩ Lê Kinh Tài, một tên tuổi đang lên của giới hội họa phát biểu sau khi đọc về sự việc: "Cá nhân, tôi thấy đau nhiều hơn cả giận Hưng và Quyên ạ!".
Bên cạnh đó, Lê Kinh Tài cũng đề xuất chiều 14/10: "Vẫn còn kịp để Lệ Quyên và Đàm Vĩnh Hưng tổ chức một buổi họp báo xin lỗi công khai cá nhân họa sĩ Hứa Thanh Bình nói riêng và giới cầm cọ cả nước nói chung, nếu anh chị biết mình sai lầm.
Nghệ sĩ cũng là người, ai cũng có thể mắc sai lầm, quan trọng là biết sửa sai. Biết tôn trọng người khác, đó cũng là cách tự trọng mình".
Sáng 15/10, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, nhân vật được chú ý nhất trong toàn bộ sự việc, lên tiếng xin lỗi họa sĩ Hứa Thanh Bình.
"Xin chú thứ lỗi bỏ qua cho sự vụng dại này của con", anh viết. Nam ca sĩ kể thêm, lúc ký tên là "khoảng 11, 12h đêm", sau khi kết thúc buổi đấu giá nên không thể gọi điện cho họa sĩ để xin phép. Nếu biết trước nguyên tắc của giới hội họa, anh đã không ký tên vào tác phẩm.
Tiết lộ về phản ứng của họa sĩ Hứa Thanh Bình, nhà báo Cù Mai Công viết: "Họa sĩ Hứa Thanh Bình, người tặng bức tranh cho chương trình từ thiện để bán đấu giá, ngay khi đó đã cảm thấy không hài lòng".
Đến hiện tại, khi cả dư luận và giới hội họa đều không ngừng lên tiếng về vụ việc, tác giả bức tranh là họa sĩ Hứa Thanh Bình vẫn im lặng. Ông không trả lời các cuộc gọi từ phóng viên.
Bình luận