Theo CNN, đối với ông Trump, 5 giờ đàm phán với ông Kim có thể là chiến thắng cho canh bạc liều lĩnh mà ông đặt cược tương đối lớn. Nhưng với những người kỳ vọng vào cuộc gặp lịch sử hôm 12/6, một bản cam kết chung chung về phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên không khác là bao so với nội dung trong Tuyên bố chung Bàn Môn Điếm hồi tháng 4 không thể khiến họ hài lòng.
Nhiều chuyên gia vẫn hoài nghi về việc ông Kim sẵn lòng từ bỏ vũ khí hạt nhân dù Tổng thống Trump nhấn mạnh quá trình phi hạt nhân hóa sẽ bắt đầu "rất, rất nhanh".
"Chúng tôi không rõ liệu ông Kim đã đưa ra quyết định chiến lược để loại bỏ hạt nhân hay chưa và cũng không rõ các cuộc đàm phán tiếp thep có dẫn tới mục tiêu cuối cùng này hay không. Điều này dường như lặp lại kịch bản khi chúng tôi rời cuộc đàm phán cách đây 10 năm và đó không phải là một bước tiến lớn". ông Anthony Ruggiero, chuyên gia cấp cao thuộc một tổ chức nghiên cứu ở Washington phân tích.
Không thể phủ nhận Tổng thống Trump đã tạo ra một bầu không khí tích cực xung quanh cuộc đàm phán ở Singapore, tương phản hoàn toàn với thời điểm cách đây 1 năm với những lời đe dọa đến từ 2 bên.
Nhưng với việc chỉ kết thúc bằng một tuyên bố chung chung mà không đưa ra mốc thời gian cụ thể cho các hành động, không làm sáng tỏ được sự khác nhau trong định nghĩa về phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên cũng như không đề cập tới mục tiêu mà Washington nhiều lần nhấn mạnh trước đó là phi hạt nhân hóa “hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược”, cuộc gặp lịch sử giữa ông Trump và ông Kim Jong-un phần nhiều mang tính biểu tượng và không đáp ứng được kỳ vọng như mong đợi, tờ Reuters bình luận.
Trong thỏa thuận được ký kết, Tổng thống Trump cam kết đảm bảo an ninh cho Triều Tiên và ông Kim Jong-un tái khẳng định cam kết vững chắc của mình về phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên. Nhưng Reuters chỉ ra rằng tuyên bố này không đề cập tới các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng hay một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh Triều Tiên.
Video: Kim Jong-un dùng bút em gái mang theo để ký thỏa thuận với Trump
NBC cho rằng thỏa thuận được ký kết giữa lãnh đạo Mỹ-Triều dường chư không có thêm cam kết gì mới mẻ mà chỉ được cấu thành từ những từ ngữ mơ hồ mà nhiều chuyên gia cho rằng khó có thể thực thi.
“Tuyên bố này chẳng có gì, đó chỉ là một cam kết trống rỗng”, Andrei Lankov, một giáo sư tại Đại học Kookmin ở Seoul nhận định.
Ông Lankov tin rằng Tổng thống Trump đã đạt được mục đích của mình khi đưa ông Kim tới bàn đàm phán nhưng đã lãng phí cơ hội khi dành nhiều thời gian chụp ảnh bắt tay thay vì đưa ra một thông điệp gì đó cứng rắn.
“Mỹ đã có cơ hội buộc Triều Tiên phải nhượng bộ, nhưng họ đã không tận dụng nó”, ông này nói thêm.
Trong buổi họp báo sau cuộc gặp lích sử, Tổng thống Trump nói rằng sẽ tạm ngừng các cuộc tập trận chung với quân đội Hàn Quốc, một sự nhượng bộ mà theo Adam Mount, nhà phân tích cao cấp tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ cho rằng đã đi xa hơn mức cần thiết.
Dù vậy, “hội nghị này vẫn được tính là thành công nếu xét tới việc nó mang tới một sự tương tác liên tục và làm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên”, ông Mount phân tích.
John Delury, giáo sư tại trường Đại học Yonsei của Hàn Quốc cho rằng thỏa thuận này dù sao cũng đã khuyến khích ông Kim bước ra thế giới để đối thoại và tìm kiếm hòa bình.
Bình luận