Gần nửa năm qua, giếng nước của gia đình bà Lê Thị Dưỡng, 60 tuổi, ở xóm 1, đã cạn khô, trơ đáy. Con cháu đi làm xa, nhà chỉ còn vợ chồng già, nên họ không thường xuyên đi chở nước mà mua nước của người dân cùng xã (ở dưới chân núi) về dùng.
"Đựng nước bằng các can nhựa 25-30 lít rồi chở bằng xe máy rất lỉnh kỉnh, nên thanh niên trai tráng mới chở nổi, còn tôi mua nước rồi chở bằng xe ba gác", bà Dưỡng giải thích.
Giá nước cộng với công vận chuyển lên đến 150.000 đồng/m3, gấp 30 lần giá nước tại TP Quảng Ngãi. Gia đình bà dùng để nấu ăn và tắm rửa, sau khi rửa rau, vo gạo thì đổ cho bò uống. Nhưng chỉ sau ba ngày, bà Dưỡng lại phải mua đợt nữa.
Gần nhà bà Dưỡng, bà Lê Thị Lường ở xóm 1 thở dài vì chi phí sinh hoạt tăng do trang trải tiền mua nước. "Mọi năm đến tháng 4 giếng mới cạn, nhưng từ sau Tết Nguyên đán năm nay giếng đã hết nước", bà Lường nói.
Xóm 1 thôn Diên Trường là vùng chịu hạn nặng nề nhất ở địa phương, không chỉ phải dừng sản xuất nhiều diện tích lúa, hoa màu và nguồn nước sinh hoạt cũng khan hiếm.
Ông Phạm Kinh Oanh, Chủ tịch UBND xã Phổ Khánh cho biết, thị xã đã cấp cho xã 300 triệu đồng để khoan 5 giếng. Hiện xã vừa khoan xong giếng đầu tiên ở thôn Diên Trường và sẽ tiếp tục khoan ở các thôn khác.
Lãnh đạo xã cho biết, do địa chất ở xã là đất lẫn sỏi cứng, đá tảng, xã phải thuê máy loại lớn để khoan sâu xuống 60-100m mới có nước. Giá khoan khoảng 200.000 đồng/mét, vị trí trúng đá phải trên một triệu đồng, có khi phải khoan nhiều lần mới trúng mạch nước nước ngầm, nên chi phí khoan giếng lên đến hơn 50 triệu đồng một giếng. Mỗi giếng sau khi khoan xong sẽ được nhiều gia đình sử dụng.
Theo UBND thị xã Đức Phổ, nắng hạn từ đầu năm đến nay khiến khoảng 5.000 người thiếu nước sinh hoạt, nặng nhất là ở xã Phổ Khánh, Phổ Cường. Tại xã Phổ Thạnh, giếng nước của 910 hộ bị nhiễm mặn. Chính quyền thị xã Đức Phổ đã chi 2 tỷ đồng để khoan giếng, lấy nước sinh hoạt cho người dân.
Bình luận